Thực trạng thi hành pháp luật đại lý bảo hiểm xã hội tại Thừa Thiên Huế

Đại lý bảo hiểm (ĐLBH) là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng ĐLBH để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực tế hoạt động bảo hiểm hiện nay, tác giả nghiên cứu địa bàn Thừa Thiên Huế, có nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Với tư cách là một trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội đã trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả giúp cho Nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường gắn kết với phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho người dân. Để phát triển quy mô của hoạt động bảo hiểm xã hội, tiến tới Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế toàn dân, hoạt động thu nộp BHXH, chi trả các chế độ BHXH phải được tiến hành rộng khắp. Hệ thống các cơ quan BHXH không thể vươn cánh tay của mình xuống tận cơ sở, mà phải thông qua một loại hình hoạt động mang tính chất trung gian đó là: Đại lý BHXH.

 1.Đặc điểm của đại lý BHXH

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam thì “Đại lý bảo hiểm (ĐLBH) là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền trên cơ sở hợp đồng ĐLBH để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” (Điều 84, chương IV).

Căn cứ vào tư cách pháp lý, có hai loại đại lý là cá nhân và tổ chức. Cách phân loại này giúp doanh nghiệp bảo hiểm quản lý tốt lực lượng bán hàng của mình, đặc biệt là khâu tuyển dụng đại lý. Căn cứ theo loại hình bảo hiểm và tính chất rủi ro, có hai loại đại lý là đại lý bảo hiểm xã hội nhân thọ và đại lý bảo hiểm xã hội phi nhân thọ. Ngoài ra, còn có một số tiêu thức phân loại đại lý khác như: Căn cứ vào thư bổ nhiệm, có đại lý giới thiệu dịchvụ và đại lý thu phí. Căn cứ theo trình độ chuyên môn, có đại lý học việc và đại lý chính thức. Căn cứ theo phạm vi hoạt động của đại lý, có đại lý phụ thuộc và đại lý độc lập…

Hoạt động ĐLBH phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật bao gồm 4 nguyên tắc sau: Tổ chức, cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm xã hội phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm xã hội; Tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho cơ quan BHXH, chi nhánh nước ngoài khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan BHXH, chi nhánh nước ngoài mà mình đang làm đại lý; Cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý nhưng không hoạt động đại lý trong thời hạn 03 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý mới trước khi hoạt động đại lý; Đại lý bảo hiểm xã hội không được thực hiện các hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.

 2.Thực trạng thực hiện pháp luật về đại lý bảo hiểm xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế

2.1. Thị trường phát triển mạnh

 Trong những năm gần đây, thị trường Bảo hiểm Việt Nam nói chung và tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng gay gắt hơn, phức tạp hơn đòi hỏi ở mỗi doanh nghiệp phải không ngừng mở rộng mạng lưới đại lý ở khắp mọi nơi, nâng cao trình độ của đại lý, để đại lý có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2016, tính đến ngày 31/12/2016, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT với 154 Đại lý thu, tổng số nhân viên Đại lý thu là 831 người, trên địa bàn tỉnh có 152/152 xã có Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT, đạt tỷ lệ 100%, tổng số điểm thu trong toàn tỉnh là 545 điểm[i]; Trong năm 2017, Thực hiện Quyết định số 1599/QĐ-BHXH ngày 28/10/2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiếm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc ban hành Quy định hoạt động Đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tính đến ngày 31/12/2017, cơ quan BHXH đã ký họp đồng Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT với 154 Đại lý thu nhưng chỉ có 115 Đại lý thu tố chức thu BHYT hộ gia đình (do có 39 xã là hoàn toàn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn). BHXH tỉnh đã ban hành và thực hiện Kế hoạch làm việc về tình hình quản lý hoạt động của Đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh năm 2017, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc quản lý hoạt động của Đại lý thu BHXH, BHYT; kiểm tra và hướng dẫn kịp thời cho nhân viên Đại lý thu BHXH, BHYT về công tác thu nộp và phát hành thẻ BHYT, cấp sổ BHXH nếu có dấu hiệu vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Qua kiếm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác vận động tuyên truyền và thu nộp, phát hành thẻ BHYT, cấp sổ BHXH cho người dân. Nhu cầu phát triển mạng lưới nhân viên Đại lý thu, trong năm BHXH tỉnh đã tổ chức lớp đào tạo nhân viên Đại lý thu cho 252 người do Đại lý thu ƯBND xã, Đại lý thu Bưu điện tỉnh và Đại lý thu Công ty Bảo hiểm PVI Huế giới thiệu vào tháng 12/2017[ii]; Năm 2018, mạng lưới Đại lý thu BHXH, BHYT tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 154 Đại lý thu/152 xã, phường, thị trấn) nên người dân có nhiều lựa chọn khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Trong 154 Đại lý thu tổ chức thu BHXH tự nguyện nhưng chỉ có 115 Đại lý thu tổ chức thu BHYT hộ gia đình (do có 39 xã là hoàn toàn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn). Tổng số điểm thu trong toàn tỉnh là 620 điểm, tổng số nhân viên Đại lý thu đã được đào tạo cấp thẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.066 người[iii].

2.2. Lỗ hổng pháp lý

 Thực tiễn trong thời gian qua, không ít các tranh chấp về  bảo hiểm xảy ra là bắt nguồn từ hành vi của ĐLBH, những  hành vi lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi trục lợi bảo hiểm diễn ra một cách tinh vi, như:

 Thứ nhất, về điều kiện thành lập đại lý bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 86 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì tổ chức ĐLBH theo quy định của pháp luật không bắt buộc phải là pháp nhân nên các tổ chức này thường xây dựng dưới mô hình như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp; cơ cấu, tổ chức đơn giản, lỏng lẻo; trách nhiệm không rõ ràng. Các tổ chức này không có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ dẫn đến khó cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra.

Tùy thuộc vào tư cách chủ thể của hoạt động đại lý bảo hiểm xã hội là cá nhân hay tổ chức mà có các điều kiện khác nhau: Đối với cá nhân, pháp luật quy định 3 điều kiện để cá nhân được phép hoạt động đại lý. Các điều kiện này là hợp lý, để đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch, thuận lợi cho hoạt động đại lý, cũng như việc giám sát, kiểm tra hoạt động của đại lý bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn thiếu sót, đó là dù có quy định người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm các tội theo quy định của pháp luật không được ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm xã hội nhưng cá nhân này vẫn có thể tiếp tục hoạt động đại lý. Do quy định về điều kiện của nhân viên của ĐLBH thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm xã hội lại không có quy định cấm nhân viên đó là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm các tội theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức, pháp luật hiện nay không quy định tổ chức là đại lý bảo hiểm xã hội có bắt buộc là pháp nhân hay không là pháp nhân. Do đó, đại lý bảo hiểm xã hội là tổ chức có thể là pháp nhân hoặc không là pháp nhân. Việc này dẫn đến trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự giữa các tổ chức ĐLBH là khác nhau. Trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính tại điểm b Khoản 1 Điều 5 thì tổ chức là đối tượng bị xử lý vi phạm không phân biệt là pháp nhân hay không pháp nhân, còn trong Bộ luật Hình sự quy định thì tổ chức là pháp nhân mới có trách nhiệm hình sự. Như vậy, giữa các tổ chức kinh doanh đại lý bảo hiểm xã hội là pháp nhân và không phải là pháp nhân đang không được hưởng một môi trường pháp lý bình đẳng.

Thứ hai, về tính pháp lý của các mô hình thương mại điện tử kinh doanh bảo hiểm. Các trang web kinh doanh bảo hiểm trực tuyến đang nhanh chóng xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này. “Dù cùng rao bán sản phẩm cho nhiều DN, nhưng họ hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn bảo hiểm độc lập, na ná mô hình công ty môi giới, chứ không phải đại lý thông thường. Trong khi đó, mô hình này hiện chưa được quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, đơn cử như việc có được phép hợp tác với nhiều DN cùng một lúc hay không, nên không thể nói là trái luật.”[iv]

 Thứ ba, hiện nay, pháp luật quy định về nguyên tắc hoạt động đại lý trong đó buộc một ĐLBH không đồng thời làm đại lý cho 2 cơ quan BHXH nếu không có sự chấp thuận của cơ quan BHXH mà mình đang làm đại lý. Tuy nhiên, quy định này đang bỏ sót một trường hợp có thể phát sinh là việc ĐLBH hoạt động dưới hình thức tổ chức đang làm đại lý cho một cơ quan BHXH nhưng nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm xã hội trong tổ chức đó lại ký hợp đồng ĐLBH cho một cơ quan BHXH khác dẫn đến tình trạng một cá nhân thực hiện hoạt động đại lý cho 2 cơ quan BHXH vẫn có thể xảy ra mà không vi phạm quy định pháp luật, cơ quan BHXH dù biết cũng không có căn cứ để yêu cầu giải quyết, xử lý và tổ chức ĐLBH có thể cố ý hoặc vô ý chấp nhận việc này.

 Thứ tư, hoạt động tư vấn và cung cấp thông tin của đại lý là một hoạt động quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức bởi cơ quan BHXH, ĐLBH và cơ quan nhà nước. Trên thực tế, ĐLBH chưa có trách nhiệm giải thích các từ ngữ khó hiểu trong hợp đồng nên họ cố tình hoặc vô tình không giải thích cặn kẽ dẫn đến khách hàng hiểu nhầm nội dung. Khi không được các đại lý tận tâm, tận tình giải thích, người mua mơ hồ về những quyền lợi mà họ sẽ nhận được trong những tình huống khác nhau, cũng như không được lưu ý kỹ về những trách nhiệm mà họ phải thực hiện để duy trì hiệu lực cho hợp đồng bảo hiểm của mình; khách hàng thường không đọc kỹ hợp đồng, cũng như không hiểu hết nội dung hợp đồng. Việc này dẫn đến cách giải thích khác nhau giữa khách hàng và cơ quan BHXH về điều khoản thỏa thuận. Khách hàng không hoặc không thể tìm hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm mà họ chi trả hoặc tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của cơ quan BHXH, đến khi quỹ bị vỡ hoặc cơ quan BHXH gặp các trường hợp không thể tiếp tục kinh doanh, không thể bồi thường bảo hiểm hoặc nằm ngoài phạm vi bảo hiểm, khách hàng vừa mất tiền bảo hiểm vừa không được chi trả khi gặp sự kiện cần được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện tình trạng các đại lý ma và các hợp đồng ảo nổi lên tác động xấu đến thị trường bảo hiểm trong nước. Tình trạng này không chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam mà đã xảy ra ở các nước khác. Ở nước ngoài, hiện tượng đại lý ma được gọi là “phantom” agent (đại lý “ma”) hay “dummy” agent (đại lý “hình nộm”). Đó là khi có những người “cho mượn” tên và giấy tờ tùy thân của họ để ký kết hợp đồng đại lý với một doanh nghiệp, nhưng thực sự họ không hề thực hiện hoạt động đại lý. Họ có thể là người thân quen với một đại lý hay một cấp quản lý nào đó trong doanh nghiệp, hoặc đôi khi họ chỉ là người “được thuê” để đăng ký họ tên làm đại lý. Còn những hợp đồng bảo hiểm “ảo” là những hợp đồng bảo hiểm mà đại lý bảo hiểm xã hội ngụy tạo ra, trong đó người tham gia bảo hiểm có thể là người thân quen của đại lý. Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều nước và dần xuất hiện ở thị trường Việt Nam.[v] Nguyên nhân của hiện tượng đại lý ảo đa phần xuất phát từ các hành vi của người quản lý, đại lý của cơ quan BHXH và các đại lý ma này thường là người thân quen, sinh viên, người hưu trí, người rỗi việc…

 Thứ năm, trục lợi bảo hiểm diễn ra trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm và ngày càng phổ biến; lây lan nhanh, tuyên truyền học tập lẫn nhau với tính phức tạp, tinh vi hơn; đông đảo lực lượng tham gia. Đại lý bảo hiểm xã hội có các hành vi như: tiếp tay cam kết với kẻ trục lợi bảo hiểm đưa thiệt hại không thuộc phạm vi bảo hiểm vào bồi thường, trả tiền bảo hiểm hoặc hướng dẫn khách hàng bổ sung hồ sơ hóa đơn chứng từ làm tăng số tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm để cùng nhau kiếm lợi. “Đại lý nhân viên bán bảo hiểm ghi lùi ngày tham gia bảo hiểm, làm sai lệch thông tin về tai nạn sự kiện bảo hiểm: thời gian, địa điểm, nguyên nhân mức độ thiệt hại.”[vi]. Các bên thực hiện hành vi nhằm mục đích hưởng cùng nhau chia khoản bảo hiểm được bồi thường làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cơ quan BHXH, gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm, tạo sự bất công đồng thời khiến cho quyền lợi của các khách hàng khác bị ảnh hưởng.

 Thứ sáu, pháp luật hiện hành tuy đã có các quy định cụ thể, rõ ràng về tỉ lệ hoa hồng đại lý mà cơ quan BHXH chi trả nhưng thực tế các hành vi vi phạm vẫn đang diễn ra như: Chi hoa hồng sai đối tượng xuất phát từ việc sử dụng “đại lý ảo” là người thân, bạn bè để hợp thức hóa chứng từ và nhận hoa hồng; chi hoa hồng cho khách hàng, có thể bằng tiền mặt hoặc giảm tiền trên số phí bảo hiểm phải đóng; hoặc chi hoa hồng cao hơn quy định. Hiện nay, các công ty bảo hiểm vẫn áp dụng chi trả phí cho các đại lý theo cách truyền thống là “chính sách hoa hồng tập trung ban đầu”, trong đó tỷ lệ hoa hồng năm đầu tiên đạt tỉ lệ cao, hoa hồng phí tái tục (định kỳ các năm sau) thường rất thấp. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hợp đồng “ảo” xuất hiện và các hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra. Bên cạnh đó, nếu toàn bộ hoa hồng bảo hiểm cộng với thưởng tháng- quý, cộng với thưởng kích thích kinh doanh… lên cao hơn 100% phí bảo hiểm, thì đại lý sẽ bỏ tiền ra đầu tư vào hợp đồng bảo hiểm để kiếm lời.

3.Một số giải pháp, kiến nghị

Để đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi hiệu quả, phù hợp với quá trình vận động và phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, cần có các giải pháp hoàn thiện tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm xã hội và với khách hàng.

 Thứ nhất, đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền,  trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp luật, cơ quan nhà nước cần khách quan, khoa học nhìn nhận điểm tiến bộ cũng như thiếu sót của mình để từ đó hoàn thiện trong các quá trình dự thảo, lấy ý kiến và ban hành quy định; tôn trọng các quan điểm góp ý của các chủ thể khác đặc biệt là cơ quan BHXH và ĐLBH bởi đây là các chủ thể chịu tác động trực tiếp, sâu sắc khi quy định được thực thi; mở rộng nghiên cứu có chọn lọc hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhằm hoàn thiện pháp luật trong nước nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của thị trường trong nước, mở rộng tham gia các điều ước quốc tế đi đôi với việc hoàn thiện pháp luật sao cho phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Trong quá trình thực thi pháp luật, các cơ quan nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, trách nhiệm và đạo đức tốt; ngăn chặn, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi hối lộ, tham nhũng; trang bị tốt cơ sở vật chất, kĩ thuật cho các cơ quan để thuận tiện cho hoạt động của họ… Về nội dung hoạt động thực thi pháp luật, một số giải pháp sau đây đưa ra để định hướng hoàn thiện: kiểm soát chặt chẽ việc thi cấp chứng chỉ đào tạo để thông qua đó củng cố hệ thống đại lý bảo hiểm xã hội; kiểm tra đảm bảo tính hợp pháp và đầy đủ các điều kiện của cá nhân, tổ chức thành lập đại lý; thanh tra, giám sát hoạt động thực thi pháp luật về chi trả hoa hồng, hoạt động đại lý…

Cuối cùng là quá trình xử lý hành vi vi phạm. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường thanh tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức ĐLBH; đảm bảo minh bạch trong quá trình điều tra, xử lý bắt đúng người, đúng tội…

Về công tác quản lý, giám sát, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát để có những khuyến nghị, cảnh báo kịp thời cho các cơ quan BHXH, đảm bảo cho TTBH cạnh tranh lành mạnh.

 Thứ hai, đối với đại lý bảo hiểm xã hội, để đáp ứng được nhu cầu của cơ quan BHXH và thị trường, các ĐLBH cần nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng hoạt động cũng như sự yếu kém, thiếu sót của mình từ đó có những thay đổi phù hợp và tích cực. Các ĐLBH cần nhận thức được chiến lược kinh doanh của mình không phải là việc chạy theo các cơ quan BHXH có mức hoa hồng hoặc các lợi ích vật chất lớn hơn mà phải hoạt động đại lý có chất lượng tốt, có uy tín, thương hiệu, tạo dựng lòng tin của khách hàng, nâng cao chuyên môn, nâng tầm chuyên nghiệp của mình mới là chiến lược đúng đắn.

 Thứ ba, đối với khách hàng, khi có nhu cầu bảo hiểm, khách hàng cần tìm hiểu kĩ trước các cơ quan BHXH mà mong muốn giao dịch về tình hình kinh doanh, chất lượng dịch vụ và uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đó. Sau đó, trong quá trình giao dịch với đại lý, khách hàng cần mạnh dạn yêu cầu đại lý thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với mình về trung thực, thiện chí tư vấn, cung cấp thông tin; đảm bảo hiểu rõ hợp đồng bảo hiểm mà mình đã giao kết. Ngoài ra, các khách hàng phải là những người trung thực, không thực hiện các hành vi gian lận, lừa dối như tự mình hoặc thông đồng với đại lý kê khai giả, không đúng hoặc không đầy đủ thông tin cần thiết, cố tình làm sai lệch hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm, giao kết khi sự kiện đã xảy ra hoặc lùi lại ngày hiệu lực, bổ sung hồ sơ hóa đơn chứng từ làm tăng giá trị thiệt hại, hồ sơ giả mạo để thanh toán làm tăng số tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm để cùng nhau kiếm lợi.

Việc thực hiện tốt các giải pháp hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thực hiện pháp luật về đại lý bảo hiểm xã hội sẽ giúp cho hoạt động bảo hiểm nói chung và hoạt động đại lý bảo hiểm xã hội nói riêng đạt được kết quả tốt giúp cho nền kinh tế phát triển đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời gian tới.

Người lao động làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều – NLĐ

 

 

[i] Báo cáo sổ 259/BC-BHXH ngày 22 tháng 3 năm 2017 của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế

[ii] Báo số 215/BC-BHXH ngày 07/3/2018 của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế

[iii] Báo cáo số 44/BC-BHXH ngày 44 /01/2019 của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế

[iv] [iv] Diệu Minh, Đại lý bảo hiểm xã hội “bắt cá hai tay” . https://www.mic.vn/dai-ly-bao-hiem-bat-ca-hai-tay-.htm?page=4

[v] Theo bài viết Đại lý “ma’ và hợp đồng “ảo” trong bảo hiểm nhân thọ của Chu Diệu Anh in trong Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016.

[vi] Phùng Đắc Lộc, TRỤC LỢI BẢO HIỂM: Cần phải có thái độ phê phán, lên án, tố cáo và phải được xử lý nghiêm bằng một tội danh trong Bộ Luật Hình sự, https://home.abic.com.vn/FileUpload/Documents/Truc%20loi%20bao%20hiem.pdf

HOÀNG ANH TUẤN (Khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật-Đại học Huế)