Tính lãi suất tranh chấp vay tài sản đến thời điểm yêu cầu khởi kiện hay đến ngày xét xử ?
Đối với các vụ án tranh chấp vay tài sản ngoài việc xem xét số tiền vốn vay thì yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là một trong những vấn đề khá phức tạp, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ trình bày thời điểm yêu cầu tính lãi của nguyên đơn đối với bị đơn là đến thời điểm yêu cầu khởi kiện hay đến ngày xét xử.
Ngày 5/1/2019 ông A cho ông B vay 100.000.000 đồng lãi suất thỏa thuận 1,5%/tháng, thời hạn vay 1 năm đến hạn ngày 5/1/2020 ông B không trả tiền nên ngày 5/6/2020 ông A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu ông B trả vốn 100.000.000 đồng và lãi suất theo thỏa thuận 1,5%/tháng tạm tính từ ngày 6/1/2020 đến ngày 5/6/2020 là 7.600.000 đồng và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ, đến ngày 5/8/2020 Tòa án mở phiên tòa xét xử.
Như vậy nếu có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A thì Tòa án buộc ông B trả cho ông A là số tiền lãi tạm tính đến ngày ông A khởi kiện 5/6/2020 và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ hay Tòa án yêu cầu ông A tính lãi đến ngày xét xử là ngày 5/8/2020 để Tòa án quyết định trong bản án tuyên buộc ông B trả vốn và lãi cho ông A đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận kể từ ngày xét xử đến khi thi hành án xong. Hiện tại có nhiều quan điểm để giải quyết vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án tuyên trong bản án chấp nhận yêu cầu của ông A, buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày khởi kiện 5/6/2020 và tiếp tục tính lãi đến khi ông B trả hết nợ.
Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ hỏi ông A yêu cầu tính lãi theo đơn khởi kiện hay tính lãi đến ngày xét xử 5/8/2020, nếu ông A yêu cầu tính lãi theo đơn khởi kiện thì sẽ giải quyết theo quan điểm thứ nhất, nếu ông A yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử thì Tòa án yêu cầu ông A tính số tiền lãi đến ngày xét xử là bao nhiêu để xem xét chấp nhận yêu cầu của ông A buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi kể từ ngày xét xử đến khi ông B trả hết nợ.
Quan điểm thứ ba: Tại phiên tòa HĐXX yêu cầu ông A tính lãi đến ngày xét xử yêu cầu số tiền lãi là bao nhiêu để HĐXX xem xét quyết định trong bản án buộc ông B trả vốn và lãi đến ngày xét xử 5/8/2020 và tiếp tục tính lãi kể từ ngày xét xử đến khi ông B trả hết nợ.
Căn cứ tại các khoản 2 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định:
2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).
Điều 6. Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả
1. “Thời điểm xét xử sơ thẩm” hướng dẫn tại Nghị quyết này là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.
2. “Thời điểm trả nợ” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5 Nghị quyết này là thời điểm xét xử sơ thẩm.
Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án
1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:
a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Quan điểm thứ tư: Nếu tại phiên tòa ông A yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử thì đây là yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông A vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên HĐXX không chấp nhận.
Theo tác giả, quan điểm thứ ba là có cơ sở bởi vì trong đơn khởi kiện ông A đã thể hiện đầy đủ mức lãi suất, thời gian tính lãi và yêu cầu tính lãi là đến khi ông B trả hết nợ nhưng do ngày khởi kiện là ngày 05/01/2020 nên ông A chỉ tạm tính lãi được đến ngày 05/01/2020, ông A không biết thời gian Tòa án mở phiên tòa nên không tính được số lãi đến ngày xét xử. Tại phiên tòa ông A có quyền yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử mà không phải là yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông A vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu vì trong đơn khởi kiện ông A đã có yêu cầu tính lãi đến khi ông B trả hết nợ, đến ngày mở phiên tòa thì ông B chưa trả nợ cho ông A. Nếu có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A thì HĐXX phải yêu cầu ông A tính số tiền lãi đến ngày xét xử để HĐXX xem xét quyết định trong bản án.
Mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Tòa án nhân dân Quận 7 TPHCM xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Thanh Đông/ BTN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Phong
03:04 27/12.2024Trả lời