Thi hành án về tiền đạt thấp và giảm sâu
KIM DUNG - Các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị thi hành lớn trong khi tài sản phát hiện để xử lý chỉ có giá trị rất thấp, tài sản phân tán ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý không rõ ràng… nên rất khó thu hồi tài sản thất thoát. Sáng 20/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Mai Lương Khôi đã đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2018.
Thi hành án về tiền chỉ đạt tỷ lệ 13.05%
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống THADS triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác. Các cơ quan THADS thi hành xong số việc cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: Về việc: Tổng số phải thi hành là 629.944 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 459.511 việc, chiếm 72,94%. Thi hành xong 241.770 việc (tăng 16.654 việc), đạt tỉ lệ 52,61% (tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2017). Về tiền: Tổng số phải thi hành là trên 158.522 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 92.522 tỷ đồng, chiếm 58,37%. Thi hành xong trên 12.072 tỷ đồng (giảm 4.836 tỷ 096 triệu 212 nghìn đồng), đạt tỷ lệ 13.05% (giảm 5,20% so với cùng kỳ năm 2017). Có 247 bản án, quyết định thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS, đã thi hành xong 145 việc, còn 102 việc chưa thi hành xong…
Tuy nhiên, kết quả THADS về tiền đạt thấp và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017; lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ; số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật vẫn còn tương đối nhiều; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao… là những hạn chế của công tác THADS nửa đầu năm 2018.
Như thông tin báo chí từng phản ánh, năm 2017 và đầu năm 2018, nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử với mức thiệt hại được xác định lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tổng cục THADS cho hay, đã chỉ đạo các cơ quan THADS tích cực, tập trung thi hành phần dân sự trong các bản án kinh tế – tham nhũng, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi rất thấp. Tính riêng năm 2017, đã thụ lý gần 750 việc, tương ứng với gần 37 nghìn tỷ đồng; số có điều kiện THA là 480 việc với trên 22 nghìn tỷ đồng. Kết quả, mới thi hành xong gần 300 việc với trên 7.500 tỷ đồng.
Điển hình như trường hợp Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải THA hơn 600 tỷ đồng, trong khi tài sản bảo đảm THA chỉ có 5 tỷ đồng. Hay Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vinalines phải bồi thường 110 tỉ đồng do phạm 2 tội là “Tham ô” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, song chỉ thu hồi được trên 21 tỉ đồng. Khoản còn lại hơn 88 tỉ đồng, Cục THADS TP Hà Nội xác định, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác nên đã phải ra quyết định chưa có điều kiện THA.
Khó khăn, vướng mắc lớn
Theo lãnh đạo Tổng cụ THADS, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong thi hành các vụ việc loại này là giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán, nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để THA.
Thực tế cho thấy, trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội rất tinh vi do nhiều đối tượng có tổ chức thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Một số vụ án tham nhũng được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản, có khi chuyển tài sản ra nước ngoài nên hết sức khó khăn khi thu hồi.
Các khó khăn, vướng mắc trong công tác này đã được thảo luận và chỉ rõ, cụ thể: Các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị thi hành lớn trong khi tài sản phát hiện để xử lý chỉ có giá trị rất thấp, tài sản phân tán ở nhiều địa phương, tình trạng pháp lý không rõ ràng. Trong giai đoạn thẩm định cho vay, các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ trong việc xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án…
Một vấn đề khó khăn khác, đó là đội ngũ cán bộ THADS. Năm 2017, số công chức THA bị xử lý kỷ luật có giảm, nhưng vẫn còn nhiều, trên 20 trường hợp. Cho nên, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm những công chức, cán bộ THA có vi phạm.
Khoản nợ tín dụng
Về kết quả xử lý đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan THADS đã thi hành xong 1.676 việc, thu được 10.708 tỷ 654 triệu 166 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 7,79% về việc và 11,28% về tiền trên tổng số việc phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 về giá trị tuyệt đối (tăng 22 việc và tăng 184 tỷ 183 triệu 767 nghìn đồng).
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho rằng: Về thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã kịp thời có các công văn triển khai, hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến Nghị quyết này trên toàn Hệ thống. Bên cạnh đó, Tổng cục đã ban hành kế hoạch công tác năm 2018 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương xây dựng Kế hoạch tổ chức thi hành án tín dụng của đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả, báo cáo, rà soát các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng điển hình, có khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Hiện nay, 63/63 địa phương có Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tuy vậy, công tác THADS đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng như việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án đối với loại việc này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tổng cục THADS đang phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ THADS xong trên 72% về việc và trên 32% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành; giảm ít nhất 3% số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2019 so với số chuyển kỳ sau của năm 2017 chuyển sang năm 2018 trên số có điều kiện thi hành. Tập trung thi hành, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chính xác trong phân loại và tổ chức thi hành án. Bảo đảm theo dõi việc thi hành đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi thi hành.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
1 Bình luận
Đặng Việt Thái
13:34 06/10.2024Trả lời