Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng- Bất cập và một số kiến nghị
Trong bài viết này, tác giả đưa ra quan điểm bất cập trong việc thực hiện thủ tục áp dụng phương thức tống đạt trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời đại chuyển đổi số hiện nay và một số kiến nghị.
1. Phương thức tống đạt trên phương tiện thông tin đại chúng
Điều 173 BLTTDS quy định 5 phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, gồm: (1) Phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; (2) Bằng phương tiện điện tử; (3) Niêm yết công khai; (4) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; (5) Phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của BLTTDS.
Điều 180 quy định thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
1. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo.
2. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.
3. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng phải được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
2. Một số bất cập, hạn chế
Việc Toà án thực hiện phương thức tống đạt thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, trên một trong các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp không còn phù hợp với cuộc sống xã hội hiện nay, khó có thể tiếp cận rộng rãi đến người được thông báo, nhất là khi thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ nhất, đối với việc đăng trên cổng thông tin điện tử của Toà án, tác giả nhận định rằng việc làm như này chưa được thiết thực và hiệu quả, khi người được thông báo nếu không có lý do gì thì không thể thường xuyên tìm đến cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân các cấp để đọc được nội dung mà Toà án thông báo.
Thứ hai, đăng trên các báo hàng ngày của Trung ương trong ba số liên tiếp.
Quá trình thực hiện thủ tục, thông tin sẽ được đăng trên báo giấy của các cơ quan trung ương. Hiện nay, báo giấy trong đời sống xã hội đã không còn được phổ biến như trước. Xu hướng hiện nay ở một số quốc gia trên thế giới, có những tờ báo có tuổi đời gần trăm năm đã bị “khai tử” khi báo điện tử xuất hiện.
Ở nước ta hiện nay, số người đọc báo giấy rất thấp, vì hầu hết mọi người có điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet để thể đọc được tất cả các trang báo mạng mà mình mong muốn.[1] Đặc biệt tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân Việt Nam tính đến hiện nay là 84% và hướng đến 100% năm vào cuối năm 2024, độ phủ 4G là gần 100%. [2]
Thứ ba, phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
Cũng giống như việc đăng lên báo, việc đăng thông tin lên đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương hiện nay không mang tính khả thi cao, việc xem tin tức thời sự hiện nay cũng như nghe đài hiện nay rất thấp, theo số liệu hiên nay người việt ít xem tivi hơn và xem tin tức qua điện thoại thông minh nhiều hơn.[3]
Tóm lại, đối với việc áp dụng các phương thức trên để thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng không còn hiệu quả, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của đương sự.
3. Một số kiến nghị bổ sung, thay đổi
Tác giả cho rằng đối với thời đại chuyển đổi số nói chung và việc chuyển đổi số tại hệ thống Toà án nói riêng hiện nay, việc đổi mới thủ tục đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng là thật sự cần thiết. Đối với việc thông báo trên cổng thông tin điện tử của Toà án, nên tích hợp việc thông báo trên nên tảng rộng hơn như trên các trang mạng xã hội, bên cạnh đó thay vì đăng lên báo giấy nên bổ sung cụ thể việc đăng trên lên báo điện tử, tạp chí, nhất là các cơ quan báo chí của TANDTC như Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, báo Công lý điện tử sẽ giúp cho người được thông báo dễ dàng tiếp cận, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
[1]https://daidoanket.vn/bao-giay-va-4-0-10224445.html
[2]https://tuyengiao.vn/huong-den-100-nguoi-dung-co-dien-thoai-thong-minh-vao-cuoi-nam-2024-
Việt Nam đang có xấp xỉ 93 triệu thuê bao là smartphone- Ảnh: MH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận