Tòa án cần đẩy mạnh giám sát, hỗ trợ các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án

Đây là ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) góp  ý vào báo cáo của Chánh án TANDTC, phát biểu tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về các báo cáo tư pháp, ngày 08/11/2022.

Nước ngoài đánh giá rằng trọng tài Việt Nam chưa phát triển

Đại biểu cho rằng báo cáo công tác của Chánh án chưa đề cập đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án trong việc giám sát, hỗ trợ việc thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác như là trọng tài, hòa giải trong nền kinh tế nước ta.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, bên cạnh các yếu tố thời gian và chi phí của các thủ tục trọng tài tại Tòa án thì sự phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác như trọng tài, hòa giải là một trong những tiêu chí được dùng để đánh giá về chỉ số thực thi hợp đồng. Mà chỉ số thực thi hợp đồng là thành tố quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh trong một nền kinh tế. Trong những năm qua, chỉ số thực thi hợp đồng của Việt Nam luôn xếp hạng ở thứ hạng trung bình mặc dù đã có rất nhiều những nỗ lực để cải thiện chỉ số thực thi hợp đồng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong những năm tới, bên cạnh việc nâng cao năng lực của hệ thống Tòa án thì việc tăng cường các thiết chế hòa giải, trọng tài trong nền kinh tế giữ một vai trò quan trọng. Xu thế hiện nay là sử dụng trọng tài và hòa giải thương mại cho các tranh chấp kinh doanh. Nhiều các dự án cơ sở tầng trọng điểm của Nhà nước ta có yếu tố nước ngoài, bao gồm vốn vay nước ngoài, nhà thầu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thì một phần lớn được đưa thẳng tới phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nước ngoài. Lý do là bởi đối tác nước ngoài đánh giá rằng trọng tài Việt Nam chưa phát triển.

Theo đại biểu, Đảng ta đã có chủ trương, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh sử dụng phương thức trọng tài. Trong quy định của Luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án Việt Nam chính là cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ và giám sát các thủ tục trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị ngành Tòa án quan tâm tới việc xây dựng các án lệ về trọng tài, giúp hướng dẫn các Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc vì trọng tài có hiệu quả hơn. Thực hiện công tác tổng kết việc giám sát và hỗ trợ cho hoạt động của trọng tài trong toàn bộ hệ thống Tòa án để phát huy các thực tiễn tốt, ủng hộ trọng tài và xử lý các vấn đề còn tồn tại như thiếu nhất quán trong các quyết định của tòa án với trọng tài.

Cần xem xét phương án điều hướng xử lý các việc về trọng tài từ các tòa án về các tòa án thành phố trực thuộc Trung ương thay vì cho phép tất cả các tòa án các tỉnh thực hiện các việc về trọng tài, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến trọng tài mà xử lý các tranh chấp quốc tế.

Sẽ hỗ trợ trọng tài kinh tế với các vấn đề cạnh tranh thương mại

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung trong Báo cáo công tác của ngành, cụ thể về vấn đề nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, tăng cường hiệu quả việc triển khai các phiên tòa trực tuyến, việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ, giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, nâng cao chất lượng xét xử...

 

Các đại biểu tại Hội trường

Về nội dung hỗ trợ trọng tài kinh tế để nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài kinh tế, Chánh án TANDTC nhấn mạnh, theo quy định, đây không phải là nội dung phải có trong báo cáo công tác hàng năm, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, TANDTC sẽ phối hợp tốt với trọng tài kinh tế, VCCI để đánh giá lại vấn đề này, hỗ trợ trọng tài kinh tế với các vấn đề cạnh tranh thương mại.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu - Ảnh: Qh.vn

BẢO THƯ