Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xử lý hình sự về tội “đào ngũ”

Thông tư số 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ban hành ngày 21/02/2020 quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vấn đề “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm” trong xử lý hình sự về tội “đào ngũ”.

Theo đó, Điều 41quy định, nếu người vi phạm vắng mặt, không tự kiểm điểm thì cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tại gia đình, địa phương nơi người vi phạm cư trú và lập biên bản về sự vắng mặt của người vi phạm. Biên bản xác minh được công bố trước cơ quan, đơn vị và có giá trị như bản tự kiểm điểm của người vi phạm để tập thể cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc họp phân tích, phê bình, tham gia ý kiến đề xuất và kết luận hình thức kỷ luật đối với quân nhân vi phạm mặc dù quân nhân đó vắng mặt tại đơn vị.

Bên cạnh đó khoản 4, Điều 42 quy định, trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yêu cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Trong thực tế các đơn vị hiện nay hiện tượng quân nhân rời bỏ đơn vị thì đơn vị không gặp được quân nhân vi phạm để động viên họ quay trở lại đơn vị, (không biết ở đâu, nhiều lý do khách quan khác nhau) để tiến hành xử lý kỷ luật theo trình tự được quy định tại Điều 40 Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất khó khăn khi xác định căn cứ để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đào ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015 với tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.

Các quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật quy định tại Thông tư số 16/2020/TT-BQP đã tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc cho các đơn vị, các Cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội để tiến hành xử lý đối với các trường hợp quân nhân đào ngũ mà chưa xử lý được kỷ luật do quân nhân vắng mặt không lên đơn vị, hoặc lẩn trốn.

Thông tư số 16/2020/TT-BQP gồm 47 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/4/2020 và thay thế Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

Theo Kiemsat.vn

NGUYỄN THÀNH LUÂN