Thủ tướng ra Quyết định về quy hoạch hạ tầng nhằm kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ

Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nội dung nêu trong Quyết định 819/QĐ-TTg mà Thủ tướng vừa ban hành, phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030

Mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy 

Sáng ngày 8/7, ở Hà Nội xảy ra vụ cháy tại ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội. Quy mô khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2 (chiều rộng khoảng 2,5m, chiều dài khoảng 24m), kết cấu bê tông cốt thép. Vụ cháy khiến 3 người mắc kẹt trong nhà tử vong là cháu N.Q.M (SN 2010); cháu N.P.U (SN 2012) và chị D.T.D (SN 2004), tài sản các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như: tivi, tủ lạnh, bàn ghế... đều bị cháy rụi, dù lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã làm hết khả năng.

Vụ cháy thương tâm này khiến người dân nhớ lại vụ cháy sáng ngày 13/5, trên phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội khiến  4 người chết và 1 người bị thương; vụ cháy trên phố Tôn Đức Thắng, cùng quận Đống Đa. khiến 4 người chết (năm 2021)...

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.741 vụ cháy, làm chết 110 người, bị thương 86 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 634,077 tỷ đồng và 1.532,69 ha rừng.

So với năm 2021, số vụ cháy giảm 504 vụ (22,45%), tăng 25 người chết, giảm 44 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính tăng 259,657 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2022 xảy ra 3.449 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện; sự cố cháy trong nhà dân và cháy cỏ, rác.

Trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 409 vụ cháy, làm chết 19 người, bị thương 11 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 22,09 tỷ đồng. Cả nước ghi nhận 1.311 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác.

Tính từ ngày 15/01  đến 14/6/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng; xảy ra 05 vụ, làm 03 người chết và 10 người bị thương; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trực tiếp tham gia 565 vụ CNCH; tổ chức cứu được 193 người, tìm được 389 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

 

Các lực lượng tham gia chữa cháy ở ngõ Thổ Quan, sáng ngày 8/7

Trong những năm gần đây, theo thống kê bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng, làm 90 người chết và 120 người bị thương. Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, mặc dù số vụ chỉ chiếm khoảng 1% tổng số nhưng thiệt hại về tài sản do các vụ cháy lớn gây ra chiếm tới trên 70% tổng thiệt hại.

Các số liệu phân tích, thống kê cho thấy cháy nhà dân chiếm trên 60%, nhất là loại hình nhà dân kết hợp vừa để ở vừa sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ, đây cũng là loại hình thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người khi cháy xảy ra. Cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản chủ yếu xảy ra tại các cơ sở trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có các mặt hàng dễ cháy như nông sản, dệt may, gỗ, mút xốp, bao bì, cháy chợ...

Phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 819/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, với một số nội dung cụ thể như sau:

Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bảo đảm các điều kiện làm việc và hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, đội dân phòng phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương theo quy định của pháp luật.

Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.

Phát triển đồng bộ các loại hình giao thông đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy; từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư để xe chữa cháy có thể hoạt động khi xảy ra cháy, nổ tai nạn, sự cố.

Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy và truyền tin báo sự cố; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.

Quyết định nêu rõ Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đến năm 2030 gồm: Phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy; phương hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy.

Trong đó, về phân vùng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, căn cứ Quy hoạch tổng thể quốc gia và đặc thù của lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, quy hoạch hạ tầng về phòng cháy và chữa cháy được phân thành 06 vùng; mỗi vùng có các địa phương trung tâm và địa phương trọng điểm, được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ các địa phương trong vùng, giáp ranh khi có yêu cầu.

Phương hướng phát triển mạng lưới  phòng cháy và chữa cháy

Về phương hướng phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy, theo Quyết định, xây dựng trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở Trung ương gồm: 1- Cơ quan Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 2- Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành quốc gia về phòng cháy, chữa cháy gắn với triển khai "Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố"; 3- Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung); 4- Viện Nghiên cứu khoa học công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 5- Kho phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 6- Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khu vực miền Bắc, miền Nam và miền Trung); 7- Bảo tàng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; 8- Nâng cấp, cải tạo, xây mới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, huấn luyện của Trường Đại học phòng cháy và chữa cháy.

Ở địa phương: 1- Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học - công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,... đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị, địa phương.

3- Các Trung tâm giáo dục cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bố trí tại các địa phương trung tâm của Vùng).

Bên cạnh đó, Quyết định nêu rõ, xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện. Cụ thể, xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương. Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương được xác định trong quá trình lập, phê duyệt các dự án cụ thể của các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. 

 

Chữa cháy trong một vụ hỏa hoạn tại phố Minh Khai, Hà Nội - Ảnh: LP

 

 

THÁI VŨ