Thực tiễn xét xử tội phạm xâm hại động vật hoang dã tại tỉnh Quảng Bình – Vướng mắc và kiến nghị
Quảng Bình có diện tích rừng là 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên là 447.837 ha, rừng trồng là 38.851 ha, nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, nơi có khu hệ động thực vật phong phú, đa dạng và độc đáo... chính vì vậy, hành vi xâm hại động vật hoang dã tại Quảng Bình diễn ra khá phức tạp. Mặc dù vậy nhưng xử lý lại có nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để đấu tranh với loại tội phạm này hiệu quả hơn.
Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung bộ Việt Nam, diện tích tự nhiên là 8.065, 27 km2, dân số tính đến ngày 1/4/2019 là 895.430 người, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet của Lào và phía Đông giáp biển Đông. Quảng Bình có diện tích rừng là 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên là 447.837 ha, rừng trồng là 38.851 ha, nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, nơi có khu hệ động thực vật phong phú, đa dạng và độc đáo, với nhiều nguồn gen quý hiếm rất cần được bảo tồn. Đặc trưng cho đa dạng sinh học Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi có di sản thiên nhiên thế giới Phong nha- Kẻ Bàng rất nổi tiếng.
Với đặc điểm là tỉnh có kinh tế – xã hội chậm phát triển so với mặt bằng chung toàn quốc, đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm, lại có nguồn tài nguyên rừng phong phú, trải rộng trên diện tích hơn 4.800km2, rất khó kiểm soát, nên loại tội phạm xâm phạm động vật hoang dã có điều kiện phát sinh.
1.Tình hình xét xử loại tội phạm này
Hành vi phạm tội phổ biến nhất là các bị cáo vào rừng đặt bẫy, khi con mồi dính bẫy thì xẻ thịt để mang về nhà sử dụng hoặc bán lấy tiền. Có 6 vụ/10 bị cáo thuộc loại này. Loại hành vi xảy ra phổ biến thứ hai (xác định theo lời khai của các bị cáo) là các bị cáo vào rừng khai thác lâm sản, thấy động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm bị người khác đặt bẫy chết, bị thương, hoặc vì lý do nào đó mà phải vứt bỏ lại, liền mang về nhà để sử dụng hoặc để bán thì bị phát hiện, bắt giữ vì hành vi vận chuyển. Có 3 vụ /6 bị cáo thuộc loại này. Và loại hành còn lại là hành vi buôn bán, vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam một số bộ phận cơ thể và sản phẩm của các loại động vật hoang dã, phần lớn thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Có 1vụ/1 bị cáo thuộc loại này. Các Tòa án đã xử phạt tù toàn bộ 17 bị cáo, trong đó có 9 bị cáo được hưởng án treo (có 1 vụ án cấp phúc thẩm sửa bản án của cấp sơ thẩm, chuyển sang cho hưởng án treo đối với 2 bị cáo); 8 bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, 5 bị cáo mức án ở mức thấp nhất của khung hình phạt và 4 bị cáo mức án cao hơn một ít so với mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng đối với các trường hợp này, có 3 trong số 4 bị cáo được hưởng án treo.
2.Một số nhận xét rút ra từ tình hình xét xử
2.1. Số vụ án được đưa ra xét xử quá ít so với thực tế tình hình tội phạm
Nếu tính riêng từ ngày 1/1/2018, là ngày Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực pháp luật đến nay, số vụ án được xét xử là 5 vụ/7 bị cáo, có tăng so với giai đoạn trước đây (từ 1/1/2015 đến 31/12/2017). Tuy nhiên do mức tăng không nhiều, và với thời gian thống kê ngắn, ngoài ra ngoài yếu tố tác động từ các quy định pháp luật còn có yếu tố tác động nào khác nữa không đến mức tăng này, nên chưa có đủ căn cứ khoa học vững chắc để kết luận nguyên nhân của thực trạng trên có phải là do những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã phát huy tác dụng, tạo thuận lợi hơn cho công tác điều tra, truy tố , xét xử loại tội phạm này hay không. Tác giả thấy rằng đây là con số quá ít, phản ánh không đúng so với thực tế tình hình loại tội phạm này đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Điều này cho thấy công tác phát hiện, điều tra, truy tố loại hành vi phạm tội này chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Theo tác giả thực trạng này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
– Thứ nhất, cơ quan chức năng mà chủ yếu là lực lượng Kiểm lâm, Hải quan không có đủ lực lượng để phát hiện, điều tra, xử lý, đề nghị truy tố đối với loại hành vi phạm tội này trong điều kiện Quảng Bình là tỉnh có diện tích rừng thuộc loại lớn trong toàn quốc, mặt khác nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trong toàn quốc nói chung, cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng ngày càng tăng, do đời sống, thu nhập của một bộ phận dân cư trong những năm gần đây được nâng lên đáng kể, họ lại có niềm tin sâu sắc vào hiệu quả của việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã đối với vấn đề về sức khỏe, về tâm linh của con người.
– Thứ hai, các thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra của lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, nhất là của lực lượng Kiểm lâm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi phạm tội này thường rất phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian, như các quy định pháp luật về điều kiện tạm giữ người có hành vi vi phạm, về điều kiện nuôi nhốt, lưu giữ động vật hoang dã và các sản phẩm đông lạnh của chúng, cơ sở pháp lý của việc xác định giống loài động vật, việc chuyên chở động vật đi giám định, việc cứu hộ, chăm sóc, thả chúng về môi trường tự nhiên v.v… Mặt khác các thủ tục này cũng rất chặt chẽ, nếu có vi phạm rất dễ bị phát hiện, bị truy cứu trách nhiệm, bởi việc xét xử tại Tòa án là công khai, thường có Luật sư tham gia. .[1]
2.2. Mức hình phạt mà các Tòa án áp dụng có phần nhẹ, tỉ lệ án treo cao
Điều tra, truy tố, xét xử đúng đắn, có hiệu quả các tội phạm xâm phạm động vật hoang dã là nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sự đa dạng về mặt sinh học trên phạm vi toàn cầu nói chung, Việt Nam, Quảng Bình nói riêng, vì vậy nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống của mỗi chúng ta. Môi trường sống bị hủy hoại, các giống loài động thực vật ngày một ít đi sẽ là thảm họa đối với loài người. Tuy nhiên, việc này thường diễn ra từ từ, nên trong một quãng thời gian không dài, chúng ta rất khó nhận thấy nó một cách rõ ràng. Do đó có thể nói không quá là một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay là cần phải nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm cao của loại tội phạm này đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội loài người, để áp dụng mức hình phạt thỏa đáng. Thống kê mức hình phạt của các bản án mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Bình xét xử trong gần 5 năm trở lại đây thấy rằng:
– Mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là 8/17 (chiếm tỉ lệ 47%); mức án ở mức thấp nhất của khung hình phạt là 5/17 (chiếm tỉ lệ 30%) và mức án trên mức thấp nhất của khung hình phạt là 4/17 (chiếm tỉ lệ 23%);
– Án treo 9/17 (chiếm tỉ lệ 53%).
Qua số liệu thống kê sơ bộ nói trên phần nào cho chúng ta thấy xu hướng xử nhẹ, cho hưởng án treo nhiều của các Tòa án đối với loại tội phạm này.
Để làm rõ hơn nhận xét này, tác giả xin dẫn chứng một vụ án cụ thể, mức án xử phạt trong vụ án này được xem là tương đối nghiêm khắc so với trong số 10 vụ án nói trên:
Khoảng 11 giờ ngày 22/ 4 /2018 tại Cửa khẩu quốc tế CL, qua kiểm tra hành lý của Nguyễn Bá T, công dân Việt Nam, trong khi T đang làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, Hải quan đã phát hiện trong hành lý của T có các bộ phận cơ thể và sản phẩm của các loại động vật hoang dã, trong đó hầu hết là động vật nguy cấp, quý, hiếm mà theo T khai là T đã sưu tầm, mua từ năm 2010 trong thời gian làm thuê ở Thái Lan, mang về Việt Nam để chơi hoặc làm quà biếu. Tang vật gồm:
9 mảnh răng voi Châu Á, khối lượng 1320 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 1 tượng chạm từ xương voi Châu Á, khối lượng 122 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 1 vòng dây kèm tượng làm từ ngà voi Châu Á, khối lượng 216 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 1 vòng dây làm từ xương voi Châu Á, khối lượng 52 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 19 sợi lông đuôi màu vàng của voi Châu Á, khối lượng 5,6 gam; 100 sợi lông đuôi màu đen của voi Châu Á, khối lượng 10,5 gam; 4 mảnh ngà voi, có hai mảnh khắc hình rồng, được làm từ ngà voi ma mút, khối lượng 394 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 15 móng vuốt báo gấm, khối lượng 4,3 gam; 5 mảnh môi báo gấm, gồm cả lông, da, xương khối lượng 64 gam; 1 mảnh da báo gấm, khối lượng 22,5 gam; 1 răng nanh báo lửa, khối lượng 4 gam, đã chế tác thành sản phẩm, một đầu bọc kim loại; 1 mảnh da hổ, khối lượng 36,8 gam; 1 mảnh xương sọ của hổ, khối lượng 69 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 2 mảnh xương hổ có chạm khắc, khối lượng 23 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 2 răng nanh hổ, 1 răng có nẹp kim loại, có khối lượng 80 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 1 móng vuốt hổ, có dây kim loại bao quanh, khối lượng 13 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 24 răng nanh heo rừng, khối lượng 857 gam; 2 mỏ chim hồng hoàng, có gắn với đế gỗ, khối lượng 328 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 1 sừng nai dính liền xương, khối lượng 1180 gam; 1 móng vuốt gấu ngựa, một đầu bọc kim loại, khối lượng 9 gam, đã chế tác thành sản phẩm; 21.3 răng nanh gấu ngựa, một đầu bọc kim loại, khối lượng 83 gam.
Bị cáo T bị truy tố theo điểm i khoản 2 Điều 244 BLHS năm 2015, về tội “ Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” (theo tình tiết buôn bán, vận chuyển qua biên giới). Tòa án áp dụng điểm i khoản 2 Điều 244, điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS phạt Nguyễn Bá T 5 năm tù, là mức khởi điểm của khung hình phạt (khung hình phạt này quy định phạt tù từ 5 năm đến 10 năm).
Có thể thấy đây là mức án quá nhẹ, bởi lẽ trong 21 mục tang vật trên, chỉ cần hành vi vận chuyển trong nội địa các bộ phận cơ thể động vật ở mục 9 (5 mảnh môi báo gấm), người thực hiện hành vi phạm tội đã bị truy tố và xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 244 BLHS tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Cụ thể điểm a khoản 2 Điều luật này quy định như sau: “ a. Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 cá thể đến 7 cá thể lớp thú,…”. Như vậy rõ ràng trong trường hợp phạm tội vận chuyển 5 mảnh môi báo gấm qua biên giới, người phạm tội đã phải chịu hai tình tiết tăng nặng định khung là các điểm a,i khoản 2 Điều 244 BLHS, và mức án trong trường hợp này nếu người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ khai báo thành khẩn thì cũng phải chịu phạt tù khoảng 6 đến 7 năm. Nên với hành vi vận chuyển qua biên giới 21 loại bộ phận cơ thể động vật hoang dã trên, mức hình phạt 5 năm tù rõ ràng là quá nhẹ.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo tác giả có thể xuất phát từ các lý do sau đây từ những người làm công tác xét xử:
– Thứ nhất, chưa nhận thức hết tầm quan trọng cấp bách của việc bảo vệ đa dạng sinh học đối với đời sống nhân loại nói chung, với Việt nam, Quảng Bình nói riêng; cho rằng chỉ với những hành vi phá rừng, tàn sát động vật hoang dã ở quy mô lớn mới ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, đến môi trường sống, sự phát triển kinh tế xã hội của Đất nước, của tỉnh Quảng Bình, còn các hành vi săn bắt nhỏ lẽ, thì sự ảnh hưởng trên là không đáng kể.
– Thứ hai là quá nhấn mạnh đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như khai báo thành khẩn; ăn năn hối cải; phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm, hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; người phạm tội sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế v.v…, mà có những tình tiết trong số đó lý do đưa ra để áp dụng không được rõ ràng để xử mức án thấp hoặc cho hưởng án treo, trong khi lẽ ra các tình tiết giảm nhẹ này nếu có và được áp dụng, thì việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải.
– Thứ ba, không loại trừ khả năng xử nhẹ do nguyên nhân khác.
2.3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, quan tâm sinh kế người dân sống ở vùng đệm của rừng còn có những hạn chế
Thứ nhất, hiện nay có một quan niệm tương đối phổ biến trong xã hội ta, nhất là đối với một bộ phận dân cư đang giàu lên nhanh chóng, vượt xa mức sống trung bình trong xã hội trong vài chục năm trở lại đây do sự chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là quan niệm về hiệu quả rất tốt cho sức khỏe, cho việc chữa bệnh, cho sự may mắn và những vấn đề tâm linh khác của việc sử dụng các sản phẩm của động vật hoang dã. Quan niệm này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn phổ biến ở các nước láng giềng, một số nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân sâu xa, chủ yếu, là động lực mãnh liệt dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại động vật hoang dã diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng trong thời gian qua. Thực ra những quan niệm trên thiếu cơ sở khoa học vững chắc, nhưng việc phổ biến những quan điểm khoa học đúng đắn, làm cho xã hội tin tưởng vào những quan điểm khoa học này có thể thấy cả hệ thống chính trị của chúng ta chưa làm được. Vì vậy niềm tin trong xã hội về hiệu quả cao của việc sử dụng các sản phẩm của động vật hoang dã vẫn rất lớn, kích thích việc thực hiện các hành vi phạm tội. Bên cạnh đó việc định hướng những giá trị về đạo đức, lối sống, ứng xử như thế nào với thiên nhiên chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa tạo được thái độ đúng đắn của xã hội về vấn đề này.
Thứ ba, đối với một bộ phận người dân sinh kế truyền thống của họ là khai thác các nguồn lợi từ rừng. Trong quãng thời gian dài trước đây, hành vi khai thác trên do không nhiều, chủ yếu là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong gia đình họ, nên có sự cân bằng tương đối giữa khai thác và tái tạo, không hoặc rất ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhưng trong mấy chục năm trở lại đây, tính chất khai thác các nguồn lợi tự nhiên từ rừng không còn như trước đây, một số hành vi khai thác nguồn lợi từ rừng là các hành vi vi phạm rất nghiêm trọng pháp luật hình sự, nhưng vì mưu sinh người dân ở đây vẫn buộc phải thực hiện. Đối với bộ phận dân cư này, các chính sách của Nhà nước trong việc tạo sinh kế đối với họ chưa thật sự phát huy hiệu quả, vì vậy việc ngăn chặn các hành vi phá rừng, xâm hại động vật hoang dã chưa đạt được kết quả như mong muốn.
3.Vướng mắc và kiến nghị
3.1. Vướng mắc
Trong phạm vi, khuôn khổ hạn chế của bản tham luận này, tác giả chỉ xin nêu một vướng mắc về quy định pháp luật làm cho công tác xét xử loại tội phạm này gặp khó khăn, không hiệu quả. Cụ thể Điều 244 BLHS hiện hành về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” có 3 khung hình phạt sắp xếp theo thứ tự từ nhẹ đến nặng, căn cứ vào việc liệt kê số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể của động vật nguy cấp, quý, hiếm bị săn bắn, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép. Thế nhưng động vật nguy cấp, quý, hiếm lại có nhiều loại, vì vậy trong trường hợp hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép nhiều loại động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc các bộ phận cơ thể của chúng thì vấn đề xác định hành vi có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm vào khung hình phạt nào là vấn đề phức tạp, cần có hướng dẫn. Để giải quyết vấn đề này, ngày 5/11/2018 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234, 244 của BLHS năm 2015, theo đó tại Điều 6 quy định về trường hợp khi phát hiện tội phạm mà thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau, Nghị quyết có hướng dẫn như sau:“Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Về quy định này có hai vướng mắc cần trao đổi:
Thứ nhất, quy định như vậy dẫn đến tình trạng không công bằng, bỏ lọt một số hành vi nguy hiểm cho xã hội hơn cả những hành vi mà BLHS đã xác định là tội phạm. Ví dụ BLHS quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2 kg đến dưới 20 kg; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 1 kg là phạm vào điểm c khoản 1 Điều 244 của Bộ luật này. Với quy định này, hành vi tàng trữ, vận
Thứ hai, trong trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau, Nghị quyết trên chỉ hướng dẫn số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể của chúng thu giữ được ở mức nào thì đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chưa hướng dẫn thu giữ được ở mức nào thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, ở mức nào thì sẽ theo khoản 3 Điều 244 BLHS. Ví dụ BLHS quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 20 kg đến dưới 90 kg; sừng tê giác có khối lượng từ 1 kg đến dưới 9 kg là phạm vào điểm d khoản 2 Điều 244 của Bộ luật này. Vậy hành vi vận chuyển 19 kg ngà voi và
Nghị quyết 05 nói trên chưa đề cập đến, nên khi gặp tình huống này, các Cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng, nên thông thường sẽ giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, tức là chỉ điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 244 BLHS, mặc dù thấy việc điều tra, truy tố, xét xử như vậy là rất bất hợp lý. Có thể thấy sự lúng túng của các Cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án có bị cáo Nguyễn Bá T mà tác giả đã nêu dẫn chứng ở trên. Bị cáo T đã có hành vi vận chuyển đến 21 loại bộ phận cơ thể động vật, trong đó hầu hết là động vật nguy cấp, quý, hiếm, tuy nhiên có lẽ các Cơ quan tiến hành tố tụng đã lúng túng, không xác định được hành vi vận chuyển số lượng bộ phận cơ thể động vật hoang dã trên là phạm vào điểm, khoản nào của Điều 244 BLHS, vì vậy chỉ truy tố, xét xử T với một tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 244 BLHS là vận chuyển qua biên giới, bỏ sót một tình tiết định khung bắt buộc khác đối với loại hành vi phạm tội này, đó là phải xác định số lượng tang vật trên phạm vào điểm, khoản nào của Điều 244 BLHS. Trong trường hợp nếu Nguyễn Bá T chỉ vận chuyển các loại bộ phận cơ thể của động vật hoang dã trong nội địa, không có yếu tố vận chuyển qua biên giới, không rõ các Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định khung hình phạt như thế nào?
3.2. Kiến nghị
Thứ nhất, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin khoa học, định hướng về những giá trị đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ, lối sống, cách ứng xử văn minh của chúng ta đối với thiên nhiên, cụ thể là làm cho mọi người dân hiểu rõ các vấn đề sau:
– Việc sử dụng thịt, xương và các sản phẩm khác của động vật hoang dã nói chung, động vật nguy cấp quý hiếm nói riêng tuy có lợi đối với sức khỏe con người trong một số trường hợp nào đó, nhưng tác dụng của nó không đến mức thần kỳ như rất nhiều người trong xã hội chúng ta vẫn quan niệm.
– Việc xâm hại động vật hoang dã nói chung, xâm hại đông vật nguy cấp quý hiếm nói riêng thông qua các hành vi trực tiếp là săn bắt, các hành vi gián tiếp là tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ v.v… sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm suy thoái môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của cả nước. Các thế hệ con cháu của tất cả chúng ta sau này sẽ phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp từ việc hủy hoại môi trường sống mà thế hệ ông cha của chúng đã gây ra trước đó.
– Việc sử dụng trái pháp luật các sản phẩm của động vật hoang dã để làm thực phẩm, dược phẩm, trang sức cá nhân, trang trí trong nhà là sự thể hiện lối sống của một lớp người giàu nhanh, nhưng thiếu nhân cách và một nền tảng vững chắc về văn hóa, là hành vi đáng lên án, không phải là biểu hiện của sự giàu có văn minh, đáng ngưỡng mộ.
– Các quy định pháp luật đối với hành vi xâm hại động vật hoang dã nói chung là rất nghiêm khắc, mọi người cần phải biết để tránh, không vi phạm.
Thứ hai, cần quan tâm đến vấn đề hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này nói chung, trong đó có việc sửa đổi, thay thế Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 5/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 234, 244 của BLHS năm 2015 nói riêng mà hiện việc áp dụng đang có những vướng mắc như đã nói ở trên, nhằm tạo điều kiện cho việc xử lý các hành vi xâm hại động vật hoang dã được thuận lợi, dễ dàng.
Thứ ba, cần quan tâm việc tạo công ăn việc làm cho người dân ở các vùng đệm của rừng có truyền thống lấy việc khai thác các nguồn lợi từ rừng làm sinh kế, mà không phải phá rừng.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa và quan tâm đến tính hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết, xử lý các hành vi xâm hại động vật hoang dã để việc giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm này được thực hiện nghiêm túc, có tác dụng răn đe cao./.
Thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại Quảng Bình – Ảnh: Ngọc Kiên
[1] Theo báo cáo số 414/KL-TTPC ngày 19/4/2019 của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình tại buổi làm việc ngày 10/5/1019 giữa Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình về khảo sát tình hình đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp quý, hiếm tại tỉnh Quảng Bình.
Thực tế cách đây vài năm ở Quảng Bình có bắt được một xe chở cá thể hổ đông lạnh, nhưng chỉ xử lý hành chính, không xử lý hình sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
No megacity
20:25 22/12.2024Trả lời