Thủ tướng lưu ý đặc biệt về chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"…

Ngay trong những ngày Tết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến công tác kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc. Qua thực tế kiểm tra, Thủ tướng có những đánh giá, chỉ đạo sâu sát.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc

Thủ tướng và đoàn công tác bắt đầu với lễ khánh thành tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại Ninh Bình ngày 4/2, sau đó kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đúc rút các kinh nghiệm, bài học trong công tác thi công các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An.

Ngày 5/2, đoàn tiếp tục làm việc dọc các tuyến cao tốc đang thi công từ Khánh Hòa tới Đồng Nai:  Nha Trang - Cam Lâm (theo hình thức PPP), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công), Phan Thiết - Dầu Giây (đầu tư công). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thi công 4 dự án này.

Ngày 6/2, Thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công trường dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và họp kiểm điểm tiến độ dự án. Ngay sau đó, Thủ tướng  lên đường kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2.

Theo Thủ tướng, nếu vẫn giữ tư duy, phương pháp, cách tổ chức thực hiện như cũ thì không thể hoàn thành mục tiêu đất nước có 5.000 km cao tốc trong những năm tới, cũng như không thể hoàn thành sân bay Long Thành đúng thời hạn Quốc hội yêu cầu.

Quan điểm của Thủ tướng trong triển khai các dự án là phải có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, toàn diện, liên thông, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"…

Đặt yêu cầu chung với các dự án cao tốc là phải đẩy nhanh tiến độ lên ít nhất 3 tháng, bảo đảm chất lượng và an toàn lao động cho công nhân, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải bảo đảm các điều kiện để nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện mục tiêu này. Đồng thời, rút kinh nghiệm sâu sắc để tiếp tục phát huy những bài học tốt, tránh lặp lại những cách làm chưa ổn.

Những vấn đề đặt ra

Thứ nhất, phải giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư các dự án cho phù hợp, ai làm tốt nhất thì giao, tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Các bộ, ngành phải tin tưởng giao trách nhiệm cho các địa phương và khi được giao, địa phương phải cố gắng cao nhất, khẳng định trách nhiệm của mình với dân, với nước.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án cao tốc, làm sớm thì địa phương phát triển nhanh, phát triển sớm. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương trong việc xây dựng các dự án cao tốc.

Thủ tướng thăm người dân khu tái định cư dự án xây dựng sân bay Long Thành - Ảnh: Nhật Bắc

Thứ hai, cần xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề bức xúc, cấp bách được Thủ tướng đề cập nhiều lần tại nhiều cuộc họp trong nhiều tháng qua. Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm hàng nguyên vật liệu xây đắp cao tốc trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ".

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, việc này có lỗi của cơ quan nhà nước đã không kiểm tra, giám sát tổng thể, toàn diện, quyết liệt để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định liên quan, cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay.

Trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi. Yêu cầu là không để đất, đá, sỏi, cát thuộc sở hữu toàn dân nhưng do cách quản lý không tốt khiến thất thoát tài sản, giá trị chênh lệch rơi vào túi tư nhân, không để thêm một khâu trung gian nữa cản trở sự phát triển, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, chống tiêu cực, tham nhũng.

Thứ ba, các quy định chung về thể chế, cơ chế

Qua chuyến công tác, hàng loạt vấn đề vừa cụ thể liên quan tới việc thi công các dự án, vừa liên quan tới các quy định chung về thể chế, cơ chế, chính sách được chỉ ra.

Điển hình là quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, như với dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài nhà nước. Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, hợp tác PPP phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngoài nhà nước, có thể qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác.

Một thực tế khác là qua đấu thầu, đã có những dự án giảm được gần 1.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng theo các quy định, nếu đúng là giảm được chi phí thì tính toán việc thưởng cho nhà thầu để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định về vấn đề thưởng phạt thi công hợp đồng, trình ban hành trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai việc bán quyền khai thác tuyến đường đầu tư công theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Nhiều vấn đề cần tiếp tục trăn trở, suy nghĩ được Thủ tướng gợi mở để các cơ quan nghiên cứu, có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, các dự án PPP giao thông có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi", qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Cùng với đó, tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, giải quyết ngay các đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế, thiết bị,... theo các quy định của pháp luật.

Mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ nhân dân

Một vấn đề cực kỳ quan trọng của việc thi công các công trình là công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, đúng pháp luật.  Ngoài chương trình kiểm tra, Thủ tướng đã đến tận nơi để khảo sát cuộc sống người dân tái định cư, xem từ chính sách tới thực tiễn có khoảng cách hay không, khoảng cách tới mức nào.

Từ kinh nghiệm một người lãnh đạo địa phương và thực tiễn khảo sát, ông nêu rõ, muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng, cuộc sống của người dân ở nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ, hướng tới năm sau tốt hơn năm trước, nếu không phải có giải pháp ngay. "Không phải người dân bàn giao mặt bằng xong, vỗ tay, hoan hô là hết trách nhiệm với người dân", Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh, có như vậy, người dân mới tin tưởng và tiếp tục ủng hộ các dự án khác trong tương lai.

Theo Thủ tướng, chúng ta làm việc gì, từ chống dịch, tiêm vaccine, làm cầu, làm đường, phát triển kinh tế… thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải chống dịch thành công để đến hết quý I mở cửa toàn bộ nền kinh tế an toàn và thực hiện đa mục tiêu: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tất cả vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

 

Thủ tướng thăm công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 - Ảnh: Nhật Bắc

MINH KHÔI