Thực tiễn xét xử các vụ án về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại – Đề xuất và kiến nghị
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả bàn về giải quyết thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, dựa trên nền tảng thực tiễn quan điểm xét xử hiện nay đối các vụ án liên quan đến vấn đề này, từ đó đưa ra những đánh giá, đề xuất và kiến nghị nhằm hoàn thiện và thống nhất áp dụng pháp luật.
Nói đến thừa kế nếu suy nghĩ một cách đơn thuần thì chúng ta nghĩ ngay đến là quyền lợi của người thừa kế đối với di sản[1] của người chết để lại, nhưng thực tế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế vừa có quyền, đồng thời cũng phải có nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, mà quyền và nghĩa vụ đó được phát sinh thời điểm mở thừa kế (thời điểm người có tài sản chết)[2], kể từ thời điểm đó những người thừa kế sẽ có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại[3].
Trong thực tiễn xét xử hiện nay, tranh chấp liên quan đến thừa kế là quan hệ pháp luật tranh chấp rất phổ biến và đa dạng, hầu như ở các Tòa án địa phương đều có các vụ án liên quan đến quan hệ tranh chấp này. Bên cạnh quan hệ tranh chấp liên quan đến thừa kế thì cũng không ít các vụ án liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại hoặc quan hệ tranh chấp thực hiện nghĩa vụ người chết để lại đi song hành cùng quan hệ tranh chấp về quyền thừa kế.
Trong phần quy định chung của Bộ luật dân sự hiện nay đã có quy định cụ thể về vấn đề này, theo đó thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người khác để lại được quy định tại khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”[4]. Để nhận thức và hiểu đúng đắn về quy phạm pháp luật về vấn đề thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, để thống nhất áp dụng trong công tác xét xử liên quan đến quan hệ tranh chấp này là vấn đề hết sức cần thiết. Qua xem xét quy định của Điều luật thì nội hàm là những người hưởng thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản thay cho người chết và việc thực hiện nghĩa vụ này chỉ nằm trong phạm vi phần di sản do người chết để lại.
Như vậy, đường lối giải quyết xét xử liên quan đến quan hệ pháp luật tranh chấp này có cần phải định giá[5] xác định giá trị di sản (tài sản) của người chết để lại tại thời điểm xét xử, để làm căn cứ xác định phần nghĩa vụ tài sản của người chết để lại tương ứng với giá trị di sản đã được định giá hay chỉ cần xác định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản (tài sản) của người chết để lại là được, còn việc thi hành nghĩa vụ thì sẽ được xác định trong phạm vi giá trị tại giai đoạn thi hành án thì thực tế hiện nay còn có quan điểm khác nhau chưa thống nhất, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong quan hệ tranh chấp.
Tình huống: Khi còn sống A ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng V để vay số tiền 1 tỷ đồng, để bảo đảm khoản nợ vay A ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng V thế chấp quyền sử dụng đất 10.000 m2 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cá nhân A đứng tên). Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng với Ngân hàng V thì A đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ theo hợp đồng, sau đó A chết. Thời điểm A chết chỉ có 01 phần tài sản duy nhất là 10.000 m2 đất đã thế chấp cho Ngân hàng (A chết không để di chúc đối với phần tài sản này do các con A quản lý, hàng thừa kế thứ nhất của A hiện nay chỉ còn các con của A gồm B, C, D, E). Ngân hàng tiến hành khởi kiện B, C, D, E (là các con của A) để yêu cầu trả khoản nợ của A vốn lãi là 1 tỷ 200 triệu đồng.
+ Quan điểm thứ nhất: Quá trình giải quyết vụ án nêu trên cần phải tiến hành định giá xác định giá trị phần di sản 10.000 m2 của A chết để lại, để làm cơ sở tuyên buộc các con của A thực hiện nghĩa vụ tài sản của A đối với Ngân hàng trong phạm vi giá trị di sản để lại, bằng giá trị cụ thể theo giá đã định.
+ Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của các tác giả: Việc định giá xác định giá trị phần di sản là không cần thiết, trường hợp định giá xác định giá trị di sản 10.000 m2 tại thời điểm xét xử để xác định nghĩa vụ thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, các tác giả xin phân tích và đánh giá như sau:
Thứ nhất, trường hợp giả sử tình huống nêu trên giá trị di sản của A được định giá là 01 tỷ đồng tại thời điểm xét xử thì bản án sẽ tuyên buộc các con của A là B, C, D, E phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản A trả cho Ngân hàng V số tiền 1 tỷ đồng (trong phạm vi di sản đất của A chết để lại đã được xác định giá trị) và duy trì tài sản thế chấp để đảm bảo việc thi hành án cho. Đến giai đoạn thi hành án thì Chi cục thi hành án dân sự tiếp tục tiến hành đấu giá tài sản thế chấp 10.000 m2 để thi hành án (thời điểm này giả sử tài sản được bán đấu giá là 1 tỷ 300 triệu đồng thì việc thi hành án cũng chỉ được thi hành cho Ngân hàng V số tiền 1 tỷ đồng (trong phạm vi xét xử tại bản án đã tuyên), đối với phần chênh lệch giá 300 triệu đồng sẽ là di sản thừa kế tiếp tục được chia theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc chênh lệnh giá đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng V.
Thứ hai, nếu tại thời điểm xét xử Tòa án không tiến hành định giá di sản của A thì việc bản án chỉ cần tuyên buộc các con của A là B, C, D, E phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản A trả cho Ngân hàng V số tiền 1 tỷ 200 triệu đồng (Việc thanh toán nợ cho Ngân hàng V được thực hiện trong phạm vi di sản 10.000 m2 đất của A chết để lại). Như vậy, đến giai đoạn thi hành án thì di sản 10.000 m2 của A chết để lại được bán đấu giá bao nhiêu thì các con của A sẽ thực hiện nghĩa vụ tài sản của A trong phạm vi giá bán trúng đấu giá tại giai đoạn thi hành án thì sẽ phù hợp, vì thời điểm thi hành án dù cho giá bán đấu giá cao hay thấp gì thì cũng thực hiện trong phạm vi đó (sẽ không bị hạn chế việc thi hành nghĩa vụ theo bản án).
Như vậy, qua phân tích nêu trên các tác giả xác định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thừa kế và người có quyền đối với nghĩa vụ tài sản của người chết để lại thì việc giải quyết vụ án liên quan đến tranh chấp thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại không cần phải tiến hành định giá phần di sản do người chết để lại tại thời điểm xét xử, mà chỉ cần xác định việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại được thực hiện trong phạm vi di sản người chết để lại là phù hợp.
Từ những phân tích, lập luận, đánh giá nêu trên có thể thấy được thực tế xét xử đối với các vụ án tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại còn quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết xét xử chưa được thống nhất. Đồng tác giả, kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất đối với các vụ án tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại thì có cần phải tiến hành định giá phần di sản (tài sản) do người chết để lại, để xem xét phần nghĩa vụ về tài sản hay không.
*Ths -Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau
TAND tỉnh Đồng Nai xét xử vụ án tranh chấp thừa kế - Ảnh: BĐN
[1] Điều 612 Bộ luật dân sự.
[2] Điều 611 Bộ luật dân sự.
[3] Điều 614 Bộ luật dân sự.
[4] Điều 615 Bộ luật dân sự.
[5] Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận