Tiếp thu ý kiến chuyên gia để hoàn thiện Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán

Hội thảo góp ý Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán do TANDTC phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức ngày 8/3, các ý kiến đều cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán là cần thiết, cấp bách, thể hiện được tính đạo đức và tính pháp quyền đối với Thẩm phán.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia

Tham dự hội thảo, đại biểu quốc tế có ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về Phòng chống Tham nhũng Khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương của UNODC; ông Jason Reichelt, Chuyên gia Phòng ngừa Tội phạm và Tư pháp Hình sự của UNODC tại trụ sở thủ đô Viên, Cộng hòa Áo; ông Gordon J.Low, Thẩm phán Tòa án cấp cao, Hoa Kỳ; ông Park Hyun Soo, Chuyên gia dài hạn của KOICA Hàn Quốc tại Việt Nam, Giám đốc dự án Tăng cường năng lực Học viên Tòa án.

Về phía đại biểu trong nước, có đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội Vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chánh án TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, tại Đà Nẵng, tại TP HCM và lãnh đạo TAND 26 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc…

Về phía cơ quan tổ chức Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; TS Nguyễn Thúy Hiền và TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về Phòng chống Tham nhũng, Khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương của UNODC điều hành hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2008, TANDTC đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND, trong đó có các quy định về những điều Thẩm phán phải làm, được làm, không được làm khi thực thi công vụ và trong cuộc sống; quy định thái độ, ứng xử của Thẩm phán với nhân dân, với các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên bản quy tắc ứng xử này chưa được cụ thể, còn thiếu nhiều nội dung cơ bản về quy tắc đạo đức Thẩm phán trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vì vậy, TANDTC đã xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán, làm nền tảng cho hoạt động xét xử, xây dựng tư cách và hành vi ứng xử của các Thẩm phán trên cơ sở tham khảo các quy định của Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Dựa vào góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, TANDTC sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành. Quy tắc quy định 7 chuẩn mực về đạo đức của Thẩm phán cụ thể: Tính độc lập; sự vô tư, khách quan; sự liêm chính; sự công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần.

Bộ quy tắc được soạn thảo công phu

Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC Chu Thành Quang cho biết, dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán gồm 5 chương, 21 điều; quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán; những quy tắc ứng xử của Thẩm phán; khen thưởng, kỷ luật…

Dự thảo cũng quy định 8 quy tắc ứng xử của Thẩm phán: Ứng xử khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thẩm phán; Ứng xử tại cơ quan, đơn vị; Ứng xử với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; Ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Ứng xử tại nơi cư trú; Ứng xử tại gia đình; Ứng xử tại nơi công cộng; Ứng xử đối với các hoạt động bên ngoài nhiệm vụ xét xử.

Trong đó đáng chú ý, những việc Thẩm phán không được làm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thẩm phán là: Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác của mình và của cán bộ, công chức khác thuộc Tòa án và các ngành khác; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Đối với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, Thẩm phán phát biểu quan điểm của mình thông qua bản án, quyết định. Thẩm phán không được phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc khi chưa ban hành bản án, quyết định. Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, trừ thông qua các hình thức công khai bản án, quyết định của Tòa án đã được pháp luật quy định. Ngoài ra, Thẩm phán phải thực hiện tốt các quy định của Bộ quy tắc này mà không phụ thuộc vào bất cứ hình thức khen thưởng nào. Thẩm phán có những hành động giúp việc thực hiện Bộ quy tắc này vượt khỏi phạm vi cá nhân thì được khen thưởng theo quy định.

Thẩm phán vi phạm các quy định của Bộ quy tắc này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thẩm phán vi phạm các quy định của Bộ quy tắc này mà hành vi đó chưa được pháp luật quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và không được đề xuất, xem xét dưới bất kỳ hình thức thi đua, khen thưởng nào. Thẩm phán đã nghỉ hưu theo quy định của pháp luật có trách nhiệm gìn giữ đạo đức Thẩm phán, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nhưng không áp dụng kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm Bộ quy tắc này.

Các đại biểu tham gia thảo luận đều cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán là cần thiết, cấp bách, thể hiện được tính đạo đức và tính pháp quyền đối với Thẩm phán. Nhìn ra thế giới, Thẩm phán là chức danh nghề nghiệp được xã hội đặc biệt ngưỡng mộ, tin tưởng và tôn trọng. Đối với Việt Nam, nghề Thẩm phán ngày càng phát triển và được nhìn nhận đúng với vị trí là cơ quan bảo vệ công lý. Thẩm phán là chức danh tư pháp cao quý, các Thẩm phán là những chủ thể được bổ nhiệm để thực hiện quyền tư pháp là nhân tố quyết định chất lượng xét xử của Tòa án, là nền tảng của một Tòa án công bằng, vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật. Bộ quy tắc được soạn thảo công phu, hình thức thể hiện hợp lý, là cơ sở để các Thẩm phán rèn luyện, soi mình trong việc giữ gìn phẩm giá, tư cách của người Thẩm phán.

Nhiều ý kiến có giá trị

Bên cạnh sự đồng thuận, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những vấn đề cần được xem xét, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán. Theo đó, các đại biểu đã góp ý kiến về đối tượng áp dụng, về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán, về những quy tắc ứng xử của Thẩm phán, về Ủy ban đạo đức Thẩm phán, về chế tài xử lý vi phạm Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán. Phần lớn các ý kiến tập trung làm rõ quy định về những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của Thẩm phán như tính độc lập; sự vô tư, khách quan; liêm chính; công bằng, bình đẳng. Vấn đề đạo đức đối với các nghề nghiệp khác trong xã hội có thể được xem là bình thường, nhưng với Thẩm phán thì phải được nâng thành chuẩn mực đạo đức, đó là sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần…

Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh,đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của Thẩm phán. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Khi giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc chấp nhận bất cứ món quà, khoản thừa kế, khoản vay hay quyền lợi nào khác liên quan đến bất cứ điều gì mà Thẩm phán đã làm hoặc sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán. Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan hoặc là một hình thức có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán… 

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Đại học Fulbright Việt Nam và khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng “Đạo đức Thẩm phán đang có vấn đề”, bất cứ nghề gì cũng có đạo đức của nghề đó, riêng với Thẩm phán thì đòi hỏi đạo đức phải ở một mức cao hơn. Tuy nhiên, đạo đức là vấn đề rất khó, xã hội hiện nay đang “hơi hoảng loạn” về điều này và ngành Tòa án phải đối mặt trước thực trạng đó.

  

“Đạo đức của thẩm phán nước ta có vấn đề lắm, dân họ chưa dành sự tôn trọng Thẩm phán mà đáng ra cần có. Làm quan thì phải có đức, sao cho xứng đáng với đồng lương mà mình được nhận. Các Thẩm phán phải “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”; phải như những hòn đá để dân dựa vào” – ông  Phạm Duy Nghĩa chia sẻ thẳng thắn. Ông cho rằng xây dựng bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán phải gắn với lòng tự trọng làm quan của từng người. Tất cả các nước thành công trong khu vực (Hàn, Nhật, Singapore…) đều tôn trọng các giá trị truyền thống, giữ được dáng dấp của một người làm quan rất đàng hoàng nhưng ở chúng ta thì còn hạn chế…

 Thẩm phán cần tránh trao đổi không chính thức với các bên và luật sư của họ, các cuộc gặp cần có triệu tập công khai và tiếp tại Tòa, tốt nhất nên quy định cụ thể hơn, ví dụ như: Nếu có nhu cầu cần thêm thông tin từ một đương sự, Thẩm phán phải triệu tập công khai đương sự đó đến Tòa và phải thông báo để các bên còn lại cùng biết; tuyệt đối không được tiếp đương sự một cách phi chính thức ngoài trụ sở Tòa án.

Bộ quy tắc này cũng là cầu nối giữa ứng xử đạo đức và quy phạm pháp luật, dựa vào đó để người thẩm phán tự soi đức độ của mình; nó được thực thi chủ yếu dựa vào lòng tự trọng, tự xấu hổ và tự kiềm chế, khi vi phạm sẽ bị lên án hoặc tẩy chay.

Việc hành xử không thiên vị, khách quan là điều cần có của một Thẩm phán. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán phải tự soi vụ án nào xung đột với mình hay không. Ví dụ như anh xử một vụ về chính công ty mà anh có cổ phần, nếu thấy nguy cơ không thể xét xử công bằng được thì phải báo cáo.

PGS.TS Hoàng Thế Liên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng với tư cách là Bộ quy tắc đạo đức, cần mang tính yêu cầu, hướng dẫn, khuyến nghị là chủ yếu. Không nên quy định trách nhiệm này, nghĩa vụ kia mà nên thể hiện theo hướng: việc gì Thẩm phán cần làm, việc gì không nên làm, việc gì nên tránh; trong các mối quan hệ nên xử sự như thế nào cho phù hợp với chuẩn mực của chức danh tư pháp cao quý là Thẩm phán. Cũng không nên có những quy định mang tính bắt buộc mà nên đề cao tính ràng buộc bởi nghề nghiệp. Đã vào nghề Thẩm phán thì buộc phải chấp nhận những ràng buộc, thậm chí những hạn chế vì nghề, rất tự nhiên và tự nguyện.

 PGS.TS Trần Văn Độ – Nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, nên quy định Thẩm phán không được nhận quà biếu và lợi ích khác liên quan đến địa vị của mình; mà không giới hạn trong việc làm hay không làm một việc cụ thể. Ngoài năng lực, trình độ, Thẩm phán cần có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, dũng cảm ra phán quyết khi đúng đắn và thừa nhận sai sót nghề nghiệp của mình để tránh oan, sai, bảo vệ lẽ phải, công lý. Cũng nên chăng quy định lòng trắc ẩn, tính cảm thông, nhân đạo như là một phẩm chất của Thẩm phán. Thiếu những phẩm chất này phán quyết của Thẩm phán dễ khô cứng, được lý nhưng sẽ thiếu tình trong những trường hợp cần thiết.

Ông Trần Văn Độ trăn trở: Liêm chính của công chức, đặc biệt là của Thẩm phán là rất quan trọng; lương của Thẩm phán phải rất cao thì người ta mới độc lập được.

“Liêm chính phải được xây dựng và nuôi dưỡng. Nếu Nhà nước không nuôi dưỡng tốt thì dễ đương sự nuôi dưỡng lắm!”.  Dự thảo quy định Thẩm phán được viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác theo quy định của pháp luật nhưng tổng thu nhập của những hoạt động này không được vượt quá tổng lương và các phụ cấp của Thẩm phán, TS. Phạm Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, mục đích của quy định này là để Thẩm phán phải toàn tâm, toàn ý vào nhiệm vụ của Thẩm phán là chính, những hoạt động không thuộc nhiệm vụ của Thẩm phán không được ảnh hưởng đến hoạt động chính của Thẩm phán. Quy định này là cần thiết, nhưng không nên quy định lấy tổng thu nhập của những hoạt động khác làm thước đo để hạn chế Thẩm phán không được làm những việc khác không phải nhiệm vụ của Thẩm phán, vì quy định này vừa không phù hợp với thực tiễn và không có tính khả thi.

**

Phát biểu kết luận hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu; các ý kiến đóng góp đều mang tính xây dựng, có chất lượng, thể hiện chiều sâu, nội hàm của đạo đức Thẩm phán. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giao cho Vụ Pháp chế – Quản lý khoa học và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán để trình lãnh đạo TANDTC ban hành.

 

MINH KHÔI