Thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng quy định về điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản và kiến nghị
Bài viết nêu sơ lược về quá trình ra đời quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, phân tích quy định về điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản và một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn xét xử và đề xuất, kiến nghị.
1. Quy định của pháp luật
Có nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ trường hợp về hoàn cảnh thay đổi cơ bản với nhiều tên gọi khác nhau như: “hardship” (đặc biệt khó khăn) hoặc “change of circumstances” (thay đổi hoàn cảnh). Ở Mỹ, thuật ngữ được dùng là “commercial impracticcability” (thương mại bất khả thi), ở Anh là “frustration of contract” (sự vô ích của hợp đồng), ở Đức là “Störung der Geschäftsgrundlage” (sự xâm phạm đến nền tảng của giao dịch), ở Pháp là imprévision (sự không có giá trị thực thi/sự không khả thi), ở Thụy Sĩ là “impossibility” (bất khả thi),… Tuy nhiên, thuật ngữ “hardship” được chấp nhận và sử dụng rộng rãi nhất.[1]
Ở cấp độ quốc tế, Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) đã đưa ra quy định gọi là “điều khoản về hoàn cảnh khó khăn”, theo đó, trong những trường hợp này cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng hoặc không thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể tại Điều 6.2.1 của PICC quy định: “Khi việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hơn cho một bên, bên này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình, trừ những trường hợp liên quan đến các điều khoản về hoàn cảnh khó khăn được quy định dưới đây”. Và Điều 6.2.2 quy định: “Một hoàn cảnh được gọi là khó khăn, nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của hợp đồng, hoặc làm cho chi phí thực hiện quá cao, hoặc giá trị nhận được do thực hiện nghĩa vụ giảm quá thấp...”.[2] Tại khoản 2 Điều 6: 111 của Bộ quy tắc Luật Hợp đồng châu Âu (PECL) quy định: “Nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn do có sự thay đổi về hoàn cảnh, thì các bên buộc phải tiến hành thỏa thuận lại nhằm điều chỉnh hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, với điều kiện là...”.[3]
Ở Việt Nam, trước khi BLDS năm 2015 ra đời, thực tiễn xét xử các vụ việc liên quan đến nhu cầu thay đổi giá đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, mà vấn đề chính là việc áp dụng cơ chế điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, điển hình như:
Vụ việc thứ nhất: Công ty Việt Nam (bên mua) và Công ty nước ngoài (bên bán) đã ký một hợp đồng 5 năm với nội dung mua bán hàng hóa cho từng năm và mỗi năm với số lượng cụ thể, giá cụ thể (cùng với thỏa thuận chọn VIAC). Sau đó, các bên tranh chấp với nhau và đưa tranh chấp ra VIAC xuất phát từ việc các bên không đạt được thỏa thuận từ việc giá của hàng hóa năm thứ 3 trên thị trường chỉ còn bằng 1/3 giá nêu trong hợp đồng (bên bán yêu cầu giữ nguyên giá trong hợp đồng, còn bên mua yêu cầu giá mới do giá trên thị trường đã giảm còn bằng 1/3 giá trong hợp đồng đã ký trước đó 03 năm).
Vụ việc thứ hai: Năm 1992, ông Thiết và bà Lới đăng ký mua một kiốt của ông Son và bà Thìn với giá 7,8 triệu đồng và bên mua đã thanh toán được 4,8 triệu đồng (tức còn thiếu 3 triệu đồng) và nhận kiốt. Sau đó, các bên có tranh chấp và năm 2006 (14 năm sau), Tòa án xác định thỏa thuận mua bán trên “là hợp pháp, các bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện”[4].
Đối với vụ việc thứ nhất, nếu cho phép điều chỉnh lại hợp đồng, chúng ta sẽ có kết quả là các bên vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng cho năm thứ 3 và những năm tiếp theo. Đồng thời, giá mà bên mua Việt Nam phải trả sẽ không là giá trong hợp đồng nữa (quá cao so với thực tế thị trường vì gấp 3 lần giá thị trường) mà giá sẽ tương đồng với giá thị trường ở thời điểm thực hiện hợp đồng. Còn đối với vụ việc thứ hai, nếu chúng ta cho phép điều chỉnh lại hợp đồng, chúng ta có kết quả là bên bán không nhận 03 triệu đồng nữa và chúng ta sẽ xem giá trị của 03 triệu đồng năm 1992 là bao nhiêu và quy đổi lại ở năm 2006. Với hướng này, bên bán sẽ không nhận 03 triệu đồng mà sẽ nhận khoản tiền cao hơn vì giá cả nói chung cũng như giá trị kiốt không còn là 7,8 triệu nữa mà cao hơn rất nhiều sau 14 năm kể từ ngày hợp đồng được xác lập.[5]
Quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản lần đầu được BLDS năm 2015 bổ sung để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong thực tế nảy sinh nhiều trường hợp mà trong quá trình thực hiện hợp đồng thì hoàn cảnh thay đổi, dẫn đến quyền lợi của một bên bị thiệt hại nặng nề, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Vấn đề này không được quy định trong BLDS nhưng đã được quy định trong một số luật chuyên ngành, chẳng hạn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (khoản 1 và khoản 2 Điều 20)[6], Luật Đấu thầu năm 2005 (Điều 57)[7]. Để đảm bảo lẽ công bằng cho các bên trong hợp đồng, BLDS với tư cách là luật chung của hệ thống luật tư, cần bổ sung quy định về điều chỉnh hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi. Theo đó, trong những trường hợp mà hoàn cảnh thay đổi dẫn đến sự thay đổi cơ bản sự cân bằng lợi ích giữa các bên thì các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng; nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định. Để tránh sự lạm dụng, gây thiệt hại cho một bên trong hợp đồng, BLDS đưa ra các điều kiện áp dụng quy định về hoàn cảnh thay đổi.[8]
Theo đó, tại Điều 420 BLDS năm 2015 quy định như sau:
“1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên không thể lường trước về sự thay đổi của hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”
Qua quy định nêu trên cho thấy, BLDS năm 2015 không đưa ra khái niệm mang tính khái quát về hoàn cảnh như thế nào để được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà thông qua các điều kiện để xác định thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Có thể nhận thấy, BLDS năm 2015 đã theo hướng tương tự quy định Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu (PECL) và luật hợp đồng của một số quốc gia theo cả hai hệ thống pháp luật điển hình trên thế giới đều không đưa ra khái niệm một cách khái quát mà nêu các điều kiện để xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản.[9] Và quy định tại điểm d khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015 đã đề cập đến sự mất cân bằng hợp đồng, tương tự như cách hiểu của PICC.
2. Thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và kiến nghị
- Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015 cho thấy, “sự kiện bất khả kháng”[10] với “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” có nhiều điểm tương đồng nên rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Theo đó, “sự kiện bất khả kháng” với “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” có một số điểm tương đồng cơ bản như sau: Một là, hai sự kiện đều phát sinh từ sự kiện ngoài ý muốn, ngoài dự kiến của các bên khi giao kết hợp đồng; Hai là, khi sự kiện bất thường xảy ra, bên vi phạm hợp đồng không thể kiểm soát được; Ba là, các bên không thể lường trước được sự kiện xảy ra vào thời điểm giao kết hợp đồng và sự kiện xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để phân biệt “sự kiện bất khả kháng” với “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” phải dựa vào điều kiện xác định, mục đích, phạm vi áp dụng, mức độ của hoàn cảnh và hậu quả pháp lý, nhưng dấu hiệu cơ bản nhất đó là dựa vào mức độ của hoàn cảnh. Với bất khả kháng là sự kiện xảy ra phải không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, còn hoàn cảnh thay đổi thì hợp đồng vẫn có thể thực hiện được mặc dù rất khó khăn hoặc không còn ý nghĩa nữa.[11]
- Thứ hai, tại điểm c khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: “Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác”. Quy định này xác định hoàn thay đổi là “lớn” đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác là khá trừu tượng và phụ thuộc vào ý chí của các bên. Vậy sự thay đổi hoàn cảnh phải ở mức độ nào mới có thể xác định là một yếu tố nhận diện hoàn cảnh thay đổi cơ bản, từ đó dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi xác định điều kiện này là dựa trên cơ sở định tính hay định lượng và phụ thuộc vào ý chí, mục đích giao kết của các bên.
Chẳng hạn, ngày 18/7/2023, Công ty A với Công ty P ký kết hợp đồng mua bán gạo, theo thỏa thuận, Công ty P bán cho Công ty A số lượng 4.500 tấn gạo, loại gạo trắng 15% tấm, với giá 12.100.000 đồng/tấn, thành tiền 54.450.000.000 đồng, thời gian giao hàng vào tháng 8/2023, địa điểm giao hàng tại kho Công ty P. Đến ngày 20/7/2023, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và thời gian cấm xuất khẩu dự kiến kéo dài đến năm 2024; ngày 28/7/2023, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trong vòng 4 tháng kể từ ngày 28/7/2023 và ngày 29/7/2023, Nga thông báo cấm tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến hết ngày 31/12/2023. Từ đó, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý (tăng hơn 20%). Ngày 05/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Ngày 15/8/2023, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về việc tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Vậy mức độ ảnh hưởng từ việc cấm xuất khẩu gạo của các nước trong trường hợp này có được coi là hoàn cảnh thay đổi lớn hay không?
- Thứ ba, tại điểm d Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên”. Quy định này cho thấy, vấn đề thiệt hại nghiêm trọng cũng khó đánh giá, bởi mỗi trường hợp khác nhau thì mức độ thiệt hại cũng khác nhau và mỗi loại thiệt hại khác nhau cũng không giống nhau. Thông thường, cách đánh giá thiệt hại là các bên so sánh kết quả của việc thực hiện theo hợp đồng và kết quả sau khi có hoàn cảnh thay đổi nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng để xem xét mức độ thiệt hại cho mỗi bên. Tuy nhiên, thực tiễn đánh giá mức độ nghiêm trọng hay không nghiêm trọng là không dễ dàng, không thống nhất với nhau.
Chẳng hạn, trong vụ việc nêu trên vào cùng thời điểm ngày 18/7/2023, Công ty A với Công ty P ký kết hợp đồng với số lượng 4.500 tấn gạo, với giá 12.100.000 đồng/tấn, thì sẽ thiệt hại thấp hơn trường hợp Công ty B ký kết với Công ty X số lượng gạo 50.000 tấn, với giá gạo 11.600.000 đồng/tấn và thiệt hại sẽ cao hơn Công ty C ký kết với Công ty Y số lượng gạo 1.000 tấn, với giá gạo 12.500.000 đồng/tấn. Vậy trong trường hợp này, căn cứ vào giá trị hợp đồng hay tỷ lệ phần trăm trên giá trị hợp đồng để xác định thiệt hại nghiêm trọng hay không nghiêm trọng; thiệt hại nghiêm trọng trong các trường hợp nêu trên được thể hiện như thế nào; là thay đổi chi phí thực hiện nghĩa vụ của một bên hay giá trị lợi ích, lợi nhuận của bên còn lại bị giảm so với mục đích ban đầu. Từ đó, có quan điểm cho rằng, thiệt hại nghiêm trọng không đồng nghĩa với không đạt được lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng[12].
- Thứ tư, tại điểm d khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: “Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích”. Về nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, các bên phải tôn trọng và cam kết thực hiện thỏa thuận của mình kể cả trong trường hợp mục đích hợp đồng không đạt như mong muốn. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng phải xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, trung thực, trường hợp có sự kiện khách quan xảy ra ảnh hưởng đến lợi ích của mình, thì bên thiệt hại phải nỗ lực trong việc giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh mình đã nỗ lực hết sức trong khả năng và điều kiện của mình để ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại. Trường hợp bên có lợi ích bị ảnh hưởng, mặc dù có khả năng ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng nhưng đã không nỗ lực thực hiện thì phải tự gánh chịu rủi ro.
Có thể nhận thấy, quy định này nhằm mục đích ngăn chặn hành vi lạm dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản để yêu cầu sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn đánh giá việc bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích là không dễ dàng. Chẳng hạn, trong vụ việc nêu trên, nếu sau thời điểm ngày 18/7/2023, Công ty P không thu mua đủ số lượng gạo 4.500 tấn với giá 12.100.000 đồng/tấn, Công ty X không thu mua được số lượng gạo 50.000 tấn với giá gạo 11.600.000 đồng/tấn và Công ty Y không thu mua được số lượng gạo 1.000 tấn với giá gạo 12.500.000 đồng/tấn, do hiện tượng găm hàng để chờ bán với giá cao và nếu thu mua đủ số lượng gạo để giao thì sẽ bị thiệt hại từ 20 đến 30% giá trị hợp đồng đã ký kết. Vậy trường hợp này có được coi là đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích hay không?.
Qua phân tích các quy định nêu trên cho thấy, việc xác định thế nào được coi là “hoàn cảnh thay đổi lớn”, thế nào là “thiệt hại nghiêm trọng cho một bên” và thế nào được coi là “bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích”. Do đó, trong thời gian tới Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn để các Tòa án địa phương áp dụng thống nhất.
[1] Trần Thị Nguyệt (2023), Phân biệt hoàn cảnh thay đổi cơ bản với bất khả kháng nhằm thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long, tr. 46-47.
[2] PICC, Article 6.2.2 (Definition of hardship, https://www.unidroit.org/instruments/commercial-contracts/ unidroit-principles-2016, truy cập ngày 06/7/2024.
[3] Xem bản tiếng anh của PECL trên http://www.jus.uio.no/lm/eu.contract.principles.parts.1.to.3.2002/, truy cập ngày 06/7/2024.
[4] Xem thêm: Đỗ Văn Đại (2014), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014 (xuất bản lần thứ 2), Bản án số 37-39.
[5] Xem: Đỗ Văn Đại (2015), Bàn thêm về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13(293), tháng 7/2015: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210176, truy cập ngày 06/7/2024.
[6] Khoản 1 và khoàn 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định như sau:
“1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm”.
[7] Điều 57 Luật Đấu thầu năm 2005 quy định về điều chỉnh hợp đồng như sau:
1. Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì được điều chỉnh theo các chính sách này kể từ thời điểm các chính sách này có hiệu lực;
b) Trường hợp có khối lượng, số lượng tăng hoặc giảm trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra thì việc tính giá trị tăng hoặc giảm phải căn cứ vào đơn giá của hợp đồng;
c) Trường hợp giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị nêu trong hợp đồng do Nhà nước kiểm soát có biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký và phải được người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Giá hợp đồng sau điều chỉnh không được vượt dự toán, tổng dự toán hoặc giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho phép.
3. Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư thoả thuận với nhà thầu đã ký hợp đồng để tính toán bổ sung các công việc phát sinh và báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp thoả thuận không thành thì nội dung công việc phát sinh đó hình thành một gói thầu mới và tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này.
[8] Bộ Tư pháp, Bản thuyết minh Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tháng 10/2014, tr. 57.
[9] Đàm Thị Diễm Hạnh (2021), Bàn về khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong thực hiện hợp đồng theo pháp luật một số nước trên thế giới và ở Việt Nam, Tại chí Pháp luật và Thực tiễn, số 49/2021, tr. 6.
[10] Khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015 đã đưa ra khái niệm về “sự kiện bất khả kháng” như sau: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
[11] Xem thêm: Trần Thị Nguyệt (2023), Phân biệt hoàn cảnh thay đổi cơ bản với bất khả kháng nhằm thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Tạp chí Khoa học Đại học Hạ Long, tr. 48-50.
[12] Nguyễn Quang Thanh, Đặng Thị Thu Hằng (2024), Bàn về điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Trang thông tin điện tử Giáo dục và Xã hội: https://giaoducvaxahoi.vn/tin-phap-luat/ban-v-di-u-ki-n-xac-d-nh-hoan-c-nh-thay-d-i-co-b-n-theo-quy-d-nh-c-a-b-lu-t-dan-s-2015.html, truy cập ngày 06/7/2024.
TAND TP.HCM xét xử vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa hai doanh nghiệp - Ảnh: Hoàng Yến
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận