Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 - Một số vướng mắc và kiến nghị
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, cho đến nay một số điều, khoản chưa rõ ràng, còn có cách hiểu khác nhau, một số quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình giải quyết án hành chính, đặc biệt là các vụ án liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai.
1. Quy định của pháp luật và một số bất cập
1.1.Về thẩm quyền của Tòa án, về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Quy định tại điểm a của khoản 1 Điều 30 chưa rõ ràng. Bởi vì, Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật thường là các văn bản “mật” hoặc “tuyệt mật”, do đó những quyết định hành chính, hành vi hành chính này không được công khai, công bố. Do không được công bố rộng rãi nên trong quá trình thụ lý vụ án, khó có thể xác định có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay không.
Về người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, khoản 18 Điều 55 của LTTHC 2015 quy định đương sự có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Mặc dù, có quy định như vậy, nhưng vì không có văn bản hướng dẫn nên quyền này của đương sự chưa được áp dụng và thực hiện trên thực tế. Và Điều 141 không có quy định căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo đề nghị của đương sự.
Khoản 2 Điều 56 của LTTHC 2015 quy định người bị kiện có quyền thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên Luật không quy định về việc người khởi kiện được bổ sung yêu cầu khởi kiện tại giai đoạn nào và việc xem xét giải quyết về việc người khởi kiện bổ sung yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa.
Quy định về người đại diện theo ủy quyền (khoản 3 Điều 60 LTTHC 2015): “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.
Thông thường, người bị kiện trong các vụ án hành chính đều là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, vì vậy đại diện theo ủy quyền là Phó Chủ tịch UBND, nhưng trên thực tế đại diện theo ủy quyền hầu hết trong các vụ án đều có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 158 LTTHC 2015 hoặc cá biệt có nhiều trường hợp người đại diện theo ủy quyền từ chối tham gia tố tụng, đề nghị giải quyết vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.
Mặc dù, việc đề nghị xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật nhưng có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án là một trong các nghĩa vụ của đương sự, việc chấp nhận việc đề nghị xét xử vắng mặt vô tình cho phép người bị kiện từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, việc đề nghị xét xử vắng mặt, từ chối tham gia tố tụng, đề nghị giải quyết vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án đối với công tác giải quyết án thì sẽ không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không tiến hành đối thoại được, kết quả tranh tụng không được đảm bảo.
Mặt khác, nếu người được ủy quyền có mặt theo quy định thì đa số có thêm người hỗ trợ của đơn vị chuyên môn trực tiếp tham mưu về vụ việc, vì cơ quan tham mưu mới là người thật sự nắm rõ các vấn đề bị kiện. Việc này làm mất thời gian của người đại diện cũng như là đơn vị tham mưu và tốn nhiều nhân lực cho vụ án hành chính. Do đó cần đánh giá lại quy định tại khoản 3 Điều 60 LTTHC năm 2015.
Tại điểm c khoản 2 Điều 61 của LTTHC năm 2015 quy định những người được làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự là “Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ… không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an”. Điều này đôi lúc gây khó khăn cho người bị kiện khi muốn cử người thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc để làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Ví dụ, người khởi kiện khởi kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng cảnh sát giao thông thì người bị kiện là Trưởng công an huyện, Trưởng phòng cảnh sát giao thông không được cử người là công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, điều này gây khó khăn cho việc tham gia tố tụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hơn.
1.2. Về chứng minh và chứng cứ
Điều 78 mặc dù quy định cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh trong tố tụng hành chính là của đương sự. Tuy nhiên trên thực tế, các đương sự không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này mà phải do Tòa án tự thu thập, yêu cầu giao nộp.
Khoản 3 Điều 83 của LTTHC năm 2015 quy định: “Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm quy định tại Điều 130 của Luật này”. Việc quy định như vậy gây khó khăn, hạn chế về mặt thời gian khi Tòa án tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ, vì có nhiều trường hợp sắp hết thời hạn chuẩn bị xét xử thì đương sự xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới hoặc yêu cầu đưa thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, Thẩm phán buộc phải thông báo cho đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc thông báo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới tham gia tố tụng giao nộp tài liệu, chứng cứ; việc quy định Thẩm phán ấn định thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ không vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử là không phù hợp. Vì vậy, cần có quy định linh hoạt đối với việc ấn định thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ để đảm bảo việc giải quyết nội dung vụ án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ là biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng, thường được thực hiện khi Tòa án giải quyết các vụ án hành chính. Khoản 3 Điều 93 của LTTHC năm 2015 quy định: “… Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng có thể bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.
Trên thực tế các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu của Tòa án thường rất chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ dẫn đến vụ án bị kéo dài; có trường hợp, không giao nộp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý đối với việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng. Vì vậy, cần có quy định, chế tài xử lý về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án mà không có lý do chính đáng để cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ tài liệu, chứng cứ nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án; nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết các vụ án hành chính.
1.3. Về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng
Việc tống đạt các văn bản tố tụng cho người bị kiện là Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân gặp phải khó khăn do người bị kiện không trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó; cấp phó do công việc bận cũng không trực tiếp tham gia tố tụng để nhận văn bản tố tụng của Tòa án. Tòa án tống đạt văn bản tố tụng qua bộ phận văn thư và chuyển xử lý qua nhiều khâu rất chậm, không đảm bảo quy định theo quy định tại Điều 107 của LTTHC năm 2015.
Khoản 3 Điều 106 của LTTHC năm 2015 quy định, trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo lập biên bản nêu rõ lý do, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an cấp xã về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Tuy nhiên không quy định, trong trường hợp này sau khi lập biên bản có xác nhận thì có cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã hay không; có cần tiến hành thủ tục niêm yết văn bản tố tụng hay không.
Đối với trường hợp, vợ chồng cùng nơi cư trú, cùng là đương sự trong vụ án thì việc người vợ hoặc chồng nhận văn bản tố tụng nên được xem xét là tống đạt hợp lệ, vì trên thực tế mục đích của việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án là để đương sự biết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.
Đối với việc thực hiện tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án theo hình thức gửi thư bảo đảm nhưng lại không đảm bảo về mặt pháp lý, không chứng minh được chữ ký tại biên nhận của bưu chính là chữ ký của người được tống đạt. Phải chờ báo phát của bưu điện thời gian dài mới xác định được có tống đạt hợp lệ hay không để xét xử vụ án.
1.4. Về khởi kiện, thụ lý vụ án
Về thời hạn xem xét đơn khởi kiện: Án hành chính là loại án đặc thù, liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của nhiều lĩnh vực khác nhau nên thời hạn xem xét đơn khởi kiện trong 3 ngày làm việc là quá ngắn, gây khó khăn cho Thẩm phán khi xem xét đơn khởi kiện. Đối với việc người khởi kiện vừa khởi kiện, vừa khiếu nại hoặc trường hợp quyết định hành chính không ghi tên của người khởi kiện, việc xem xét đơn khởi kiện cần nhiều thời gian. Vì vậy, cần sửa đổi quy định về thời hạn xem xét đơn khởi kiện cho phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của án hành chính (có thể quy định tương tự quy định về thời hạn xem xét đơn khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là 05 ngày làm việc).
Về căn cứ trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 123 của LTTHC, nên bổ sung quy định trong Luật hoặc văn bản hướng dẫn thi hành để giải thích rõ thế nào là người khởi kiện không có quyền khởi kiện; Bổ sung thêm một số căn cứ trả lại đơn khởi kiện.
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Thực tiễn có nhiều trường hợp, trong thời gian Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện thì người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có quy định, trường hợp người nộp đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện thì việc đối thoại sẽ chấm dứt và Hòa giải viên chuyển đơn, tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết. Vậy trong những trường hợp đã nêu, Tòa án sẽ giải quyết như thế nào là vấn đề chưa được LTTHC năm 2015 quy định. Tham khảo quy định của BLTTDS năm 2015, thì trường hợp này Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Vì vậy, cần bổ sung thêm căn cứ Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện để đồng bộ, áp dụng thống nhất giải quyết các vướng mắc đã nêu trên.
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết mà không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan (không có lý do chính đáng). Điều 116 của LTTHC năm 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện là thời gian mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Vậy khởi kiện vụ án hành chính là quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng quyền này phải được thực hiện trong khoảng thời gian luật định, nếu hết thời hạn đó thì mất quyền khởi kiện và khi không còn quyền khởi kiện thì Tòa án không thể thụ lý giải quyết mà phải trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, LTTHC năm 2015 đã không quy định trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết mà không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, mà Tòa án phải thụ lý vụ án và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi thời hiệu khởi kiện đã hết (điểm g khoản 1 Điều 143 của LTTHC năm 2015).
Điều này là chưa hợp lý vì trên thực tế trong những năm gần đây số lượng các vụ án hành chính liên tục tăng, vì quy định không được trả đơn khởi kiện khi thời hiệu đã hết nên nhiều vụ án sau khi thụ lý, Tòa án đình chỉ vì hết thời hiệu khởi kiện, người khởi kiện không đồng ý lại tiếp tục kháng cáo, điều này gây mất thời gian của đương sự và của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 116 của LTTHC năm 2015 mà không có lý do chính đáng được xem là một quy định hợp lý và cần phải được điều chỉnh, bổ sung.
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện đã được Tòa án yêu cầu nhưng không lựa chọn cơ quan giải quyết trong trường hợp vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại. Điều 33 của LTTHC năm 2015 quy định về việc xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện. Theo đó, khi người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền, thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án. LTTHC năm 2015 quy định quyền quyết định trong trường hợp này thuộc về người khởi kiện là phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, LTTHC năm 2015 không quy định trường hợp khi Tòa án đã yêu cầu, nhưng người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết thì Tòa án phải giải quyết như thế nào. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, tránh mất thời gian của người khởi kiện và cơ quan có thẩm quyền, cần bổ sung quy định, trong trường hợp Tòa án yêu cầu nhưng người khởi kiện không lựa chọn cơ quan giải quyết trong một khoảng thời gian hợp lý thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện.
Việc hiểu như thế nào là “điều kiện khởi kiện vụ án hành chính” hiện nay còn chưa thống nhất, pháp luật cũng chưa giải thích như thế nào là điều kiện khởi kiện.
Về thời hiệu khởi kiện, cần có quy định rõ hơn về các trường hợp thế nào là “nhận được”, thế nào là “biết được” quyết định hành chính, hành vi hành chính, bị kiện, quyết định kỳ luật buộc thôi việc.
1.5. Về thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử
Khoản 1 Điều 135 của LTTHC 2015 quy định vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được khi người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt. Tuy nhiên, LTTHC không quy định Tòa án phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại bao nhiêu lần. Việc quy định “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai” như quy định viện dẫn nêu trên có phải Tòa án phải tiến hành triệu tập ít nhất hai lần để mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại hay không. Và căn cứ xác định việc đương sự có “cố tình vắng mặt” hay không là chủ quan, khó xác định vì vậy nên sửa đổi quy định là triệu tập hợp lệ hai lần mà vắng mặt, quy định như vậy sẽ dễ áp dụng vào thực tế hơn.
Khoản 3 Điều 137 LTTHC 2015 quy định: “Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và thông báo bằng văn bản việc hoãn phiên họp, mở lại phiên họp cho các đương sự”. Tuy nhiên, điều luật không quy định cụ thể về số lần tối đa đương sự được vắng mặt có lý do chính đáng và không quy định cụ thể số lần các đương sự được quyền đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án. Không ít trường hợp, các đương sự lạm dụng sự vắng mặt, lạm dụng quyền đề nghị hoãn phiên họp để trì hoãn việc giải quyết vụ án dẫn đến vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Hơn nữa, nếu lần mở phiên họp đầu tiên có đương sự vắng nhưng các đương sự đề nghị tiến hành phiên họp vắng mặt thì có mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 135 của Luật TTHC.
1.6. Về phiên tòa sơ thẩm
Khoản 2 Điều 187 của LTTHC năm 2015 quy định thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa, nếu hết thời hạn này mà lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát về thời gian tiếp tục phiên tòa.
Trong thực tế, nhiều trường hợp Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung thêm tài liệu chứng cứ, nhưng hết thời hạn tạm ngừng 30 ngày lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, tức là việc xác minh, thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ, theo quy định nêu trên thì Hội đồng xét xử phải ra Quyết định tạm đình chỉ, tuy nhiên trong khoảng thời gian tạm đình chỉ, Thẩm phán không thể thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ, vậy việc thu thập chứng cứ trong thời gian tạm đình chỉ sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không thu thập tài liệu chứng cứ thì lý do tạm ngừng phiên tòa sẽ mãi không khắc phục được. Và nếu Hội đồng xét xử ra Quyết định tạm đình chỉ thì Thẩm phán chủ tọa thay mặt Hội đồng xét xử ký ban hành mà không có thủ tục thảo luận, không có thủ tục mở phiên tòa. Đồng thời, khi tạm đình chỉ thì thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại, nếu như vậy thì sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Hơn nữa, quy định về trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án do quá thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được liệt kê tại Điều 141 của LTTHC. Do đó, không cần thiết phải ấn định thời gian tạm ngừng phiên tòa, chỉ tạm ngừng khi có lý do chính đáng và sẽ tiếp tục phiên tòa khi lý do tạm ngừng đã được khắc phục, như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án đúng thời hạn, đúng quy định.
Điều 193 của LTTHC 2015 quy định: “1. Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Hội đồng xét xử có quyền quyết định:
… b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có);…
c) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ khởi kiện, tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có);…”
Với các quy định viện dẫn nêu trên, thẩm quyền của Hội đồng xét xử là xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có). Tuy nhiên, tại mục 5 phần Tố tụng hành chính công văn giải đáp nghiệp vụ xét xử số 01/2017 ngày 7/4/2017 của TANDTC thì “… trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả các quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện mà không phụ thuộc vào việc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện”.
Vậy trong thực tiễn khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện, hành vi hành chính bị kiện và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có) theo quy định đã viện dẫn nêu trên hay có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả các quyết định hành chính khác có liên quan. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết nội dung vụ án, vì vậy cần có quy định rõ ràng, cụ thể hoặc có văn bản hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất.
Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hành chính được đảm bảo, trong thực tiễn không có đương sự phản ánh hay khiếu nại liên quan về việc tranh tụng theo quy định của LTTHC. Đương sự được thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật, Tòa án trong quá trình xét xử điều hành việc tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Qua thực tiễn thụ lý và xét xử chúng tôi xin đề xuất kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính
Một là, kịp thời ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thay thế các Nghị quyết đã hết hiệu lực; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phổ biến để ban hành nghị quyết hướng dẫn mới.
Hai là, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác chuyên môn nói chung và Thẩm phán, công chức Tòa án chuyên sâu về án hành chính nói riêng.
Ba là, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền cho Tòa án trong việc xử lý quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; tăng thẩm quyền cho Tòa án để đảm bảo hiệu quả thi hành án hành chính.
Bốn là, tăng cường xây dựng hệ thống án lệ hành chính có chất lượng, đa dạng về nội dung để phục vụ cho việc giải quyết án hành chính được nhanh chóng, hiệu quả.
Năm là, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; tăng cường công tác phối hợp với UBND các cấp trong giải quyết án hành chính. Quan tâm tổ chức xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kiện là các cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng.
Sáu là, tổ chức tập huấn, triển khai các quy định mới có liên quan đến công tác giải quyết án hành chính cho Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân TAND hai cấp. Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc về TAND tối cao để có hướng dẫn.
Bảy là, sớm thực hiện việc cải cách chế độ tiền lương theo chế độ đặc thù cho công chức tư pháp nói chung, công chức Tòa án nói riêng, trong đó có công chức công tác Tòa án giải quyết án hành chính, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với mong muốn để LTTHC năm 2015 được hoàn thiện, các cơ quan thực thi pháp luật và cá nhân chấp hành đúng quy định về LTTHC, rất mong Quốc hội, các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương sớm kiến nghị để sửa đổi, hướng dẫn đổi thống nhất trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật tố tụng hành chính.
*Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai
Tòa án nhân dân huyện Diên Khánh, Khánh Hòa tổ chức phiên tòa trực tuyến - Ảnh: Bảo Châu
Bài liên quan
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Bàn về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong tố tụng dân sự - Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
-
Tòa án xác định, chỉ định người đại diện theo pháp luật của đương sự là công ty - Một số vướng mắc và giải pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận