H phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy
Nghiên cứu bài "H có là đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy hay không?" của tác giả Đặng Đình Thái, đăng ngày 28/3, tôi đồng ý với quan điểm H chỉ phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trong vụ án nêu trên, Đoàn Minh H được Nguyễn Văn T nhờ dẫn đi mua ma tuý và hứa trả công 500.000 đồng. H cũng có nhu cầu mua ma túy về sử dụng nên đã bán chiếc đồng hồ để lấy tiền mua ma túy cùng T. H đưa 1.400.000 đồng, T đưa 5.000.000 đồng để mua ma tuý.
Theo quy định tại mục d điểm 3.3, khoản 3 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 thì Mua bán trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau: “...d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc ma túy do đâu mà có)”. Nội dung hướng dẫn nêu trên đã thể hiện việc dùng chất ma túy (thay cho tiền) nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (mua hàng hóa rồi dùng chất ma túy để trả thay vì trả tiền) hoặc dùng tài sản không phải là tiền nhằm đem trao đổi, thanh toán... lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác mới thuộc trường hợp Mua bán trái phép chất ma túy.
Trong vụ án, H được dẫn nhờ đi mua ma tuý cho T, H đã tiếp nhận ý chí đã dẫn T đi mua ma tuý và bản thân H cũng mua ma tuý với mục đích sử dụng. Đồng thời, H cũng đã nhận tiền công dẫn đi mua ma tuý của T là 500.000 đồng để sử dụng vào việc mua ma tuý. Xét giữa các đối tượng có trao đổi thỏa thuận trước về việc trả công bằng tiền nếu dẫn đi mua ma tuý. Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, hành vi của H không là đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.
Theo tác giả, nếu người thực hiện hành vi phạm tội dùng tiền công để mua trái phép lấy chất ma túy và nhằm mục đích sử dụng thì cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; nếu nhằm mục đích bán trái phép cho người khác thì cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma túy. Củng cố cho lập luận này, tác giả nhận thấy các hành vi khách quan của Tội mua bán trái phép chất ma túy được liệt kê tại TTLT số 17/2007, đều có thêm mục đích phạm tội là nhằm bán trái phép chất ma túy cho người khác trừ hành vi “dùng chất ma túy nhằm trao đổi, thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc ma túy do đâu mà có)”.
Tại Điều 9, Dự thảo Nghị quyết số 02 năm 2023 của Hội đồng thẩm phán TANDTC có thêm quy định mới đó là khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy cần phân biệt: “Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.
Trong vụ án này, khi đi về, có người lạ gọi hỏi T để mua ma túy thì H mới biết rằng T mua ma túy về để bán. T không nói mục đích từ đầu là đi mua ma túy về để bán cho H biết chỉ đến khi xong việc mua bán ma túy trên và đường về T mới nói cho H biết mục đích. Vì vậy, H biết mục đích mua bán trái phép chất ma túy của T sau khi đã mua ma tuý hoàn thành nên không thể xem H đồng phạm với T với hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Do đó, hành vi của H cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điều 249 BLHS.
Tòa án huyện Đăk Tô, Kon Tum xét xử vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy- Ảnh: Thanh Huyền
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận