Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Nghị quyết này quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Sáng 28-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, với 450/455 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Nghị quyết gồm 5 điều, cụ thể: Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều 2: nguyên tắc thực hiện; Điều 3: Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản; Điều 4: Hiệu lực thi hành; Điều 5: Tổ chức thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Việc ban hành Nghị quyết nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.
Quang cảnh phiên họp
Cho phép tạm ngừng giao dịch
Nghị quyết quy định các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó có: (1) Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; (2) Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; (3) Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; (4) Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; (5) Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; (6) Lợi tức phát sinh trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết này được xử lý theo bản án, quyết định của Tòa án; (7) Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản; (8) Tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…
Trong các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được quy định tại Nghị quyết có biện pháp mang tính chất “khẩn cấp tạm thời”, có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác.
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết trong báo cáo công tác hằng năm và kết quả tổng kết khi kết thúc việc thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Bài liên quan
-
Chính thức trình Quốc hội mô hình Viện kiểm sát nhân dân 3 cấp
-
Bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân từ Nghị quyết 68-NQ/TW
-
Quốc hội đang lấy ý kiến Nhân dân về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
-
Khai mạc Kỳ họp lịch sử - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp; bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
Bình luận