Thực trạng và kiến nghị sửa đổi bổ sung tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Ngày 24/5/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của BLHS” về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần được bổ sung...
Những năm gần đây, tình trạng cháy nổ trong nội thành, các khu đô thị đáng báo động và để lại hậu quả nặng nề. Tính trong tháng 7/2024, toàn quốc xảy ra 305 vụ cháy, làm chết 19 người, làm bị thương 10 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 11 tỉ đồng và 12,2 ha rừng[1]. Bên cạnh đó cũng có 3 vụ nổ được ghi nhận, làm 3 người bị thương và hiện vẫn chưa thể thống kê cụ thể được những thiệt hại về tài sản.
Trước đó có những vụ cháy hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy quán karaoke An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương vào tối 6/9/2022, làm 32 người tử vong và hàng chục người bị thương; vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân xảy ra lúc 23h ngày 12/9/2023, với 45 căn hộ, khoảng 150 cư dân sinh sống trong chung cư, thiệt hại được công bố lên tới 56 người tử vong và 37 người bị thương; vụ cháy nhà trên khu đất sâu trong ngõ phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà nội lúc rạng sáng 24/5/2024 làm 14 người chết, 6 người bị thương.
Đa số những thiệt hại trong các vụ cháy kể trên đều bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính là: thời điểm mà những vụ cháy thường diễn ra theo thống kê chủ yếu là vào giờ hành chính, khi đa số dân cư đã rời khỏi nơi sinh sống để đi làm hoặc vào khuya khi mọi người đã ngủ say, dẫn đến việc không thể phát hiện và xử lý đám cháy kịp thời trước khi nó lan rộng. Tuy nhiên, có những trường hợp phát hiện kịp thời đám cháy, nhưng không thể dập tắt được và cũng không thể thoát thân, đây là hậu quả việc vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy của nơi diễn ra vụ việc.
Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi của (các) chủ thể được quy định trong luật, không thực hiện những trách nhiệm của mình đối với việc bảo đảm an toàn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Một số hành vi vi phạm có thể kể đến như việc cá nhân có trách nhiệm nhưng không nghiệm thu việc phòng cháy chữa cháy các công trình, không bố trí đầy đủ về số lượng bình chữa cháy tại khu vực sinh sống, không tổ chức những buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy theo quy định, xây dựng công trình trái phép. Ngoài ra cũng có lý do xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm quy đinh về phòng cháy, chữa cháy…
Để kịp thời xử lý nghiêm minh các tội phạm liên quan đến lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, ngày 24/5/2024, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của BLHS” về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nghị quyết gồm 5 điều, hướng dẫn cụ thể các hành vi được xem là vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 2); các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo khoản 1, 2, 3 Điều 313 BLHS (Điều 3); hướng dẫn cụ thể việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 BLHS (Điều 4); Hướng dẫn áp dụng việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể (Điều 5). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 18/6/2024 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, qua đó góp phần tích cực để răn đe, phòng ngừa giảm thiểu hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, phân tích quy định tại Điều 313 BLHS cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, chúng tôi thấy còn một số vấn đề đặt ra cần thiết bổ sung như sau:
Thứ nhất: Tại khoản 4 Điều 313 BLHS quy định “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm….[2]”; Khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4 Điều 313 của BLHS là hành vi vi phạm hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của BLHS;
b) Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của BLHS nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 của BLHS …[3]”.
Thực trạng hiện nay, việc vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy được hướng dẫn tại khoản 2 của Nghị quyết rất phổ biến và đều tiềm ẩn nguyên nhân dẫn đến cháy nổ mà việc ngăn chặn kịp thời là khó có thể thực hiện.
Ví dụ: Cơ sở kinh doanh karaoke An Phú có nhiều dấu hiệu vi phạm như thiết kế xây dựng tại tầng 2 bị thay đổi so với sơ đồ kết cấu phòng cháy, chữa cháy; Một số phòng hát không đảm bảo kích thước theo quy định; biển quảng cáo và tường xây dựng che chắn bộ phận sảnh tầng 2, tầng 3; quản lý cơ sở không tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy… là nguyên nhân gây cháy nổ và không có kỹ năng thoát thân khiến 32 người tử vong; Hoặc Chung cư mini quận Thanh Xuân được UBND quận Thanh Xuân cấp phép xây dựng 6 tầng, diện tích một sàn là 167,4 m2. Tuy nhiên, thời điểm bị cháy, hiện trạng căn nhà là 9 tầng, diện tích sàn hơn 200 m2 là nguyên nhân khi cháy nổ số lượng người bị nạn cao, số lượng tử vong lớn (56 người). Đối với vi phạm này UBND quận Thanh Xuân, đã hai lần ra văn bản xử lý khi phát hiện sai phạm. “Ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (người ký quyết định cấp phép cho công trình số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ) xác nhận, khi chủ nhà xây dựng sai phép ông đã có 2 văn bản chỉ đạo xử phạt…[4]”.
Như vậy, việc bị xử lý hành chính nêu trên có thể coi là đã “Ngăn chặn kịp thời” và việc chậm khắc phục theo quyết định xử lý hành chính phải được coi là “Có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này…”. Bên cạnh đó, việc được ngăn chặn kịp thời hay không còn phụ thuộc thời gian, địa điểm, các yếu tố thuận lợi để được ngăn chặn chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào việc khắc phục sai phạm của chủ thể.
Do đó, cần bổ sung khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết theo hướng: Đã bị xử lý hành chính về vi phạm nhưng không khắc phục trong thời hạn thì bị xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 313 BLHS.
Thứ hai: Hậu quả các vụ cháy nổ trong thời gian gần đây gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Chủ yếu là do các chủ sở hữu thực hiện các hoạt động kinh doanh nhưng không thực hiện đúng quy định về xây dựng, về phòng chống cháy nổ trong khi đều có điều kiện để thực hiện. Chế tài cao nhất quy định tại khoản 3 Điều 313 BLHS là “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.[5]”.
Trong khi thực tiễn hiện nay các vụ cháy nổ xảy ra mỗi vụ số lượng người bị thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với định khung này. Điều này cho thấy cần chế tài nghiêm khắc hơn mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngùa chung. Do đó, đối với các trường hợp đã bị xử lý hành chính như phân tích trên mà không khắc phục dẫn đến chảy nổ thiệt hại trên 03 người trở lên cần có định khung riêng theo hướng tăng hình phạt tương đương 12 đến 20 năm, tù chung thân mới bảo đảm phòng ngừa cao nhất đối với loại tội phạm này.
Thứ ba: Tại khoản 5 Điều 313 BLHS quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.[6]”. Đối với hình phạt bổ sung về mức phạt tiền nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, cũng cần thiết phải nâng mức hình phạt bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo tính nghiêm trị cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật.
[1] Thành Long, “Toàn quốc có 32 người thương vong vì cháy, nổ trong tháng 7/2024”, Báo Sức khỏe & Đời sống.
[2] Khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015
[3] Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết Số: 02/2024/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 5 năm 2024 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 313 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
[4]https://vietnamnet.vn/chung-cu-mini-bi-chay-56-nguoi-chet-cap-phep-6-tang-chu-dau-tu-xay-9-tang-2189295.html
[5] Khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015
[6] Khoản 5 Điều 313 Bộ luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015
Toà án nhân dân huyện Ba Bể, Bắc Kạn xét xử vụ án quán Karaoke “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”- Ảnh: Hải Yến
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận