Tòa án cần xác định thời điểm bắt đầu việc chấp hành hình phạt tù chung thân trong quyết định của bản án

Sau khi nghiên cứu bài viết “Tòa án có cần xác định thời điểm bắt đầu việc chấp hành hình phạt tù chung thân trong quyết định của bản án không?” đăng ngày 19/9/2023, của tác giả Hoàng Thùy Linh, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả.

Tôi nhất trí với quan điểm của tác giả là Tòa án cần xác định thời điểm bắt đầu việc chấp hành hình phạt tù chung thân trong quyết định của bản án. Bên cạnh, các trích dẫn và các căn cứ mà tác giả bài viết đã đề cập theo Điều 63 trong BLHS năm 2015, tôi xin bổ sung và làm rõ các vấn đề mà tác giả bài viết đặt ra như sau:

Mục 1 của Biểu mẫu số 2 ban hành kèm Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nội dung: Thời điểm bắt đầu chấp hành hình phạt tù chung thân là ngày… tháng… năm... (5)”

Đồng thời, Biểu mẫu số 2 tại phần Hướng dẫn sử dụng mẫu số 2 có đề cập: “(5) Ghi ngày bị tạm giữ nếu sau khi hết thời hạn tạm giữ thì tiếp tục bị tạm giam; ghi ngày bị bắt tạm giam nếu bị bắt tạm giam và đang bị tạm giam; ghi ngày bị bắt tạm giam sau cùng, nếu trước đó bị tạm giữ, bị tạm giam, nhưng sau đó được tại ngoại hoặc bỏ trốn và sau đó ghi: “(đã bị tạm giữ, bị tạm giam là…)” để tính thời gian đã chấp hành hình phạt làm căn cứ cho việc giảm xuống ba mươi năm tù.”

Như vậy, với hướng dẫn tại Biểu mẫu số 2 cùng với các quy định trong BLHS 2015 thì:

Thứ nhất, Tòa án cần xác định thời điểm bắt đầu việc chấp hành hình phạt tù chung thân trong quyết định của bản án. Vì đây là cơ sở để Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội và đây cũng là cơ chế về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước để giúp người phạm tội có động lực cải tạo tốt trong tại giam và có cơ hội tái nhập với cộng đồng, với xã hội. 

Thứ hai, thời điểm bắt đầu chấp hành hình phạt tù chung thân là ngày:

(1) bị tạm giữ nếu sau khi hết thời hạn tạm giữ thì tiếp tục bị tạm giam;

(2) bị bắt tạm giam nếu bị bắt tạm giam và đang bị tạm giam;

(3) bị bắt tạm giam sau cùng, nếu trước đó bị tạm giữ, bị tạm giam, nhưng sau đó được tại ngoại hoặc bỏ trốn và sau đó ghi: “(đã bị tạm giữ, bị tạm giam là…)”

Như vậy, thời điểm bắt đầu chấp hành hình phạt tù chung thân là ngày bị tạm giữ hoặc ngày bị bắt tạm giam (1 trong 03 trường hợp nêu trên) là cơ sở để tính thời gian đã chấp hành hình phạt làm căn cứ cho việc giảm xuống ba mươi năm tù.

Rất mong nhận sự phản hồi của quý độc giả.

 

TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu  xét xử vụ án “giết người” và tuyên phạt một bị cáo tù chung thân - Ảnh: Mạnh Quân

TRẦN VĂN TỪ