Thờ cúng các Vua Hùng là một điểm tựa tâm linh vững chắc, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh
Sáng 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 để tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
Theo truyền thuyết, sau khi kết duyên với Lạc Long Quân, Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng nở thành một trăm người con, là Tổ tiên của Bách Việt. Khi các con lớn lên, 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển.
Trong 50 người con theo mẹ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng trị vì đất nước.
Tương truyền bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người trở về với Hiền Lương gắn bó cuộc đời của mình.
Để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cách đây hơn 500 năm, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền thờ Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1991 và tượng mẫu Âu Cơ là Bảo vật Quốc gia.
Trước đại lễ, ngày mùng 9 tháng Ba Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng tham gia đoàn còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương tri ân công đức của Tổ Mẫu Âu Cơ tại Đền mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Chủ tịch nước dâng hương trong Thượng cung
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tới dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đền được xây dựng tại Núi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, khánh thành vào ngày 29/3/2009 đúng vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009.
Đúng 7 giờ ngày 10 tháng Ba, trong tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương khởi hành từ sân trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng. Đi đầu đoàn hành lễ là đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Theo sau là các thiếu nữ mặc áo dài đỏ mang hương, hoa, lễ vật và 100 con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta. Tiếp đó là đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương, các địa phương; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thịvà nhân dân về dự Lễ dâng hương.
Rước lễ lên điện Kính Thiên
Tại Điện Kính Thiên, với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên trong đoàn cùng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vào Thượng cung dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như ngày hôm nay.
Trước anh linh Quốc Tổ Hùng Vương, thay mặt hơn 90 triệu con dân đất Việt, ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phó Thọ kính cẩn đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Chúc văn nêu rõ: Con cháu Lạc Hồng nguyện mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước,Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cầu mong Thánh Tổ phù hộ cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái, dân an, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn. Độ trì cho mưa thuận, gió hòa, nhân khang, vật thịnh, dịch bệnh COVID-19 sớm tiêu tan; cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, bình an, vui hưởng thái hòa.
Trước cổng đền "Cao sơn cảnh hành"
Trước đó, dự lễ Lễ khánh thành đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ với chủ đề "Thăng hoa hào khí Lạc Hồng" diễn ra vào tối 6/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam - những người cùng chung một cội nguồn.
Đồng bào từ nhiều nơi về dâng hương lên các Vua Hùng
Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ lan truyền, vun đắp qua bao thế hệ như một điểm tựa tâm linh vững chắc, cố kết tính dân tộc Việt, là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, độc lập, trường tồn với "Sông núi nước Nam vua Nam ở" và gìn giữ thái bình, không ngừng mở mang, hợp tác, phát triển.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngay từ đầu tháng Ba âm lịch, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã đón khá đông đồng bào và du khách thập phương. Ban Quản lý Khu Di tích đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thực hành tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách.
Cùng thời điểm với Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt tổ chức lễ dâng hương.
Ngay từ sáng sớm, dòng người về Đền Hùng đã đông đúc. Vì là cuối tuần nên người dân sắp xếp thời gian để hành hương về bái Tổ. Khu vực sân hành lễ tới cổng Tam quan của Đền Hùng đông người.
Tối 9/4 (tức mùng 9/3 Âm lịch), tại sân khấu công viên Văn Lang, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bài liên quan
-
Chủ tịch nước trao Quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho đồng chí Lê Quốc Hùng
-
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật mới được thông qua
-
Phó Chủ tịch nước dự kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận