Hàng ngàn bằng lái xe, thẻ BHYT đã được cấp đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Sau 4 ngày khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập, 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên mạng.
Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 với 9 bộ, ngành vào sáng 13/12.
Ông Dũng cho biết, đến 16h ngày 12/12, tức là sau 4 ngày khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập với 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý. Trong đó, có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại thẻ BHYT do bị hỏng, mất.
“Đây là sản phẩm ban đầu, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục làm giàu dữ liệu, đưa thêm các dịch vụ công khác vào tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia như khai bổ sung hồ sơ hải quan, kê khai thuế doanh nghiệp…” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ảnh minh họa
Cổng dịch vụ công quốc gia vừa được Chính phủ khai trương ngày 09/12, bước đầu đưa 8 dịch vụ công vào áp dụng. Trong đó, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. 3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là 2 tiện ích nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp và tiện ích thanh toán tiền điện.
Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh có thêm dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội có dịch vụ đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; Quảng Ninh, Hải Phòng thêm dịch vụ đăng ký khai sinh. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trung bình hằng năm có khoảng 2,6 triệu hồ sơ cấp lại thẻ BHYT. Khi thực hiện dịch vụ Công trực tuyến sẽ giảm thời gian 1 ngày làm việc với 4 lượt đi lại cho thủ tục này. Từ đó, chi phí tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận