Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới vì virus corona
Trong cuộc họp báo sáng 31/1 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
Đợt bùng phát dịch chưa từng có
Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003.
Tính đến 23g30 ngày 30/1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines. Mỹ cũng vừa phát hiện ca nhiễm đầu tiên, bệnh nhân là chồng của một phụ nữ vừa trở về từ thành phố Vũ Hán.
Số liệu mới nhất cho biết bên ngoài Trung Quốc, hiện có tám trường hợp bị nhiễm từ người sang người, là tại Việt Nam, Đức, Nhật và Mỹ.
Vào ngày 31/1, một chuyến bay chở 150 người Anh và 50 công dân EU, đa số là dân Tây Ban Nha, sẽ rời khỏi Vũ Hán, Trung Quốc. Dự kiến các công dân Anh này sẽ được đưa tới cách ly trong 14 ngày ở một bệnh viện khi về Anh.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva rằng trong những tuần gần đây đã xảy ra đợt bùng phát dịch chưa từng có và cách đáp ứng cũng chưa từng có từ trước đến nay. Vẫn theo lời ông, quan tâm lớn nhất là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.
Công bố của WHO về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước. Công bố này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu việc lây lan bệnh dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, dù xác định đây là “tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế”, nhưng WHO cho rằng không có lý do ra lệnh cấm đi lại toàn cầu.
Các trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh việc tuyên bố viêm phổi do virus nCoV là “tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế” nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng ứng phó.
Tuyên bố khẩn cấp quốc tế của WHO được gửi cho các nước thành viên LHQ mà WHO đánh giá đang có tình trạng nghiêm trọng. Các nước này sẽ quyết định có đóng cửa biên giới, hủy bay, khám người tại sân bay và các biện pháp khác hay không.
“Dù những con số này [số ca lây nhiễm và tử vong] còn khá nhỏ… nhưng chúng ta phải cùng nhau hành động ngay bây giờ để hạn chế lây lan” – ông Tedros diễn giải rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu như một biện pháp cảnh báo.
Ủy ban khẩn cấp hoan nghênh một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp tới Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ WHO này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình, cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.
WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật để đánh giá mức độ bùng phát trên toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương. Các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vaccine tiềm năng, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.
Đây là lần thứ 6, WHO tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu.
Trước đó, WHO chỉ mới từng 5 lần tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu bao gồm:
Cúm A/H1N1, 2009, làm chết hơn 200.000 người trên thế giới.
Bệnh bại liệt, 2014
Virus Zika, 2016: Khi đó, virus Zika lây lan tại nhiều nước ở châu Mỹ.
Ebola, 2014 và 2019: Dịch Ebola từng hai lần được WHO tuyên bố là “trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu”. Giai đoạn 2014 tới 2016, hơn 11.000 người chết ở Tây Phi. Năm ngoái, bệnh này lây lan ở Congo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận