Thông báo kết luận của Chánh án TANDTC về triển khai thực hiện đề án, dự án luật năm 2024

Ngày 11/9/2024, TANDTC đã tổ chức cuộc họp về triển khai thực hiện các đề án, dự án luật năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo TANDTC, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và Trưởng Ban Thanh tra.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Chánh án TANDTC yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành, bảo đảm về tiến độ, chất lượng đối với 4 đề án lớn gồm: Đề án “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp" (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Đề án “Nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tổ tụng tu pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp” (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Đề án “Hoàn thiện cơ chế quản trị Tòa âm, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử” (Vụ Tổ chức - Cán bộ). Đề án “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp sai trái trong hoạt động tư pháp” (Ban Thanh tra).

Các đề án này được Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC. Khi xây dựng các đề án cần báo cáo, xin ý kiến Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trước về đề cương chi tiết và nội dung cơ bản của đề án; nội dung đề án phải gắn với yêu cầu thực tiễn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho thực tiễn.

Chánh án TANDTC giao Vụ Tổ chức - Cán bộ rà soát, xác định lại danh mục dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Thông tư của Chánh án TANDTC cần ban hành ngay khi Luật Tổ chức TAND có hiệu lực (ngày 01/01/2025). Đối với các văn bản ban hành sau ngày 01/01/2025 thì phải xác định thời hạn hoàn thành cụ thể để chủ động xây dựng, hoàn thiện đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Chánh án TANDTC giao Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp, trao đổi với Viện KSNDTC về đề nghị thành lập TAND cấp cao tại Cần Thơ theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ban cán sự Đảng TANDTC; chỉ đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị nghiên cứu báo cáo về xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được quy định trong Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Việc xây dựng Nghị quyết về việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt phải đồng bộ với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng. Các đơn vị cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức và hoạt động của các TAND sơ thẩm chuyên biệt như: Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan... Giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản để đảm bảo điều kiện thành lập và hoạt động cho các TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Chánh án TANDTC cũng giao Ban Thanh tra tổ chức lấy ý kiến toàn hệ thống Tòa án về định chế độ bảo vệ Thẩm phán thông qua hội nghị trực tuyến hoặc các hình thức phù hợp khác để Tòa án các cấp thảo luận, tham gia ý kiến; nghiên cứu, xây dụng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bảo vệ Thẩm phán, báo cáo Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến trong Quý I/2025.

Đồng thời, Ban Thanh tra thực hiện tổng kết thực tiễn thi hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC về ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND để xác định được những vướng mắc, bất cập, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung; xây dựng dự thảo văn bản, báo cáo Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến trước Quý II năm 2025.

Ngoài ra, việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay đổi trang phục của Thẩm phán cần nghiên cứu phương án thực hiện phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí. Giao Cục Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mẫu trang phục của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, báo cáo Ban cán sự đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho ý kiến trong Quý II năm 2025.

Còn việc xây dựng ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật phải đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đồng chí Phó Chánh án chịu trách nhiệm chỉ đạo những lĩnh vực được phân công phụ trách. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng dự thảo các văn bản và định kỳ báo cáo tiến độ với Chánh án TANDTC. Đối với dự thảo văn bản do các đơn vị chủ trì soạn thảo phải được Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thẩm định trước khi báo cáo, xin ý kiến Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Chánh án TANDTC cũng giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học khẩn trương chuẩn bị nội dung để trình Ban cán sự Đảng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC: Xem xét, cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi); dự thảo Đề án “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp”; dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”. Đồng thời, xem xét, thông qua đối với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 51, Điều 52 của Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và 23 dự thảo án lệ và dự thảo giải đáp về kinh doanh thương mại.

“Yêu cầu các cá nhân, đơn vị trong toàn ngành khi được lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản do TANDTC xây dựng cần triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và chịu trách nhiệm về nội dung góp ý”, Chánh án TANDTC kết luận.

ĐĂNG KHOA