Tháo gỡ khó khăn trong xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Với chức năng được giao, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý; đặc biệt là những khó khăn trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Khó khăn trong lập hồ sơ kiến nghị khởi tố

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tham gia tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong gần 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Từ tháng 9/2019, khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tính đến 30/9/2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) chỉ rõ, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, BHXH các địa phương còn gặp một số vướng mắc, trong đó có vấn đề thuộc trách nhiệm hướng dẫn của BHXH Việt Nam và có những vấn đề cần có sự phối hợp giải đáp, trao đổi của các cơ quan có thẩm quyền.

Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện cũng được đại diện BHXH các địa phương phản ánh tập trung vào các nội dung như: Cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không; đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến “đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”.

Theo đại diện BHXH TP.HCM, do đây là quy định mới nên một số quy định vẫn còn khó thống nhất trong cách hiểu. Bên cạnh đó, việc địa điểm tiếp nhận hồ sơ phía Công an yêu cầu lại là quận, huyện- điều này chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, cơ quan Công an cũng yêu cầu BHXH cung cấp số liệu hồ sơ như hợp đồng lao động, bảng lương… Những yêu cầu này, phía cơ quan BHXH rất khó có thể cung cấp được.

Hiểu đúng và xác định rõ hành vi vi phạm

Chia sẻ thực tế này, đại diện Bộ Công an cho biết, các hành vi vi phạm trong Điều 216 hiện đang bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình DN, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang Công an.

“Hiện nay, các DN nợ đọng rất nhiều, nếu cơ quan BHXH chuyển hết sang phía Công an, thì chúng tôi sẽ bị áp lực do nhân sự còn mỏng. Vì vậy, giải pháp ban đầu là trao đổi thông tin, phân loại từng đơn vị nợ đọng để có hình thức răn đe. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ để khởi tố”- đại diện Bộ Công an chia sẻ.

Đề cập tới trách nhiệm của từng cơ quan, đại diện Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động cũng như sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, các trường hợp này cần xử lý nghiêm để có thể răn đe, nhưng để xử lý được một cách đúng tội thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng thông qua hội nghị lần này, các địa phương đã được tháo gỡ phần nào, nhất là việc xác định rõ và hiểu đúng về các hành vi vi phạm của DN. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ của phía Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao trong việc gỡ vướng quá trình xử lý DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất trong việc kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm là đòi lại quyền lợi chính đáng cho người tham BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương trước khi gửi hồ sơ sang phía cơ quan Công an cần trao đổi, nắm bắt thông tin để việc xử lý dễ dàng nhất. Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý một cách nghiêm khắc, qua đó làm gương cho những DN có dấu hiệu vi phạm.

Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động - Ảnh: ST

(Nguồn Kiểm toán Nhà nước)

XB