Tiếp tục xử lý các hành vi tung tin sai về dịch bệnh Covid-19

Những ngày qua, toàn xã hội đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16 CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó, còn không ít những cá nhân không chấp hành các quy định cản trở công tác phòng chống dịch.

Cụ thể, nhiều cá nhân đã không tuân thủ các quy định về dãn cách xã hội, vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; tụ tập đua xe, đánh bạc, thậm chí còn có hành động chống người thi hành công vụ. Đặc biệt là hành vi lợi dụng mạng xã hội tung tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, trên phạm vi cả nước, cũng như tại mỗi địa phương.

Quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ, với sự vào cuộc khẩn trương của Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hầu như tất cả những đối tượng tung tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm trục lợi đều bị phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm. Có lẽ, đây là thời gian các vi phạm về việc không chấp hành quy định của Luật An ninh mạng được xử lý nhanh chóng nhất. Kết quả này chính là sự khẳng định mạnh mẽ hiệu lực của Luật An ninh mạng (được Kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV,thông qua ngày 12/6/2018) trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao.

Một trang Facebook lợi dụng logo của BHXH Việt Nam thu mua sổ BHXH của người lao động

Sự vào cuộc khẩn trương, nhanh chóng tìm ra thủ phạm của các cơ quan chức năng còn là sự cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với các cá nhân có hành vi sử dụng thông tin mạng như một công cụ để gây nhiễu loạn xã hội. Đã đến lúc cần phải hiểu rằng, thông tin trên mạng xã hội không còn là ảo nữa, bởi hậu quả từ những thông tin ấy sẽ gây tác động xấu đến người khác, đến cơ quan, tổ chức và xã hội. Ví dụ, tại Bình Dương và một số tỉnh khu vực phía Nam vừa qua, các đối tượng lập trang Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương để tổ chức thu mua sổ BHXH của người lao động đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhằm trục lợi.

Theo quy định của pháp luật, việc mua bán, cầm cố sổ BHXH của người lao động dưới mọi hình thức đều là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này không chỉ làm phương hại đến quyền lợi của người lao động, mà còn phá hoại chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay sau khi phát hiện, BHXH tỉnh Bình Dương đã gửi công văn đến Công an, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đề nghị xác minh, ngăn chặn các hành vi giả mạo nói trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức mạo danh cơ quan nhà nước trên không gian mạng nhằm trục lợi.

Bằng những biện pháp nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng sự phối hợp của Sở Thông tin-Truyền thông, vụ việc đã nhanh chóng được tìm ra. Hai đối tượng là Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (cùng sinh năm 1990, quê Bình Định), ngụ tại quận 12, TP. HCM đã được triệu tập để làm rõ hành vi mạo danh cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương, thu mua sổ BHXH trục lợi bất chính.

Việc phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc hành vi thu gom sổ BHXH là điều hết sức cần thiết, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH và đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

YẾN NHI