Thủ tướng Phan Văn Khải – Những dấu ấn trong sự nghiệp Đổi mới

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa từ trần ở tuổi 85, Đảng, Nhà nước quyết định tổ chức quốc tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Lễ tang. Thủ tướng Phan Văn Khải thường được đánh giá là lãnh đạo kỹ trị, có những đóng góp tạo nên những dấu ấn lớn trong sự nghiệp Đổi mới đất nước.

Thủ tướng hậu cấm vận

Ông Phan Văn Khải là Thủ tướng thứ năm của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ từ ngày 25/9/1997 đến ngày 27/6/2006. Ông là Thủ tướng Chính phủ  thời kỳ hậu cấm vận của Mỹ, thời kỳ giải quyết các vấn đề để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Asean, WTO…

Hai mươi năm kể từ ngày ông lên làm Thủ tướng, những nền tảng mà Chính phủ của ông đã tạo ra một thế hệ doanh nhân của hệ thống doanh nghiệp tư nhân hiện đang đóng góp 42,9% tổng GDP của cả nước, những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá như Vinamilk, Gemadept, Công ty cơ điện lạnh, các nhà máy điện… phát triển mạnh mẽ và hiệu quả vượt bậc mang lại nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể thuế cho ngân sách nhà nước. Thị trường chứng khoán nay đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế ngày hôm nay đã có thể huy động nhiều tỷ đô la cho các doanh nghiệp cũng như trái phiếu chính phủ…

Nhớ lại những ngày khởi đầu đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng chia sẻ kỷ niệm đầu tiên khi ông Bàng làm phó vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao. Năm 1990, Bộ Ngoại giao nhận được thông báo Quỹ Ford của Mỹ muốn tài trợ cho hai đoàn đại biểu của Việt Nam đi thăm các nước Đông Nam Á để tìm hiểu về các vấn đề phát triển kinh tế. Lúc đó, không phải ai cũng dám nhận tài trợ của Quỹ Ford. Ông Bàng trình đề xuất lên ông Phan Văn Khải, khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông Khải đã chấp nhận cử hai đoàn đại biểu Việt Nam đi Thái Lan và Singapore, mỗi đoàn 6-7 người, gồm các thành viên đến từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại thương và các đơn vị kinh tế khác do ông Khải dẫn đầu.

Dấu mốc thứ hai là năm 1993 khi ông làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc và có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp nhiều hơn với Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phan Văn Khải trong chuyến thăm Liên Hiệp Quốc và thăm Mỹ. Chuyến thăm đã tạo ra sức đẩy rất mạnh trong quan hệ Việt – Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm ta đang đấu tranh yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận kinh tế.

Phái đoàn được các doanh nghiệp Mỹ tiếp đón nồng nhiệt, họ cũng kiến nghị Chính phủ Mỹ mở cửa để họ vào đầu tư, làm ăn ở thị trường Việt Nam. Đoàn còn đến thăm trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) và ĐH Harvard. Đó là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo WB.

Chuyến thăm Mỹ tháng 10-1993 đó của Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần thúc đẩy chính quyền Mỹ tiến tới bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1994 và bình thường hóa quan hệ năm 1995.

Dấu mốc thứ ba là năm 2005 khi ông Phan Văn Khải có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ năm 1975. Ông là người lãnh đạo Việt Nam thống nhất ở cương vị Thủ tướng đầu tiên đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ từ ngày 20/6 đến 25/6 năm  2005. Chuyến đi này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.

 

 

Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ tháng 6-2005 – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

 

Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: Ngày hôm nay giới doanh nhân của một nước Việt Nam hội nhập có thể đi bất cứ đâu trên thế giới để tìm cơ hội phát triển, thế giới nhỏ bé và hội nhập trong con mắt của các doanh nhân Việt Nam, tự tin có thể làm được những việc lớn lao như những doanh nhân của các quốc gia khác trên thế giới, một phần rất lớn nhờ vào việc mở cửa của đất nước mình lúc ấy mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã đứng mũi chịu sào đặt nền tảng cho đất nước đang trong quá trình Đổi mới, thoát khỏi sự bao vây cấm vận và đói nghèo.

Không tán thành hình sự hóa các vụ án kinh tế

Trong giai đoạn 1998-2007, Việt Nam tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Mặc dù giai đoạn 1997-1998 nền kinh tế tăng trưởng chậm lai do ảnh hưởng của khủng hoảng châu Á.

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ trên VnExpress: Có vài vụ án xử nặng các chủ công ty tư nhân lớn bị buộc tội kinh doanh đất đai trái luật, mắc nợ nhiều. Ông Phan Văn Khải không tán thành hình sự hóa các vụ án kinh tế, nhất là các vụ xử với mức án quá nặng (ví dụ như Minh Phụng – Epco). Ông chỉ đạo xử lý bằng biện pháp kinh tế, buộc chủ doanh nghiệp bán một phần tài sản trả nợ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động. Theo hướng đó, các công ty mắc nợ lớn đã dần dần trả được nợ và thoát khỏi khó khăn.

Thời ấy, ông rất ghét và nhiều lần phê phán mạnh mẽ thái độ vô cảm của một số quan chức trước những bức xúc của dân. Ông đặt ra nguyên tắc: quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải là quan hệ hợp tác, cộng với sự đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước, không có hàng rào ngăn cách theo kiểu kẻ trên người dưới. Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải hiểu chính doanh nghiệp và dân là người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, và nhà nước phải phục vụ dân.

“Một nỗ lực nữa gây ấn tượng trong tôi là việc Thủ tướng tạo được sự đồng tình của Chủ tịch nước về chủ trương hạn chế án tử hình, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế, đối với những người phạm tội nghiêm trọng như vận chuyển ma túy mà là người nghèo đi làm thuê để kiếm sống” – bà Phạm Chi Lan nói.

Luật Doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, đánh dấu một bước cải cách thể chế mạnh mẽ theo kinh tế thị trường. Tinh thần cốt lõi của đạo luật này là mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, Nhà nước quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Từ quan điểm đổi mới và niềm tin vào giới kinh doanh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo việc xây dựng Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo hai nội dung quan trọng đó.

Trên Tuoitre.vn, bà Phạm Chi Lan cho biết: Quá trình xây dựng Luật rất công phu. Ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng còn cho mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến và đưa dự thảo ra hỏi ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình. Đến khi Chính phủ trình bày dự thảo Luật trước Quốc hội, ban đầu mọi việc hoàn toàn không dễ dàng. Nhiều đại biểu đồng thời là cán bộ lãnh đạo ở các ngành và địa phương rất khó tiếp nhận tinh thần đổi mới của Luật, do chưa thoát khỏi nếp nghĩ theo cách quản lý nhà nước cũ, chưa tin vào doanh nhân, vào khả năng điều tiết của kinh tế thị trường trong môi trường cạnh tranh.

Chính phủ đã kiên trì giải trình. Sau một tuần thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết từng điều, từng chương của Luật Doanh nghiệp và ngày 29-5-1999 đã thông qua toàn văn với sự tán thành của 84,5% số đại biểu có mặt.

Luật Doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ 1-1-2000, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường và phát huy nội lực của Việt Nam.

Bước tiếp theo là thực hiện Luật rất khó khăn vì đụng chạm tới lợi ích cục bộ của không ít cơ quan và cán bộ nhà nước cũng như cách làm lâu nay của doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp vẫn do ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng với nòng cốt là những người đã tham gia xây dựng luật.

Qua hai năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng đã bãi bỏ 145 giấy phép, các bộ bãi bỏ thêm 15 loại giấy phép khác, ngoài ra một số giấy phép được chuyển thành điều kiện kinh doanh.

Trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế… Tất cả những văn bản này đều được xây dựng trên tinh thần đổi mới tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999, đồng thời dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO mà nước ta đang đàm phán để gia nhập.

Ngày 23.6.2005 Thủ tướng Phan Văn Khải thăm thị trường chứng khoán New York (NYSE), nơi mệnh danh “Trái tim kinh tế thế giới”. (Ảnh: IT)

“Giai đoạn ông làm Thủ tướng, Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông” – ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhận xét.

Dấu ấn ân tình

Trong thời gian 9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đổi mới, hội nhập kinh tế Việt Nam. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ đến những phát biểu thắng thắn, những quyết sách quyết liệt của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên chính trường. Chia sẻ trên Dantri.vn, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói:

Với tôi, đây là một vị Thủ tướng đã làm tròn vai trò của mình ở những thời điểm quan trọng của lịch sử.

“Khi còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ nhưng thấy tình hình cần phải chuyển giao cho thế hệ tiếp theo và sức khỏe không đảm bảo nên Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày trước Quốc hội xin được nghỉ, từ nhiệm. Trước khi xin nghỉ, ông đã nêu rõ những tồn tại, thiếu sót của đất nước chưa khắc phục được như về vấn đề tham nhũng… và xác định, nhận trách nhiệm của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng. Tôi cho đây là một người rất có trách nhiệm. Thời điểm đó, khái niệm về “từ chức” chưa có ai quan tâm, chú trọng nhưng rõ ràng cách ông chủ động nói và thẳng thắn thừa nhận những vấn đề thiếu sót, hạn chế là rất đáng quý và đáng trân trọng” – ông Dương Trung Quốc nói.

Thủ tướng Phan Văn Khải và nhân dân xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh ngày 9/4/2000 – Ảnh TTXVN

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ với PV Infonet nhiều ấn tượng của mình đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đầu tiên phải kể đến bối cảnh khủng hoảng kinh tế Châu Á diễn ra cũng là lúc Thủ tướng Phan Văn Khải đảm đương vị trí Thủ tướng. Đây là thách thức đặt ra cho người đứng đầu Chính phủ: Làm sao để chèo lái đưa đất nước vượt qua sóng gió?. “Thực tế sau này đã chứng minh, ông đã thành công khi không chỉ vượt qua sóng gió mà còn đưa đất nước phát triển. Nhiều người đánh giá, chính nhờ được đào tạo bài bản về kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov tại Moskva (Liên Xô cũ), Thủ tướng có chuyên môn sâu rộng, chắc chắn và mỗi quyết sách của ông đưa ra đều rất cẩn trọng, giúp kinh tế Việt Nam bình an thoát khỏi khủng hoảng kinh tế Châu Á. Một vấn đề mà tôi nhớ là việc xây dựng Tập đoàn kinh tế Nhà nước thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải được tính toán rất kỹ và mới chỉ cho thí điểm chứ không mở rộng. Vì thế, đã tránh được nhiều rủi ro cho kinh tế chung, kinh tế Nhà nước”, GS Thuyết nói.

GS Thuyết nhớ lại, trong Quốc hội khóa XI, thời kỳ này có nhiều vụ án tham nhũng được cho là “chấn động” so với thời bấy giờ như vụ án Năm Cam, PMU 18… với trách nhiệm là người giám sát hoạt động của Chính phủ, có lần ông cũng có “phê bình Chính phủ”. “Tôi có đề nghị Thủ tướng, với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, phải xin lỗi nhân dân vì từ ngày thành lập nước tới nay chưa bao giờ có chuyện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành vi phạm kỷ luật, thậm chí phải ra tòa như khóa này. Và sau đó, như báo chí đã đưa tin phát biểu trên diễn đàn, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội và nhân dân.

Sau hôm đó, vào giờ nghỉ giải lao tại hội trường, khi tôi đang đứng hút thuốc ngoài hành lang thì bất ngờ Thủ tướng cùng một số vị đi ra cùng. Ông bắt tay rồi trò chuyện với tôi rất vui vẻ, cởi mở”, GS Thuyết nhớ lại.

Bà Phạm Chi Lan kể: Trong những ngày cuối cùng trước khi anh Sáu Khải từ nhiệm, năm 2006, có lần mấy anh em thân thiết ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cùng nhau ôn lại những cột mốc chính trong chặng đường gần 10 năm làm việc với ông. Một người hỏi: “Nếu chỉ dùng một từ để nói về anh Sáu Khải, thì từ đó là gì?”. Anh Trần Đức Nguyên nói ngay: “Nhân”. Mọi người tán thành ý kiến của anh Nguyên, người có “thâm niên” làm việc với ông Sáu Khải lâu nhất, từ đầu thập niên 1990 khi tham gia Tổ biên tập Chiến lược 1991-2000 mà ông Sáu Khải là tổ trưởng, và đã gắn bó với ông suốt từ khi đó.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang nhận xét:  “Tôi đồng tình với nhận xét của TS Lê Đăng Doanh, “anh Khải là Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam”. Trong nhiệm kỳ Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải, bộ máy hành chính được vận hành theo hướng đó nên thành quả không chỉ ở cấp trung ương mà ở địa phương tỉnh nào cũng có”.

Anh không chỉ là “Thủ tướng kỹ trị”, “Thủ tướng biết lắng nghe” mà còn là “Thủ tướng thân tình”, “Thủ tướng biết chia sẻ” như một người anh hiền, xứng đáng với người tiền nhiệm – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người anh của mọi nhà, là Thủ tướng của nhân dân.

THANH LOAN