
Triển khai nhiều giải pháp đột phá, khoa học và chuyên nghiệp trong thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại hai cấp TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(TCTA) - Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu luật pháp luật giúp giải quyết, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức; giảm tải áp lực đối với công tác xét xử và công tác thi hành án… Tuy nhiên, thực tiễn thi hành trong thời gian qua, tác giả nhận thấy việc triển khai, thi hành còn chưa đồng bộ, số lượng giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trình tự, thủ tục của Luật HGĐT còn chưa cao. Để phát huy vai trò của Luật HGĐT trong quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp tại Tòa án, tác giả phân tích giải pháp đột phá, khoa học và chuyên nghiệp trong thực tiễn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1. Khái quát, đặc điểm tình hình
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không và đường thủy. Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng diện tích khoảng 1.980,8 km², có số dân hơn 1.112.900 người. Trong thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và các tranh chấp phát sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ phức tạp, nhất là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán, hôn nhân và gia đình...
Tổng số biên chế toàn hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh tính đến 31/12/2024 là 206/224 (cấp tỉnh là 54/59 biên chế, cấp huyện là 152/165 biên chế); trong đó số biên chế Thẩm phán cấp tỉnh là 19/20, cấp huyện 97/98 (còn thiếu 02 Thẩm phán) gồm: 01 Thẩm phán cao cấp, 36 Thẩm phán trung cấp, 79 Thẩm phán sơ cấp, 72 Thẩm tra viên, Thư ký và 18 công chức khác. Công tác phối hợp của cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để nâng cao số lượng giải quyết án, sau khi Luật HGĐT (Luật HGĐT) có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan; phổ biến, tuyên truyền Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp, yêu cầu dân sự và khiếu kiện hành chính tại Việt Nam cho thấy, hòa giải, đối thoại có vai trò đặc biệt quan trọng. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành sẽ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dự luận[1]. Kể từ ngày Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật HGĐT) được thi hành, hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những giải pháp công tác đột phá, khoa học và chuyên nghiệp đã triển khai thi hành, nhằm đảm bảo công tác giải quyết án.
2. Các giải pháp công tác đột phá, khoa học và chuyên nghiệp đã triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Hiện nay, việc hòa giải, đối thoại được thực hiện cả trong tố tụng và ngoài tố tụng với nhiều cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện. Việc thực hiện hòa giải, đối thoại đã mang nhiều kết quả tích cực, rất nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã được hòa giải thành, đối thoại thành. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, số vụ việc về dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án ngày càng tăng, trở thành áp lực cho Tòa án. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có cơ chế hòa giải, đối thoại mới, gắn hoạt động hòa giải, đối thoại với Tòa án và huy động nguồn lực có kiến thức, kinh nghiệm của xã hội tham gia thì việc hòa giải, đối thoại sẽ tốt hơn[2]. Sau khi Luật HGĐT có hiệu lực thi hành, TAND tối cao đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật HGĐT; cụ thể: Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên; Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên và giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở hướng dẫn của TAND tối cao và sự chỉ chỉ đạo của TAND cấp trên, đơn vị đã tiến hành các giải pháp đột phá trong công tác giải quyết án thông qua thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật HGĐT.
Thứ nhất, quan tâm đến công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Trên cơ sở quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên (Gọi chung là Hòa giải viên), TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo cho các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tiến hành làm hồ sơ để Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bổ nhiệm. Tính đến năm 2024, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bổ nhiệm Hòa giải viên là 27 (Trong đó có 21 người người bổ nhiệm lại và 6 bổ nhiệm mới) tại các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Gọi chung là Trung tâm), các đơn vị có Hòa giải viên được bổ nhiệm đã phân công 1 đồng chí Phó Chánh án, 01 Thẩm phán có nhiệm vụ phụ trách Trung tâm. Hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã bố trí phòng làm việc, máy tính, văn phòng phẩm, bàn ghế, cũng như lắp đặt bảng tên “Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” trước phòng làm việc tại tất cả hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước phòng làm việc của Trung tâm, đơn vị cũng đã gắn bảng nội quy làm việc, cung cấp các mẫu đơn khởi kiện, biểu mẫu tố tụng cho Hòa giải viên để họ thuận tiện trong quá trình làm việc. Tất cả Hòa giải viên được bổ nhiệm là những người đã từng công tác liên quan đến pháp luật, có tâm huyết, nhiệt huyết, giàu kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm sống, họ ở tâm thái mong muốn được tiếp tục cống hiến cho xã hội trong những hoạt động mang tính xã hội và nhân văn khi tham gia công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Do đây là thủ tục hòa giải, đối thoại mới nên các Hòa giải viên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi bắt đầu công việc. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo đơn vị, cùng Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thường xuyên trao đổi, động viên, khích lệ các Hòa giải viên trong công việc, cũng như tận tình hỗ trợ trong công tác chuyên môn liên quan đến thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Để các Hòa giải viên kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp. Đơn vị cũng tạo diễn đàn (Group) bằng các phần mềm điện tử như Zalo nhóm để Hòa giải viên trao đổi, phản ánh những khó khăn trong quá trình làm việc để Thẩm phán kịp thời hỗ trợ. Do số lượng Hòa giải viên bổ nhiệm chưa đầy đủ (cấp tỉnh bổ nhiệm 03 Hòa giải viên, còn thiếu 12 Hòa giải viên; cấp huyện bổ nhiệm 24 Hòa giải viên, còn thiếu 95 Hòa giải viên), trong khi số lượng án thụ lý qua từng năm tăng cao (năm 2024, Toà án nhân dân hai cấp chuyển qua hòa giải 1.917; đã tổ chức hòa giải 1.883 vụ việc; đã hòa giải thành 1.287 vụ việc, đạt tỷ lệ 68,35%; không hòa giải thành 87 vụ việc, chiếm 4,62%; ra quyết định công nhận hòa giải thành 739 vụ việc) nên các Trung tâm Hòa giải, đối thoại luân phiên thay nhau lên lịch làm việc, có sự phân công, phối hợp giữa các Hòa giải viên, trên cơ sở phát huy những kỹ năng, sở trường mà các Hòa giải viên từng công tác liên quan đến các loại vụ án được phân công. Các Trung tâm cũng phân công 01 Hòa giải viên làm tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý chung trong quá trình làm việc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các Hòa giải viên đã tích cực, trách nhiệm và tận tụy với công việc, đối với những đương sự tàn tật, hay do bệnh lý không đi lại được, các Hòa giải viên trực tiếp đến nhà đương sự làm việc, giúp đỡ.
Thứ hai, linh hoạt khắc phục những thủ tục tố tụng mà Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa ánchưa quy định
Luật HGĐT có hiệu lực pháp luật và được triển khai thi hành. Tuy nhiên, công tác lưu trữ hồ sơ vụ việc hòa giải, đối thoại, các loại sổ nghiệp vụ phục vụ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được ban hành, hướng dẫn kịp thời nên trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính các Hòa giải viên gặp không ít khó khăn. Để khắc phục điều này, các Hòa giải viên đã chủ động, linh hoạt khắc phục những biểu mẫu thủ tục tố tụng mà Luật HGĐT chưa quy định trên cơ sở bám sát các quy định của Luật HGĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, trong quá trình chờ hướng dẫn chi tiết các biểu mẫu về hòa giải, đối thoại như biểu mẫu Quyết định công nhận hoặc không công nhận hòa giải thành tại Tòa án… Hòa giải viên, cũng như Thẩm phán phụ trách đã nghiên cứu các quy định của Luật HGĐT để kịp thời ban hành các biểu mẫu phù hợp với quy định của Luật HGĐT. Công tác nhận hồ sơ đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đầu vào cũng được các Hòa giải viên linh hoạt trong khâu nhận và xử lý đơn nên đã khắc phục được những thủ tục tố tụng mà Luật HGĐT chưa quy định. Đối với những văn bản hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đơn vị thường xuyên cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của TAND tối cao và triển khai đến toàn thể các Hòa giải viên để Hòa giải viên nắm bắt kịp thời triển khai thi hành trên thực tế.
Thứ ba, công tác nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án phân loại các đơn thuộc trường hợp hòa giải, đối thoại để chuyển cho Trung tâm. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định ở Điều 19 của Luật HGĐT thì Tòa án tiến hành xem xét giải quyết đơn theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. Đối với các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo chưa đầy đủ thì Hòa giải viên sẽ trực tiếp liên hệ qua số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử mà đương sự cung cấp để yêu cầu đương sự khi đến Trung tâm làm việc sẽ cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ như đã yêu cầu.
Qua cách thức hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên trong quá trình giải quyết đơn khởi kiện của người dân, nhận thấy các Hòa giải viên phân tích cái đúng, cái sai, giải tỏa những bức xúc, từ đó đi đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử[3]. Theo phản ánh của người dân trên địa bàn, cũng như của người dân ở địa phương khác đến nộp đơn tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại, người dân rất hài lòng với sự nhiệt tâm, tận tụy của các Hòa giải viên. Cụ thể là sau khi làm việc tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại, họ nhận thấy thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, người dân rất tin tưởng và có niềm tin vào Hòa giải viên và hệ thống Tòa án. Bởi lẽ, khi hồ sơ khởi kiện hợp lệ người dân không phải đi lại nhiều lần, cơ chế hòa giải, đối thoại thân thiện, gần gũi, giải tỏa những áp lực cho các đương sự. Sau khi giải quyết xong vụ việc, các bên đương sự sẽ được Hòa giải viên gửi quyết định bằng đường bưu điện về địa chỉ cư trú mà họ cung cấp và không cần phải đi lại nhiều lần, tốn kém chi phí.
Thứ tư, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đối với Hòa giải viên
Các Hòa giải viên tại đơn vị là những người đã về hưu nên việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Mặc dù, công việc trước đây công tác liên quan đến pháp luật, tuy nhiên kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết các thủ tục tố tụng tại Tòa án còn mới mẻ đối với họ. Do đó, việc nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đối với Hòa giải viên là nhiệm vụ quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ việc. Vì vậy, đơn vị thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đối với Hòa giải viên thông qua nhiều hoạt động khác nhau như:
(1) Phát huy vai trò của Thẩm phán phụ trách Trung tâm trong việc hướng dẫn, giúp đỡ Hòa giải viên nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ. Theo đó, từng Thẩm phán phụ trách đã tận tình giúp đỡ, hỗ trợ Hòa giải viên nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; mạnh dạn giao việc cho Hòa giải viên và tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn;
(2) Tạo điều kiện thuận lợi để Hòa giải viên tự nâng cao năng lực chuyên môn. Theo đó, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, được trang bị tài liệu về kỹ năng nghiệp vụ và tin học.
Qua thời gian thi hành Luật HGĐT, năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của Hòa giải viên đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khả năng nghiên cứu hồ sơ vụ việc, nắm bắt đầy đủ và nhanh chóng về nội dung tranh chấp, các chủ thể liên quan đến tranh chấp, nguyên nhân của tranh chấp, những vấn đề mấu chốt của tranh chấp cần được giải quyết, tháo gỡ để giúp các bên đi đến được thỏa thuận, thống nhất.
Thứ hai, kỹ năng linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quá trình hòa giải, đối thoại, thể hiện ở việc sử dụng đa dạng cách thức hòa giải, như gặp gỡ từng bên, động viên, thuyết phục, đặt các câu hỏi logic để khai thác tâm lý, tình cảm của các bên; chủ động gặp gỡ các cơ quan, tổ chức có liên quan để hiểu thêm về nguồn gốc tranh chấp, tham khảo giá thị trường để xây dựng phương án hòa giải, đối thoại cho các bên.
Thứ ba, kỹ năng nhạy bén trong nắm bắt tâm lý các bên tranh chấp, đặc biệt là trong vụ án ly hôn, Hòa giải viên phân tích trên khía cạnh tình cảm gia đình, tình nghĩa vợ chồng để các bên nhận ra lỗi của mình đối với vợ/chồng, từ đó biết cảm thông, chia sẻ, hàn gắn quan hệ gia đình. Kết quả hòa giải đoàn tụ thành đối với tranh chấp hôn nhân là minh chứng rõ nhất về điều này.
Thứ tư, kỹ năng kiên trì trong hòa giải, đối thoại ở những vụ việc mà đương sự không hợp tác, không đến tham gia hòa giải, đối thoại; bằng sự kiên trì và tâm huyết của Hòa giải viên, cuối cùng, vụ việc cũng hòa giải thành, đối thoại thành.
3. Những kết quả đạt được trong công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá, khoa học giúp Hòa giải viên thấy được kết quả hoạt động của từng cá nhân; tạo động lực giúp Hòa giải viên phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; đạt kết quả cao hơn; tạo sự linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan vào các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Từ đó, Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua của năm 2024. Theo đó, Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2024 đã đã tổ chức hòa giải 1.883 vụ việc; đã hòa giải thành 1.287 vụ việc, đạt tỷ lệ 68,35%; không hòa giải thành 87 vụ việc, chiếm 4,62%; ra quyết định công nhận hòa giải thành 739 vụ việc. Với những kết quả đạt được, Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại một số đơn vị và các Hòa giải viên tại hai cấp Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khen thưởng trong công tác hòa giải, đối thoại.
4. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tại Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trong khi đó, các tranh chấp trong đời sống ngày càng có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và tính chất phức tạp. Việc giải quyết triệt để các tranh chấp như hiện nay đa số đều thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng tốn nhiều chi phí, thời gian, công sức của các chủ thể tham gia tố tụng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, đơn vị cần phát huy hơn nữa Luật HGĐT để giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức; giảm tải áp lực đối với công tác xét xử và công tác thi hành án. Để triển khai, thực hiện tốt Luật HGĐT trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Cần tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cho người dân biết và nắm rõ những quy định của Luật HGĐT. Đồng thời, khuyến khích và tạo cơ chế cho các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình bằng Luật HGĐT. Quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại là luôn được mong đợi rằng các bên sẽ lựa chọn để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình, trừ trường hợp không thuộc Luật HGĐT;
- Tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tin học, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên. Thường xuyên tạo điều kiện cho Hòa giải viên trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để nắm chắc các quy định của luật và các văn bản liên quan, đặc biệt là kỹ năng hòa giải về các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
5. Đề xuất nâng cao vai trò của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Hòa giải, đối thoại là hoạt động mang tính xã hội, tính nhân văn cao, tác động tích cực đến sự ổn định xã hội. Hòa giải gắn với Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp với nhiều ưu điểm, đã và đang được ưu tiên lựa chọn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Luật HGĐT có hiệu lực pháp luật sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao như Thẩm phán, các chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, luật sư, chuyên gia… đồng thời cho thấy vai trò hỗ trợ tích cực của Tòa án trong hòa giải, đối thoại. Trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, hòa giải, đối thoại giúp giảm đáng kể các vụ việc phải xét xử, giúp Tòa án tập trung nâng cao chất lượng xét xử những vụ việc có tính chất phức tạp[4]. Tuy nhiên, để triển khai, thực hiện tốt Luật HGĐT trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, công tác lưu trữ hồ sơ vụ việc hòa giải, biểu mẫu, các loại sổ nghiệp vụ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được ban hành, hướng dẫn đầy đủ nên việc ban hành các Văn bản theo trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được thống nhất với nhau. Do đó, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành các loại biểu mẫu, sổ sách phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu các mô hình về hòa giải, đối thoại gắn với Tòa án của các nước trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, cũng như đúc kết kinh nghiệm hòa giải, đối thoại trong thực tiễn thi hành để hoàn thiện pháp luật về Luật LHGĐT. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẽ với các nước trên thế giới cũng như trong khu vực, nhất là nước có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án để tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm học tập kinh nghiệm nhằm giúp cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt được hiểu quả cao hơn trong thực tiễn thi hành.
Thứ ba, cần tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, hoạt động triển khai luật trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết và nắm rõ những quy định của Luật. Đồng thời, khuyến khích và tạo cơ chế cho các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình bằng LHGĐT. Quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại là luôn được mong đợi rằng các bên sẽ lựa chọn để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của mình, trừ trường hợp không thuộc LHGĐT. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên. Thường xuyên trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thư ký, Hòa giải viên nắm chắc các quy định của luật và các văn bản liên quan, đặc biệt là kỹ năng hòa giải về các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Thứ tư, hiện nay số lượng các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà Tòa án thụ lý, giải quyết theo Luật HGĐT không nhiều so với tổng số lượng án mà Tòa án thụ lý, giải quyết, không ít trường hợp đơn khởi kiện khi nộp tại Tòa án thuộc trường hợp phải hòa giải, đối thoại theo Luật HGĐT. Tuy nhiên, một số Tòa án vẫn thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Dó đó, Tòa án nhân dân tối cao cần quán triệt tinh thần nội dung của Luật HGĐT cho Thẩm phán, Thư ký khi nhận hồ sơ khởi kiện.
Thứ năm, Tòa án cần lựa chọn người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Hòa giải viên theo quy định của luật để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Theo đó, cần tuyển chọn được đội ngũ Hòa giải viên có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Nguồn Hòa giải viên là những người có tín nhiệm cao trong xã hội như Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự; Luật sư, chuyên gia… có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư[5]. Để huy động được nguồn nhân lực này, Tòa án cần chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền về cơ chế, chính sách của LHGĐT để huy động nguồn lực này tham gia làm Hòa giải viên. Bên cạnh đó, việc chỉ định Hòa giải viên phù hợp với tính chất và loại tranh chấp, khiếu kiện trong vụ việc cụ thể cũng góp phần tạo nên thành công của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
[1] Nguyễn Hòa Bình, “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx, truy cập ngày 08/02/2025.
[2] Phạm Thị Hằng, “Bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – Những yếu tố then chốt”, https://tapchitoaan.vn/bao-dam-thi-hanh-hieu-qua-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-%C2%A0%E2%80%93-nhung-yeu-to-then-chot, truy cập ngày 20/4/2025.
[3] Trần Văn Vui, “Vai trò của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính”, Tạp chí TAND, Số 02/2022, tr. 21.
[4] Tạ Đình Tuyên, “Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1045102/view_content#, truy cập ngày 19/4/2025.
[5] Xem Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Hòa Bình, “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx, truy cập ngày 08/02/2025.
2. Phạm Thị Hằng, “Bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – Những yếu tố then chốt”, https://tapchitoaan.vn/bao-dam-thi-hanh-hieu-qua-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-%C2%A0%E2%80%93-nhung-yeu-to-then-chot, truy cập ngày 20/4/2025.
3. Trần Văn Vui, “Vai trò của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính”, Tạp chí TAND, Số 02/2022, tr. 21.
4. Tạ Đình Tuyên, “Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1045102/view_content#, truy cập ngày 19/4/2025.
Ảnh: Trụ sở TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận