Tiếp xã giao Tổng thư ký tòa trọng tài thường trực (PCA)

Sáng ngày 16/11, tại trụ sở TANDTC, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn chủ trì tiếp xã giao Ngài Marcin Czepelak, Tổng thư ký tòa trọng tài thường trực (PCA).

Toàn cảnh buổi xã giao Ngài Marcin Czepelak, Tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA)

Tòa trọng tài thường trực Permanent Court of Arbitration (viết tắt là PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 121 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. PCA được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 (Công ước 1899) và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907 (Công ước năm 1907).

Từ khi thành lập đến nay, tòa trọng tài thường trực ở La Haye giúp giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình. Xét về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quốc tế, tòa trọng tài thường trực có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác

Nhiệm vụ chính của PCA là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và giữa các quốc gia và pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư quốc tế bằng trọng tài hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác. Thực chất, PCA là một cơ chế cho phép thiết lập các hội đồng trọng tài riêng lẻ để giải quyết các tranh chấp theo yêu cầu của các bên.

Ngoài trụ sở chính tại La Hay, Hà Lan, PCA hiện có 4 văn phòng đại diện tại các quốc gia, khu vực trên thế giới, bao gồm: Buenos Aires (Argentina), Mauritius, Singapore và Vienna (Áo). Văn phòng đại diện tại Hà Nội sẽ là văn phòng thứ năm ngoài trụ sở chính của PCA và là văn phòng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Ngài Tổng thư ký PCA ông Marcin Czepelak

Từ khi thành lập đến nay, hoạt động và vai trò của PCA đã tăng lên đáng kể trong việc tạo thuận lợi cho các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, vùng biển, kinh tế - đầu tư, thông qua giới thiệu trọng tài viên, thu xếp địa điểm tranh tụng, xét xử; cung cấp ban thư ký cho Hội đồng trọng tài, giới thiệu các chuyên gia kĩ thuật hỗ trợ Hội đồng trọng tài và dự thảo phán quyết…

Số lượng vụ việc tranh chấp được PCA hỗ trợ giải quyết tăng rất nhanh, đặc biệt là trong những năm gần đây. PCA đóng vai trò ban thư ký, hỗ trợ một số vụ trọng tài liên quan đến tranh chấp song phương về vùng biển giữa một số quốc gia, trong đó có vụ trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông.

Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, PCA ngày càng phát huy vai trò và được các nước tin tưởng, thúc đẩy hợp tác; số vụ việc từ khu vực này chiếm đến 40% số vụ việc hiện nay của PCA. PCA đóng vai trò ban thư ký hỗ trợ vụ trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông, tạo thuận lợi để hội đồng trọng tài kịp thời đưa ra phán quyết ngày 12/7/2016 có ý nghĩa quan trọng, đã đề cao tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được đông đảo cộng đồng quốc tế hoan nghênh, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của các nước liên quan ở Biển Đông.

PCA thực hiện ba chức năng chính, bao gồm: Chỉ định các trọng tài viên, hòa giải viên trong các tranh chấp quốc tế theo yêu cầu. Vì vậy, PCA có mạng lưới toàn cầu các chuyên gia pháp lý quốc tế hàng đầu từ các cựu thẩm phán quốc tế, các giáo sư luật nổi tiếng hoặc danh sách các trọng tài viên PCA do các nước cử, trong đó có ta.

Đóng vai trò ban thư ký cho các hội đồng trọng tài, hội đồng hòa giải quốc tế. Các luật sư của PCA đang hỗ trợ khoảng 200 hội đồng trọng tài; trong đó riêng năm 2021 có 40 vụ kiện mới; đây đều là đội ngũ chuyên gia lâu năm trực tiếp tham mưu cho các trọng tài viên, hòa giải viên về các quy trình thủ tục và các án lệ về giải quyết tranh chấp quốc tế.

Thụ lý tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và giữa các quốc gia và pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư quốc tế. PCA đặc biệt có kinh nghiệm về thủ tục trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS với 10 vụ (như trọng tài Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines; các vụ kiện giữa Ukraina và Nga..). Đa số các tranh chấp giữa nước ta và các nhà đầu tư nước ngoài đều do PCA hỗ trợ.

PV