Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hòa giải tại Tòa án
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài “Vướng mắc trong quá trình hòa giải tại Tòa án” vào ngày 05/02/2020. Tác giả xin trao đổi, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà bài viết đặt ra.
Ba quan điểm khác nhau
Tác giả bài viết có nêu vướng mắc trong hai trường hợp.
– Trường hợp thứ nhất: Vụ án vừa có yêu cầu phản tố, vừa có yêu cầu độc lập. Nếu tại phiên họp hòa giải các đương sự thỏa thuận được với nhau đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời bị đơn rút lại yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút lại yêu cầu độc lập thì Tòa án xử lý như thế nào?
– Trường hợp thứ hai: Vụ án có từ hai yêu cầu trở lên. Tại phiên họp hòa giải, nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, phần yêu cầu còn lại các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, thì Tòa án xử lý như thế nào?
Theo tác giả hiện có ba quan điểm khác nhau: Một là, Tòa án vừa ra quyết định đình chỉ (đối với yêu cầu mà nguyên đơn rút, yêu cầu phản tố mà bị đơn rút và yêu cầu độc lập mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút), vừa ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Hai là, Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận, trong đó có ghi nhận nội dung đình chỉ. Ba là, Tòa án tiến hành đưa vụ án ra xét xử và ban hành bản án, trong bản án vừa ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự vừa đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn rút, đình chỉ yêu cầu phản tố mà bị đơn rút và đình chỉ yêu cầu độc lập mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút (nếu có).
Tháo gỡ vướng mắc
Qua nghiên cứu một số quy định pháp luật có liên quan và thực tiễn giải quyết các vụ án tại Tòa án địa phương, tôi xin có ý kiến được trao đổi như sau:
Tại khoản 2 Điều 212 BLTTDS năn 2015 có quy định như sau: “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án”. Điều này có nghĩa rằng tất cả các yêu cầu của đương sự trong vụ án bao gồm yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập và các vấn đề khác trong vụ án như án phí, chi phí tố tụng … trong vụ án phải được tất cả các đương sự trong vụ án thỏa thuận giải quyết thì Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP) cũng đã ban hành kèm theo Mẫu số 38-DS (Mẫu Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, dành cho Thẩm phán). Theo Mẫu số 38-DS, trong phần “Sự thỏa thuận của các đương sự” của quyết định, Tòa án phải “Ghi đầy đủ lần lượt các thoả thuận của các đương sự về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án đã được thể hiện trong biên bản hoà giải thành (kể cả án phí)” như hướng dẫn số (5). Như vậy, các vấn đề khác mà không phải là sự thỏa thuận của đương sự trong vụ án thì không ghi vào trong quyết định này. Do đó, nếu cho rằng phải ghi thêm nội dung đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện vào trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, theo quan điểm của tôi là chưa thật sự hợp lý và đúng quy định pháp luật.
Vấn đề đặt ra là nếu không ghi thêm nội dung đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hay đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện vào trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự thì giải quyết việc rút yêu cầu phản tố, việc rút yêu cầu độc lập hay việc rút một phần yêu cầu khởi kiện sẽ được giải quyết như thế nào. BLTTDS năm 2015 có quy định về việc đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố hay đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập trong trường hợp này không. Qua nghiên cứu BLTTDS năm 2015 thì không có quy định cụ thể về giải quyết trường hợp đơn rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập tại phiên họp hòa giải. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 lại có quy định về việc đỉnh chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn tại tại khoản 2 Điều 217:
“2. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
…
b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cần độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Qua quy định này để thấy rằng thực tế đã có quy định về việc ra Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn. Chỉ có vướng mắc ở đây là Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP không có ban hành kèm theo mẫu loại quyết đình này. Tuy nhiên, thực tế các Thẩm phán vẫn có thể dựa vào mẫu số 45-DS (Mẫu Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, dành cho Thẩm phán) ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP để ra Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.
Từ sự phân tích này, theo quan điểm của tôi, trường hợp thứ nhất, tại phiên họp hòa giải bị đơn rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập, các vấn đề còn lại trong vụ án các đương sự đã thỏa thuận giải quyết được thì Thẩm phán có thể áp dụng pháp luật tương tự để ra Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự của đương sự (theo yêu cầu khởi kiện của đương đơn). Như vậy, sẽ đảm bảo được quyền kháng cáo, kháng nghị đối với việc đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; quyền khởi kiện lại của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; vừa đảm bảo tính có hiệu lực ngay sau khi ban hành của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
Còn đối với trường hợp thứ hai, nếu nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, còn phần yêu cầu khởi kiện còn lại nguyên đơn thỏa thuận được với các đương sự trong vụ án thì cũng sẽ giải quyết tương tự. Cụ thể là Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đã rút và ra thêm Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự đối với phần yêu cầu khởi kiện các đương sự thỏa thuận được.
Do đây là vấn đề không được pháp luật quy định cụ thể nên việc nhận thức có thể còn khác nhau. Rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng nghiên cứu trao đổi thêm để nhận thức áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
Cán bộ Tòa án nhân dân huyện Lập Thạch tích cực thực hiện công tác hòa giải, giúp nhiều gia đình hàn gắn hạnh phúc. Ảnh: Chu Kiều
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận