Thực tiễn xét xử các tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có nhiều loại động vật quý hiếm ghi trong sách đỏ nước ta và có loại được ghi trong sách đỏ thế giới, nên tình trạng tội phạm xâm hại động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm diễn ra ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án về các tội xâm hại động vật hoang dã còn có những khó khăn, vướng mắc, cần được khắc phục.

1.Tình hình vi phạm và công tác phòng chống tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã tại địa phương

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 526.354,2 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 471.583,4 ha, diện tích rừng trồng 54.770,8 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 39,3%.[1] Có nhiều loại động vật quý hiếm phân bổ chủ yếu ở vườn Quốc gia Yok Đôn và các khu bảo tồn Nam Kar, Chư Yangsin… có nhiều loại động vật quý hiếm ghi trong sách đỏ nước ta và có loại được ghi trong sách đỏ thế giới.[2]

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, ngoài các dân tộc thiểu số tại chỗ còn có số đông khác dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đắk Lắk, đặc biệt là các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc; đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái. Với quy mô dân số tương đối lớn (gần 1,9 triệu người – đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 10 trong cả nước)[3], thành phần dân tộc đa dạng (47 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số); và địa hình phức tạp (tiếp giáp 04 tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắk Nông và có 73 km đường biên giới với tỉnh Mondulkiri – Campuchia). Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; do đó hành vi xâm hại động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Phổ biến là hành vi săn bắt; buôn bán động vật, các sản phẩm từ động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời với quan niệm của một bộ phận người dân hiện nay là việc sử dụng một số sản phẩm của động vật hoang dã (ngà voi, lông voi, sừng tê giác, cao khỉ, …) sẽ rất tốt cho sức khỏe, mang đến may mắn cho người sử dụng và những vấn đề tâm linh khác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm diễn ra ngày càng phức tạp.

Hiện nay, pháp luật hình sự đã có các quy định đấu tranh với tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (quy định tại Điều 234 BLHS 2015); động vật nguy cấp, quý, hiếm (quy định tại Điều 244 BLHS 2015); Toà án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018, hướng dẫn áp dụng Điều 234 và Điều 244 của BLHS năm 2015.

Qua thống kê cho thấy: Trong giai đoạn 05 năm 2015-2020, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết, xét xử theo trình tự sơ thẩm 08 vụ 08 bị cáo về các tội quy định tại Điều 234 và Điều 244 của BLHS 2015.[4] Tất cả các vụ án mà Toà án hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra xét xử đều là tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (kể cả 02 vụ được xét xử trước ngày 01/01/2018 cũng là tội phạm này).

STT Điều luật Giải quyết Xét xử Trả HS cho VKS
Vụ Bị cáo Vụ Bị cáo Vụ Bị cáo
1 Điều 190 BLHS 1999 2 2 2 2
2 Điều 234 BLHS 2015 1 1 1 1
3 Điều 234 BLHS 2015 5 5 5 5
Tổng 8 8 7 7 1 1

 

Trong đó, có 04/07 bị cáo mà Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra xét xử sơ thẩm là người dân tộc thiểu số; mục đích phạm tội là săn bắt thú rừng về để sử dụng trong gia đình (làm thực phẩm); 03/07 bị cáo phạm tội vì mục đích lợi nhuận).

2.Những khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật tại Đắk Lắk cho thấy vẫn còn có khó khăn nhất định cần trao đổi để công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này hiệu quả hơn. Cụ thể:

Về  quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được xác định là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài thuộc danh mục I quy định tại Nghị định 06/2019 và phụ lục I Công ước CITES; hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của các loài động vật thuộc danh mục trên.

Nhưng tại quy định tại Điều 244 đối với ngà voi, sừng tê giác: Theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019) thì ngà voi và sừng tê giác 1 sừng là sản phẩm của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng BLHS 2015 lại có quy định khối lượng tối thiểu để làm căn cứ xử lý là từ 02kg ngà voi trở lên và 50 gam sừng tê giác trở lên (điểm c khoản 1 Điều 244) mà không áp dụng chung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 (không cần định lượng tối thiểu). Quy định như vậy là chưa đồng nhất, đồng thời chưa thực sự có tính răn đe đối với các hành vi buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác đang diễn ra rất nhiều trong thực tế tại Đắk Lắk. Đồng thời dẫn đến sự không công bằng trong xử lý thực tế là có vụ án vật chứng thu giữ được là ngà voi, có loại là lông đuôi voi. Nếu chiếu theo quy định như trên thì đối với vụ án buôn bán ngà voi thì cần phải có định lượng tối thiểu là 02kg ngà voi người có hành vi vi phạm mới bị xử lý hình sự; nhưng nếu đối tượng buôn bán là lông đuôi voi lại không cần định lượng mà sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS 2015.

Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (là những loài bị đe dọa tuyệt diệt do hoặc có thể do buôn bán), nhưng tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP lại quy định: đối với hành vi trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhiều lớp khác nhưng chưa đủ định lượng tối thiểu của từng lớp theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng tôi cho rằng quy định như trên là chưa thật sự thoả đáng để có thể bảo vệ tốt nhất các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Về việc áp dụng tình tiết định khung quy định tại điểm h khoản 2 Điều 244: Điều 3 của Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có hướng dẫn về tình tiết định khung “Săn bắt vào thời gian bị cấm”: là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Tuy nhiên, việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài như thế nào thì hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc áp dụng tình tiết này trên thực tế là khó khăn (Toà án hai cấp tỉnh Đắk Lắk chưa có vụ án nào dám áp dụng tình tiết này). Nên cần có sự hướng dẫn để thống nhất trong xử lý.

Về xử lý vật chứng: Tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP đã quy định việc xử lý vật chứng trong các trường hợp cụ thể: “a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên đối với trường hợp vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết lại quy định mở, cho phép lựa chọn các hướng xử lý khác nhau là “tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Tương tự là vật chứng khác quy định tại điểm c cũng có 2 cách xử lý khác nhau là “tịch thu hoặc tiêu hủy”.

Đối với các vụ án do Toà án hai cấp tỉnh Đắk Lắk giải quyết; do có sự trao đổi trong quá trình giải quyết án nên việc xử lý vật chứng trong các vụ án là tương đối thống nhất. Có 05 vụ: tuyên tiêu huỷ đối với vật chứng là cá thể động vật chết (Sơn dương, Voọc chà vá) hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm (ngà voi, lông voi); 02 vụ giao cho cơ quan quản lý trả về tự nhiên đối với vật chứng là động vật còn sống. Tuy nhiên, qua tham khảo tại một số đơn vị Toà án khác lại áp dụng giao vật chứng là cá thể động vật đã chết cho cơ quan khác (Bảo tàng, …). Điều này cũng tạo ra các ý kiến khác nhau trong đội ngũ Thẩm phán; đặc biệt là đối với trường hợp vật chứng thu giữ là sản phẩm của động vật hoang dã (sừng, ngà, lông) thì nên tịch thu hay tiêu huỷ sẽ phù hợp hơn. Do đó, để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, cần thiết phải có quy định cụ thể hơn về xử lý vật chứng là động vật nguy cấp, quý, hiếm là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Bên cạnh đó, qua công tác giám sát, trao đổi với các đơn vị liên quan; cho thấy việc giám định, định giá vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn rất vướng mắc như:

Việc định giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 hướng dẫn một số điều của nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Theo đó, Hội đồng định giá theo vụ việc cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (các vụ án chủ yếu thuộc trường hợp này) trong đó, đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Trên thực tế thì đại diện các cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện chủ yếu là hoạt động định giá đối với các tài sản phổ biến như công trình xây dựng, đất đai, phương tiện … còn đối với vật chứng là động vật hoang dã thì việc giám định, định giá cũng còn nhiều lúng túng, hạn chế. Đặc biệt là việc định giá đối với vật chứng là động vật hoang dã đã bị mất một phần cơ thể, không còn nguyên vẹn; động vật đã bị tiêu huỷ một phần.

Đối với việc định giá tài sản là hàng cấm, theo quy định hiện nay phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có); Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin; Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này; Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, mỗi địa phương có mặt bằng giá khác nhau; việc xác định, cập nhật giá thị trường không chính thức của các loại động vật hoang dã giữa các địa phương không thống nhất, dễ dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá đối với cùng một sản phẩm. Điều này có thể làm cho việc áp dụng pháp luật không công bằng. Với cùng một hành vi, với cùng một số lượng sản phẩm, loài, cá thể động vật hoang dã như nhau, nhưng mỗi địa phương lại định giá một trị giá khác nhau, dẫn đến quyết định khung hình phạt khác nhau tại các địa phương khác nhau. Thậm chí, ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ở địa phương khác thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.Một số đề xuất, kiến nghị

3.1.Về hoàn thiện pháp luật

Kiến nghị xem xét sửa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS đối với định lượng tối thiểu đối với ngà voi, sừng tê giác. Xem xét sửa đổi Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP theo hướng: theo hướng đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự như vậy mới đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm.

Kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn cụ thể hơn hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn đối với nội dung xác định mùa sinh sản, mùa di cư của các loài động vật hoang dã; động vậy nguy cấp, quý, hiếm để việc áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả.

Có hướng dẫn về việc định giá đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

3.2.Về các giải pháp khác

Cần thiết có biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, về việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, kết hợp đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế – văn hóa – giáo dục – xã hội cùng với chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các khu vực gần rừng. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các đơn vị có chức năng trong việc bảo vệ rừng để việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại động vật hoang dã được thực hiện nghiêm túc, có tác dụng răn đe cao.

.Vooc ở Khu bảo tồn linh trưởng Rừng Cúc Phương – Ảnh: Thái Vũ

[1] http://nnptnt.daklak.gov.vn/tin-tuc-su-kien/gian-nan-cuoc-chien-giu-rung.html

[2https://daklak.gov.vn/tong-quan-dak-lak/-/asset_publisher/bDngMUmMrWIw/content/ii-tai-nguyen-thien-nhien

[3]https://daklak.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/bDngMUmMrWIw/content/quy-mo-dan-so-ak-lak-ung-au-khu-vuc-tay-nguyen

[4] Điều 234: 01 vụ 01 bị cáo; Điều 244: 05 vụ 05 bị cáo; Điều 190 (BLHS 1999): 02 vụ 02 bị cáo

TS. NGUYỄN DUY HỮU (Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk)