Thực tiễn xác định dấu hiệu định tội của tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thực tiễn xác định dấu hiệu định tội của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 BLHS năm 2015) vẫn còn nhiều bất cập. Bài viết phân tích, bình luận những vụ án đã được đưa ra xét xử về việc xác định dấu hiệu định tội của tội phạm này, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1. Thực tiễn xác định hành vi khách quan của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1.1. Tóm tắt nội dung vụ án
T1 gọi điện thoại nhờ T tìm mua hộ 400.000 đồng Heroine. T rủ Th cùng đi và cho Th biết việc T1 nhờ mua ma túy hộ. Hai người đến nhà T1, T được T1 đưa cho 400.000 đồng. Sau khi nhận tiền, T bảo Th và T1 ở nhà chờ, một mình T đi mua ma túy. Trên đường đi đến đầu cầu bản Ta Mo, xã Mường Bú, T nhận được điện thoại của M nhờ mua hộ ma túy. M đưa cho T 400.000 đồng và hai người đèo nhau đến ngã ba bản Giàn mua được 02 gói Heroine. Sau khi đến nhà T1, T lấy 02 gói Heroine ra và cắt mỗi gói một ít, nói là công đi mua, phần còn lại T đưa cho T1 và M mỗi người một gói. T gói số Heroine bằng giấy trắng cất vào túi quần bên trái và nói với Th để hai người mang về cùng sử dụng. Sau đó T1 đem ma túy ra sử dụng cùng T và Th (đốt hít). Còn M tự mang ma túy của mình ra sử dụng. Sau khi sử dụng ma túy xong T và Th đi xe máy về, đến khu vực tiểu khu 2, xã Mường Bú thì bị Công an phát hiện và bắt quả tang cùng vật chứng. T và Th đều khai là Heroine cất giữ nhằm mục đích để sử dụng chung.
Tòa án nhân dân huyện ML, tỉnh SL, đã ban hành Bản án hình sự sơ thẩm tuyên bố bị cáo T và Th phạm Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS 2015.
Quan điểm của Viện Kiểm sát:
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh SL kết luận Hành vi của T, Th phạm Tội mua bán trái phép chất ma túy chứ không phải Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bởi lẽ:
- Đối với bị cáo T đã 02 lần nhận tiền của T1 và 01 lần nhận tiền của M để đi mua ma túy giúp T1 và M, sau khi mua được ma túy T đều được trả công và hưởng lợi bằng ma túy.
- Đối với bị cáo Th, sau khi T nói cho Th biết việc T1 nhờ đi mua ma túy, Th tiếp nhận ý chí cùng T đến nhà T1 nhận tiền và đồng ý cho T sử dụng xe máy do Th mượn để đi mua ma túy, sau khi T mua được ma túy, Th chứng kiến việc T trích ma túy từ hai gói đã mua cho T1, M và được T nói đem số ma túy đó về sử dụng chung thì Th đồng ý. Do đó, VKS xác định T phạm Tội mua bán trái phép chất ma túy cho 03 lượt người để hưởng lợi bằng ma túy nên T phạm tội với tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS “phạm tội từ hai lần trở lên” và Th phạm Tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm với T thuộc khoản 1 Điều 251 BLHS.
Quan điểm của Tòa án:
Tòa án cấp phúc thẩm đã bác kháng nghị của VKS vì xét thấy, theo quy định tại mục d điểm 3.3, khoản 3 phần II TTLT số 17/2007[1] thì Mua bán trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau: “...d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc ma túy do đâu mà có)”. Nội dung hướng dẫn nêu trên đã thể hiện việc dùng chất ma túy (thay cho tiền) nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (mua hàng hóa rồi dùng chất ma túy để trả thay vì trả tiền) hoặc dùng tài sản không phải là tiền nhằm đem trao đổi, thanh toán... lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác mới thuộc trường hợp Mua bán trái phép chất ma túy. Trong vụ án, T đi mua giúp ma túy cho T1, M với mục đích cùng được sử dụng. Sau khi mua được ma túy, trước mặt T1 và M, T tự ý chia và giữ lại một phần để T, Th sử dụng, mặc dù T1, M nhìn thấy nhưng không có phản ứng gì. Xét giữa các đối tượng không có trao đổi thỏa thuận trước về việc trả công và thực tế mỗi lần mua ma túy giúp T1 và M, T và Th đều chia nhau và sử dụng chung. Do đó hành vi của T, Th không thuộc trường hợp Mua bán trái phép chất ma túy như hướng dẫn nêu trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử T và Th về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
1.2. Nhận xét, đánh giá của tác giả
Tòa án Tỉnh SL xác định đây không phải là hành vi Mua bán trái phép chất ma túy là đúng, tuy nhiên lập luận lại chưa hoàn toàn thuyết phục. Ở đây cần xác định mục đích phạm tội của T, theo đó T đã dùng chất ma túy đã có (nguồn gốc không quan trọng, trong vụ án thì chất ma túy mà T có là do T mua hộ cho T1 và M) để trao đổi lấy một phần chất ma túy nhằm mục đích sử dụng. Nếu chỉ căn cứ vào hướng dẫn của TTLT số 17/2007 thì lập luận của VKS không phải không có lý vì rõ ràng hành vi dùng chất ma túy để trao đổi lấy chất ma túy của T là hành vi trao đổi trái phép. Do đó cần kết hợp thêm yếu tố mục đích phạm tội.
Theo tác giả, nếu người thực hiện hành vi phạm tội dùng ma túy để trao đổi trái phép lấy chất ma túy và nhằm mục đích sử dụng thì cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; nếu nhằm mục đích bán trái phép cho người khác thì cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma túy. Củng cố cho lập luận này, tác giả nhận thấy các hành vi khách quan của Tội mua bán trái phép chất ma túy được liệt kê tại TTLT số 17/2007[2] đều có thêm mục đích phạm tội là nhằm bán trái phép chất ma túy cho người khác trừ hành vi “dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc ma túy do đâu mà có)”. Do đó ngoài hành vi “Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép”, thiết nghĩ cần hướng dẫn thêm dấu hiệu định tội của hành vi này.
1.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Nội dung của vụ án nếu trên đã thể hiện hai quan điểm đối lập giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong việc nhận diện hành vi “Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép” là dấu hiệu định tội của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy hay Tội mua bán trái phép chất ma túy. Mặc dù Tòa án có quyền định tội danh nhưng Tòa án vẫn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình nên căn cứ ra quyết định cần vững chắc để pháp luật luôn được thực thi đúng đắn và hiệu quả. Do đó, ngoài hành vi “Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép”, thiết nghĩ cần hướng dẫn thêm dấu hiệu định tội của hành vi dùng chất ma túy để trao đổi lấy chất ma túy. Cụ thể, sửa đổi điểm 3.3 Mục 2 của TTLT số 17/2007 như sau:
“3.3. Mua bán trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây:
d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có). Trường hợp dùng chất ma túy để trao đổi lấy chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác cũng được xem là hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Trường hợp dùng chất ma túy để trao đổi lấy chất ma túy nhằm sử dụng cá nhân thì được xem là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.”
2. Thực tiễn xác định mục đích phạm tội của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
2.1. Tóm tắt nội dung vụ án
Lý Minh Th điều khiển xe mô tô đến trạm xe Phát thuộc thị xã Giá Rai để nhận một máy in và chở máy in về đến nhà thì bị lực lượng Công an kiểm tra bắt quả tang Th có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Lý Minh Th khai nhận đã mua ma túy của Ph được ba lần, số tiền các lần mua như sau: Lần thứ nhất 4.000.000 đồng; lần thứ hai 7.000.000 đồng và lần thứ ba (lần bị bắt quả tang): 7.000.000 đồng, mục đích của Th mua ma túy để sử dụng cá nhân, đồng thời bán cho người khác tên H, tên P ở CM, tên T thành phố BL, tên Đ huyện HB, tên L ở thị xã GR, tỉnh BL, để kiếm tiền mua ma túy sử dụng, quá trình điều tra chưa xác định được các đối tượng mà Th khai. Phân viện khoa học Hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận các gói nylon thu giữ của Lý Minh Th có chứa ma túy.
Quan điểm của Viện kiểm sát:
Đối với vụ án trên, bản cáo trạng của VKSND tỉnh BL truy tố Lý Minh Th về “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 249 BLHS. Tại phiên tòa, VKS thay đổi tội danh, đề nghị xét xử bị cáo về “Tội mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS.
Quan điểm của Tòa án:
Đối với vụ án trên, Hội đồng xét xử sơ thẩm không đồng ý với đề nghị chuyển tội danh của Kiểm sát viên. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh BL đã áp dụng Điều 249 tuyên bị cáo Lý Minh Th phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
2.2. Nhận xét, đánh giá của tác giả
Trường hợp trên là minh chứng rõ ràng cho những quan điểm khác nhau đang tồn tại trên thực tế, chủ yếu xoay quanh vấn đề xác định mục đích phạm tội của người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Từ đó đặt ra yêu cầu cần phân biệt giữa Tội mua bán trái phép chất ma túy và Tội tàng trữ trái phép chất ma túy dựa trên việc xác định mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người tàng trữ trái phép chất ma túy có nhằm mục đích bán hay không để định tội danh. Theo đó, các tài liệu chứng minh về mục đích có thể dựa trên: Lời khai của người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo),[3] lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vật chứng do cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ,... Trong đó, nguồn chứng cứ được xem là có giá trị cao chính là lời khai của người bị buộc tội và đồng phạm.
Tuy nhiên, nếu chỉ có duy nhất lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy thì sẽ gây khó khăn trong việc đánh giá mục đích phạm tội.[4] Hơn nữa, nếu chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của người bị buộc tội thì sẽ vi phạm quy định tại Điều 98 BLTTHS 2015: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”, vi phạm nguyên tắc xác định sự thật vụ án[5] và nguyên tắc suy đoán vô tội[6].
Trong vụ án trên, nội dung vụ án có sự mâu thuẫn trong quan điểm của VKS và Tòa án về việc định tội danh đối với bị cáo Lý Minh Th. Theo đó VKS cho rằng hành vi của bị cáo là mua ma túy vừa nhằm mục đích sử dụng, vừa nhằm mục đích bán cho người khác nên sẽ cấu thành tội “Mua bán trái phép chất ma túy” chứ không phải tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tòa án lại bác yêu cầu của VKS vì cho rằng trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã không chứng minh được hành vi bán ma túy của bị cáo, chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất của bị cáo để làm căn cứ xác định bị cáo phạm tội mua bán trái phép chất ma túy là chưa có căn cứ. Có thể thấy, hành vi của bị cáo là mua ma túy vừa nhằm mục đích sử dụng, vừa nhằm mục đích bán cho một số người nghiện khác nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi bán ma túy của bị cáo và cũng không xác định được người mua ma túy như bị cáo khai mà chỉ căn cứ vào lời khai của người này nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội Mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, tác giả cho rằng chỉ nên xét xử bị cáo về “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 249 BLHS.
Ngoài ra, trên thực tế còn có trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa có hành vi bán ma túy 01 lần (đã hoàn thành) và hành vi tàng trữ ma túy nhằm mục đích có ai mua thì bán và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không xác định được người mua ma túy.[7] Theo tác giả, đối với hành vi bán bán chất ma túy 01 lần (đã hoàn thành) thì sẽ cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma túy tại Điều 251 BLHS nếu đáp ứng đủ yếu tố định lượng chất ma túy tại điều luật này.
Đối với hành vi tàng trữ ma túy nhằm mục đích có ai mua thì bán và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không xác định được người sẽ mua ma túy thì chỉ nên xét xử người này về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 BLHS nếu đủ yếu tố định lượng chất ma túy tại điều luật này theo nguyên tắc có lợi cho người đã thực hiện hành vi, không chỉ dựa duy nhất vào lời khai của người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Ở đây không thể áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên” để xét xử bị cáo về Tội mua bán trái phép chất ma túy như một tình tiết định khung tăng nặng. Vì “phạm tội 2 lần trở lên” được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.[8]
Như vậy ở đây, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ mới 01 lần bán hoàn thành chất ma túy nên không thể bị áp dụng tình tiết này được. Tuy nhiên, nếu làm rõ được mục đích của việc tàng trữ trái phép chất ma túy để bán (lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác), thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền THTT phải tính tổng khối lượng ma túy ở lần bán hoàn thành và lần tàng trữ (đã xác định rõ mục đích bán) để làm căn cứ định Tội mua bán trái phép chất ma túy tại Điều 251 BLHS.
2.3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Mục đích phạm tội là một trong những dấu hiệu định tội của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau qua trường hợp đã được phân tích. Vì vậy cần có văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề này nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn. Cụ thể tác giả cho rằng văn bản hướng dẫn nên quy định theo hướng:
- Trường hợp một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 BLHS, trong đó chỉ có duy nhất lời khai của người có ma túy về mục đích tàng trữ trái phép chất ma túy, không cần biết họ tàng trữ để làm gì, thì xét xử về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy tại Điều 249 BLHS.
- Trường hợp một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 BLHS, chỉ có duy nhất lời khai của người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy về mục đích tàng trữ và ngoài ra người này còn mua bán trái phép chất ma túy với 01 người khác đã xong (hoặc có 01 khối lượng ma túy khác nhằm để bán, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã làm rõ được mục đích bán), thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy tại Điều 249 BLHS và Tội mua bán trái phép chất ma túy tại Điều 251 BLHS. Trong trường hợp này, nếu làm rõ được mục đích của việc tàng trữ trái phép chất ma túy để bán (lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác), thì người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS.
- Trường hợp một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 249 BLHS, chỉ có duy nhất lời khai của người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy về mục đích tàng trữ và ngoài ra người này đã hoàn thành việc mua bán trái phép chất ma túy với từ 02 người khác trở lên thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy tại Điều 249 BLHS và Tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS. Trong trường hợp này, nếu làm rõ được mục đích của việc tàng trữ trái phép chất ma túy để bán (lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác), thì người thực hiện hành vi phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên” theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS (Khối lượng ma túy dùng để định tội bao gồm khối lượng chất ma túy qua các lần bán và khối lượng tàng trữ đã xác định được mục đích bán).
Tòa án huyện Cầu Kè, Trà Vinh xét xử vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy- Ảnh: Võ Quốc Toàn
[1] Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp về hướng dẫn áp dụng một quy định tại chương xviii “các tội phạm về ma túy” của bộ luật hình sự năm 1999.
[2] Điểm 3.3 Mục 2, Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.
[3] Điều 4 BLTTHS năm 2015.
[4] Lê Hồng Minh (2019), “Đánh giá lời khai nhận của người có ma túy để xác định tội danh và lần phạm tội”, https://vksndtc.gov.vn/thong-tin/phong-chong-ma-tuy--mua-ban-nguoi/danh-gia-loi-khai-nhan-cua-nguoi-co-ma-tuy-de-xac--d14-t7703.html?Page=2#new-related, (truy cập ngày 6/10/2023).
[5] Điều 15 BLTTHS: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
[6] Điều 13 BLTTHS: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
[7] Mã Văn Hùng, “Một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS 2015, sửa đổi 2017 về tội Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy”, http://vienkiemsattinhphutho.gov.vn/tin-tuc/VKSND-TP-Viet-Tri/29759/mot-so-vuong-mac-khi-ap-dung-quy-dinh-cua-blhs--2015-sua-doi-2017-ve-toi-tang-tru-mua-ban-trai-phep-chat-ma-tuy, truy cập ngày 20/6/2023.
[8] Điểm 2.3 Mục 1, Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận