Thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh
Ngày 15/7, theo chương trình phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Quy định chặt chẽ về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, sau khi rà soát, đề nghị bổ sung, điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật từ 6 chương 40 điều lên 8 chương 52 điều. Tại phiên họp này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ý kiến về bố cục của dự thảo Luật; về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; điều kiện nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Điều 36 dự thảo luật quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách;
Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật (trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự);
Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án;
Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế;
Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn; người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Thảo luận nội dung nêu trên, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: “Dự thảo luật quy định các trường hợp bị hoãn xuất cảnh như “xét thấy cần thiết”, ‘có căn cứ cho rằng”, vậy ai xét thấy, cơ quan nào có thẩm quyền đề nghị hoãn xuất cảnh, ví dụ công an xã, họ có quyền ra văn bản để hoãn xuất cảnh với một công dân hay không.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng không đồng tình với dự thảo: Ai là người quyết định chưa cấp giấy xuất cảnh? Nếu cấp rồi mà xảy ra trường hợp vi phạm thì ai sẽ ra quyết định thu hồi hoặc hủy giấy xuất cảnh đã cấp? Có trường hợp người chưa thực hiện xong nghĩa vụ thuế đã được cấp giấy cho xuất cảnh rồi mới phát hiện ra, chẳng lẽ cho xuất cảnh rồi không cho nhập cảnh lại? Trong khi quyền được nhập cảnh trở về Tổ quốc là quyền cơ bản của công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì lưu ý việc hoãn xuất cảnh ảnh hưởng đến quyền công dân rất nhiều, chỉ nên áp dụng với những trường hợp cần thiết như có vi phạm nghiêm trọng cần ngăn chặn và phải quy định rất rõ. Đối với một số trường hợp như có liên quan đến vụ án dân sự với số tiền chỉ vài triệu đồng thì nên cân nhắc bởi thời gian xử một vụ án dân sự thường rất lâu.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho biết nếu quy định diện tạm hoãn quá rộng thì cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, thống nhất trong hệ thống pháp luật, có viện dẫn mà không sao chép; thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn tại khoản 4 và khoản 5 cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”. Bổ sung quy định cụ thể hơn: “Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh”.
Bày tỏ sự nhất trí cao với cơ quan thẩm tra, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, người đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật cũng cho biết sẽ rà soát kỹ để quy định chặt chẽ về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh vì đây là vấn đề rất khó.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất bổ sung các quy định có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quản lý, sử dụng các loại hộ chiếu; chỉnh lý các nội dung cụ thể về cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để vừa bảo đảm bao quát, đầy đủ, sát hợp với thực tiễn, chặt chẽ về kỹ thuật văn bản, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và có ổn định cao hơn; đồng thời, dự kiến bổ sung một điều quy định về điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, cho rằng việc bổ sung một số điều và 2 chương mới là phù hợp với mục đích là để cụ thể, chi tiết thêm các nội dung của dự thảo Luật.
Không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân
Tại kỳ họp, một số ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại đối tượng. Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh là người không có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh học, không mang bệnh, mầm bệnh liên quan tới sức khỏe cộng đồng, không bị tạm hoãn xuất cảnh; người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng; đồng thời, tham khảo các điều ước quốc tế có liên quan, các hành vi bị nghiêm cấm để bổ sung vào điều kiện nhập cảnh. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không bổ sung điều kiện nhập cảnh, vì đã xuất cảnh thì phải được nhập cảnh theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo về một số nội dung lớn của còn ý kiến khác nhau của dự thảo – Ảnh QH.VN
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trường hợp nào là phù hợp với chủ trương của Đảng, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về nước của công dân không bị hạn chế.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát kỹ thêm quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam bởi đây là quy định mới. Bên cạnh các cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh là cần thiết, song cũng cần có đánh giá kỹ về tính liên thông, việc kết nối sử dụng chung giữa các cơ quan, đánh giá kỹ vấn đề liên quan đến chi phí, con người, bộ máy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát quy định về đối tượng đảm bảo hộ chiếu ngoại giao được sử dụng đúng mục đích, phát huy giá trị; quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ vừa phục vụ công tác quản lý nhưng không được làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân, rà soát quy định về thẩm quyền quyết định tạm hoãn, bổ sung quy định về trách nhiệm của người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh; làm rõ vai trò của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý hoạt động xuất nhập cảnh…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
2 Bình luận
Người dân
10:58 23/12.2024Trả lời
Bao Công
10:58 23/12.2024Trả lời