Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu chấn chỉnh ngay các biểu hiện chủ quan, lơ là, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”, chặn ngay mọi sơ hở, xử lý ngay mọi vi phạm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm cao nhất, chỉ đạo liên tục, sát sao nhất với công tác này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp ngày 30/4. - Ảnh: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra lời kêu gọi và yêu cầu này tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng sớm Ngày Chiến thắng 30/4 - ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt Nam, cũng là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài. Cuộc họp được Thủ tướng triệu tập khẩn cấp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới cực kỳ phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, Việt Nam chính thức ghi nhận đợt dịch mới từ một trường hợp nhập cảnh - sau hơn 1 tháng không ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng.
Trước đó, ngày 27/4, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19; các Tỉnh ủy, Thành ủy; các Ban Đảng, Ban cán sự Đảng; Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bởi, chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả.
Theo Thủ tướng, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở, do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.
Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Kinh nghiệm một năm rưỡi kiên cường phòng chống dịch của Việt Nam cho thấy càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, song chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng vẫn có thể xử lý tốt tình hình. Qua các đợt dịch, các giải pháp ngày càng được hoàn chỉnh, hoàn thiện, triển khai bài bản hơn trong thực tế. Có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp chưa đủ, một “bí quyết” của Việt Nam là triển khai quyết liệt, nhất quán, đồng bộ chiến lược, giải pháp đó khi xảy ra tình huống dịch.
Nhìn lại những chỉ đạo liên tiếp gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện nay là tình huống đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự kiến, trong bối cảnh làn sóng COVID-9 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước láng giềng và trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng chống dịch theo tinh thần bất luận tình huống nào cũng sẵn sàng các kế hoạch để ứng phó.
Tại tất cả các cuộc họp với các bộ, cơ quan kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc tới yêu cầu nâng cao cảnh giác, siết chặt đội ngũ, quyết liệt triển khai giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và TPHCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu các bộ, cơ quan sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc bệnh…
Đến thời điểm này, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình và nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được tình hình nếu cả nước thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Trung ương đã yêu cầu.
Tuy nhiên, qua một năm rưỡi chống dịch, nếu các chiến lược và giải pháp của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, quyết tâm ở cấp Trung ương càng được củng cố, thì ở chiều ngược lại, càng có nguy cơ xuất hiện tâm lý hoặc chủ quan, lơ là hoặc hoang mang, lo sợ trong ở một bộ phận người dân, các cơ quan, tổ chức và ngay cả trong các cấp, các ngành thuộc hệ thống chính quyền. Thời gian căng thẳng càng kéo dài, tâm lý con người càng dễ uể oải, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”. Các thành tích chống dịch ấn tượng đã đạt được cũng dễ tạo tâm lý chủ quan, thậm chí coi thường dịch bệnh. Đây có thể là điểm cần chú ý nhất, là khâu yếu cần được không ngừng gia cố trong thời gian tới.
Một ví dụ là ngay tại cuộc họp chiều 30/4 của Ban Chỉ đạo chống dịch của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Chử Xuân Dũng đã nhắc nhở lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội phải tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đã có tình trạng “lúc nước sôi lửa bỏng thế này mà gọi điện lãnh đạo CDC Hà Nội không được".
Đây là chỉ một ví dụ nhỏ, nhưng nếu tình trạng nói trên nếu không được chấn chỉnh sẽ gây ra những hậu quả chưa thể lường trước được, xô đổ mọi thành quả, thành tựu đáng ngưỡng mộ mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua. Điều này nhất định phải được chấn chỉnh, mỗi người nhất định phải ý thức được trách nhiệm của mình, nếu không muốn có trên đất nước chúng ta những thảm cảnh mà Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là “không thể đau lòng hơn” đang diễn ra tại nhiều nước trong khu vực.
Cuôc họp khẩn của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dài ngày, lượng người đi lại và tập trung ở nhiều nơi rất lớn. Cùng với chiến lược vaccine đang được Chính phủ tích cực triển khai với quyết tâm cao nhất, mỗi người trong gần 100 triệu đồng bào cần gác lại những thói quen bình thường trong điều kiện cũ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới, mà trước hết là hạn chế tụ tập đông người, thực hiện nghiêm túc 5K…
Trước mắt chúng ta là rất nhiều việc quan trọng phải làm, trong đó, có cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23/5 tới. Yêu cầu của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đưa đất nước tiếp tục tiến về phía trước.
Theo:Chinhphu.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận