Thị xã Quế Võ (Bắc Ninh): Dự án trang trại biến tướng kinh doanh nhà hàng, ủy ban phường nói “bận” nên chưa kiểm tra
Thời gian qua, tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tồn tại 01 tổ hợp nhà hàng Nam Sông Cầu chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống với diện tích hàng nghìn m2 hoạt động có dấu hiệu trái phép. Trước vấn đề này, người dân cùng cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều lần tới UBND phường Nhân Hòa, tuy nhiên chính quyền địa phương biểu hiện sự thờ ơ, chậm kiểm tra xử lý vi phạm.
Vi phạm ngang nhiên tồn tại
Mới đây, Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được thông tin phản ánh liên quan tới công trình có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, khu vực này được UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất thực hiện dự án trang trại phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên chủ công trình đã có dấu hiệu biến tướng, sử dụng một phần diện tích được cấp để kinh doanh nhà hàng.
Tổng thể khu trang trại sinh thái Nam Sông Cầu.
Trước sự việc trên, phóng viên đã có mặt tại thôn Cung Kiệm, phường Nhân Hòa và ghi nhận những thông tin phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, tại mặt đường Bắc Kinh (gần tuyến đường đê sông Cầu) có biển chỉ dẫn “nhà hàng Nam Sông Cầu”. Theo đó, tại nhà hàng này phục vụ đủ các loại hình như dịch vụ câu cá, tổ chức sự kiện, cưới hỏi, họp lớp...cùng đa dạng các món như cơm quê, gà quê, vịt biển, hải sản tươi sống, các món nhậu bình dân...với giá cả phải chăng.
Theo tìm hiểu, nhà hàng này nằm trong tổng thể quy mô của trang trại sinh thái Nam Sông Cầu thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Hà Anh Tuấn với người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Tôn. Bên cạnh khu vực chăn nuôi, tại đây đã xây dựng nhiều hạng mục như nhà điều hành, khu bể bơi, 02 dãy nhà mái nhật lớn (bên trong bày biện nhiều bàn ăn), 02 nhà mái nhật cỡ nhỏ (phòng chờ), khu bếp, đường hành lang...cùng nhiều hạng mục đang xây dựng dang dở.
Nhiều công trình nhà ăn đã được xây dựng.
Theo chia sẻ của người dân xung quanh, khu vực trang trại sinh thái Nam Sông Cầu này đã hoạt động nhiều năm nay, luôn có khách đến ăn uống, vui chơi, đặc biệt vào những dịp lễ, tết. Ngoài kinh doanh nhà hàng, khu vực này còn là địa điểm cho thuê mặt bằng để tổ chức các sự kiện, đám cưới...với chi phí không hề rẻ.
Để quảng bá thương hiệu, trang trại sinh thái Nam Sông Cầu thường xuyên đăng tải thông tin cũng như hoạt động của nhà hàng lên các nền tảng mạng xã hội điển hình là Facebook. Tại Fanpage “Trang Trại Sinh Thái Nam Sông Cầu cơ sở 1” có hơn 2 nghìn người theo dõi được cập nhật liên tục nhiều hình ảnh kinh doanh thể hiện việc đông khách của nhà hàng đặc biệt vào những ngày quan trọng...
Fanpage Facebook của trang trại sinh thái Nam Sông Cầu.
https://www.facebook.com/TrangtraisinhthaiNamSongCauNSC
“Dân tình phản ánh báo chí rất nhiều nhưng chúng tôi chưa kiểm tra”
Trước sự việc trên, ngày 19/03/2024 phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thường - Chủ tịch UBND phường Nhân Hòa và ông Nguyễn Văn Triệu – cán bộ Địa chính phường Nhân Hòa. Qua trao đổi được biết, năm 2019 Công ty Cổ phần xây dựng Hà Anh Tuấn tiến hành xây dựng khu trang trại sinh thái Nam Sông Cầu sau khi được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án với mục đích chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm và dược liệu (không có chức năng kinh doanh nhà hàng) với tổng diện tích lên tới gần 24 nghìn m2.
Về việc UBND phường Nhân Hòa có biết Công ty Cổ phần xây dựng Hà Anh Tuấn kinh doanh nhà hàng hay không? Các hạng mục có được xây dựng đúng thiết kế theo bản vẽ đã được phê duyệt, sử dụng đúng mục đích hay chưa? Thì ông Nguyễn Văn Triệu - cán bộ Địa chính phường Nhân Hòa trả lời: “Chúng tôi không biết, các bước làm thủ tục phường xác nhận cho đơn vị, còn sử dụng mục đích đúng hay sai chúng tôi chưa có biên bản, chúng tôi chưa kết luận”.
UBND phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Phóng viên thắc mắc lý do vì sao khu trang trại được xây dựng từ năm 2019 đến nay cũng như đã hoạt động kinh doanh nhà hàng một thời gian dài phía chính quyền địa phương lại không kiểm tra, lập biên bản thì đại diện phường Nhân Hòa viện dẫn lý do thiếu nhân lực nên bận chưa thể kiểm tra được.
“Dân tình phản ánh báo chí rất nhiều nhưng chúng tôi chưa kiểm tra thì chúng tôi cũng chưa thể nào kết luận là đúng hay sai. Còn bây giờ người ta đã làm được thế thì cũng không phải bình thường, người ta cũng đang lỗ, ừ thì cho kinh doanh ăn uống mỗi ngày được hai mâm cũng bù lỗ, chắc sắp phá sản” ông Nguyễn Văn Triệu - cán bộ Địa chính phường Nhân Hòa cho hay. Câu trả lời dửng dưng của cán bộ quản lý về lĩnh vực này là dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý hay bao che cho sai phạm?
Một hóa đơn mức bình thường, có khá nhiều mặt hàng được nhà hàng phục vụ thường xuyên.UBND phường Nhân Hòa do bận nên chưa kiểm tra hay còn nguyên do nào khác?
Về hồ sơ cấp phép của dự án, phía UBND phường Nhân Hòa cho biết đã yêu cầu rất nhiều lần nhưng đến nay đơn vị không nộp bất cứ văn bản nào tới phường để quản lý và hướng dẫn phóng viên xuống khu trang trại sinh thái Nam Sông Cầu để trao đổi.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Tôn – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Hà Anh Tuấn một mực khẳng định bản thân thực hiện đúng theo các quy định được phê duyệt, không kinh doanh nhà hàng, nhưng khi phóng viên ngỏ ý muốn tiếp cận hồ sơ cấp phép của dự án, ông Tôn lại lấy lý do nhân viên đi vắng để từ chối và hẹn cung cấp sau.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì ông Tôn khẳng định, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 23/03/2024 và ngày 24/03/2024 khu trang trại sinh thái Nam Sông Cầu vẫn đón khách tới ăn uống bình thường, thậm chí trong quá trình phục vụ phía nhà hàng còn cung cấp nước uống hết hạn cho khách hàng.
Bia Tiger có NSX: 23/09/2022 và HSD: 23/09/2023 (hết hạn 06 tháng) nhưng vẫn được nhà hàng phục vụ cho khách hàng.
Trước sự việc trên, ngày 21/03/2024 phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND thị xã Quế Võ. Trao đổi với ông Đặng Văn Tuấn - Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ cho biết đã nắm được nội dung thông tin và đang cho cán bộ rà soát, sẽ thông tin lại sau.
Kính đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, UBND thị xã Quế Võ cùng các đơn vị có liên quan nhanh chóng kiểm ra dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần xây dựng Hà Anh Tuấn trong quá trình sử dụng đất đai. Mặt khác, cũng xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong công tác quản lý địa bàn (nếu có) hướng tới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Điểm b, c, d Khoản 4 Điều 232 Luật Đất đai năm 2024 về theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai có nêu:
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp huyện trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp xã trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp huyện;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã.
Điều 241 Luật Đất đai năm 2024 về Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.
2. Người đứng đầu cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
3. Công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp khi thi hành công vụ có trách nhiệm phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Điều 239 Luật Đất đai năm 2024 về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai:
Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 và khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:
Khoản 3: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
Khoản 4: Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.
Khoản 5: Biện pháp khắc phục hậu quả:
a: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
c: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:
Khoản 2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Khoản 3. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.
Khoản 4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Bài liên quan
-
Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Hoàng Hà và Công ty TNHH TM DV Xử lý Môi trường Việt Khải
-
Tuyên án các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đưa và nhận hối lộ tại tỉnh Bắc Ninh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận