Tòa án có đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không?
Tiếp bài viết của tác giả về “Xác định thế nào là Tòa án “triệu tập hợp lệ” đương sự” đã đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 20/1/2021, trong bài này, tác giả sẽ bàn đến thời điểm Tòa án có quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có căn cứ nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan (điểm c khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
1.Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thời điểm Tòa án có quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tại khoản 1 Điều 217 quy định: “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây […]”. Và tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS cũng quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: […] c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”.
Tiến đến, điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: […] c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.
Và điểm a khoản 2 Điều 227 BLTTDS quy định: “a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật”.
Về thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tại Điều 219 BLTTDS quy định: “Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”.
2. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”.
Tiếp đến, Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-01-2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự cũng ban hành hai biểu mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án: 01 biểu mẫu dành cho giai đoạn chuẩn bị xét xử, chủ thể có thẩm quyền ký quyết định là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án; và 01 biểu mẫu dành cho giai đoạn tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa (thay mặt cho Hội đồng xét xử) là chủ thể có thẩm quyền ký quyết định.
Như vậy, quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đều thống nhất về thời điểm Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là: sau thụ lý, có thể trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên vấn đề hiện còn có quan điểm khác nhau là với căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án do “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” có thể được áp dụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không hay chỉ có thể là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm?
2.Quan điểm thứ nhất, căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS chỉ có thể là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm chứ không phải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm[1]
Người theo quan điểm này dựa trên các luận điểm như sau:
Thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS là quy định chung về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án. Khoản 1 Điều 217 nêu khái quát các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, không phải các căn cứ này đều có thể áp dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng tại Tòa án. Tùy thuộc vào các giai đoạn tố tụng khác nhau mà có thể có các căn cứ nhất định[2]. Căn cứ “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” được quy định cụ thể tại Điều 227 BLTTDS – Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, căn cứ này chỉ xuất hiện ở trong giai đoạn tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ hai, cụm từ “xét xử vắng mặt” là đang nói đến xét xử tại phiên tòa vì giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm chỉ là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện xét xử tại phiên tòa. Phiên tòa mới là nơi trực tiếp xét xử vụ án dân sự. Nhắc đến “xét xử” là nói đến tại phiên tòa. Do đó, “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” phải được hiểu là vắng mặt tại phiên xét xử, vắng mặt tại phiên tòa.
Nói cách khác, đối với căn cứ đình chỉ tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS đã quy định phạm vi của việc đình chỉ là “xét xử” tức là Tòa án phải triệu tập hợp lệ nguyên đơn hai lần để tham gia phiên xét xử mà nguyên đơn vẫn vắng mặt (không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) thì Tòa án mới được đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.[3]
Thứ ba, hậu quả pháp lý của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước, nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện lại vụ án (Điều 218 BLTTDS). Như vậy, để hạn chế tình trạng sau khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nguyên đơn tiếp tục khởi kiện lại và để bảo vệ tối đa quyền lợi của đương sự khi mà số tiền tạm ứng án phí sẽ được sung vào công quỹ thì Tòa án chỉ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai đến phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Tránh trường hợp Tòa án lạm dụng quy định này để đình chỉ giải quyết vụ án khi triệu tập hợp lệ nguyên đơn lần thứ hai vì bất cứ lý do gì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mà nguyên đơn vẫn vắng mặt (ví dụ như triệu tập nguyên đơn lấy lời khai, hoặc lý do chung chung như triệu tập nguyên đơn chỉ để giải quyết vụ án…).
3.Quan điểm thứ hai, căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS có thể áp dụng trong cả giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm[4]
Quan điểm này luận giải dựa vào các cơ sở sau.
Thứ nhất, xét về mặt lịch sử của pháp luật tố tụng dân sự quy định về đình chỉ giải quyết vụ án thì căn cứ “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt” luôn được ghi nhận là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm[5]. Thậm chí, tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 còn quy định căn cứ này trong điều luật về hòa giải. Cụ thể, “Điều 38. Hoà giải quy định: “[…] Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện được uỷ quyền của họ phải có mặt khi Toà án hoà giải. Nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu nguyên đơn có văn bản yêu cầu không tiến hành hoà giải hoặc đương sự không phải là nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án lập biên bản về việc hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử […]”.
Hay tại Điều 192 BLTTDS năm 2004 sửa đối, bổ sung năm 2011 quy định một trong những căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án là: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng”. Việc sử dụng khái niệm “đơn đề nghị giải quyết vắng mặt” thay vì “đơn đề nghị xét xử vắng mặt” như quy định của BLTTDS năm 2015 hiện nay có lẽ đã không dẫn đến cách hiểu không thống nhất về thời điểm Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Có thể nói, việc kế thừa (có phát triển) căn cứ nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đã cho thấy tầm quan trọng cũng như vị trí của căn cứ này. Thực tế, cho đến trước khi có BLTTDS năm 2015 hiếm có tranh cãi về thời điểm Tòa án có thể đình chỉ giải quyết vụ án khi xuất hiện căn cứ nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Dường như, việc BLTTDS năm 2015 thay đổi câu chữ trong căn cứ này (sử dụng khái niệm “đơn đề nghị xét xử vắng mặt” thay vì sử dụng khái niệm “đơn đề nghị giải quyết vắng mặt” như BLTTDS năm 2004 sửa đối, bổ sung năm 2011) đã dẫn đến những cách hiểu không thống nhất về thời điểm áp dụng căn cứ như đã trình bày ở trên.
Thứ hai, khoản 1 Điều 217 BLTTDS chỉ quy định thời điểm Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là sau thời điểm thụ lý. Quá trình tố tụng tại Tòa án được xác định bắt đầu từ thời điểm thụ lý vụ án dân sự cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. Quá trình này trải qua các giai đoạn tố tụng khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tại phiên tòa sơ thẩm. Như vậy, chỉ cần sau thời điểm thụ lý, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hay tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án đều có thể căn cứ vào việc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt để đình chỉ giải quyết vụ án.
Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 227 BLTTDS không loại trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS mà chỉ quy định cụ thể hơn trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Đối với trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì vẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngoài ra, xét về mặt kỹ thuật lập pháp, điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS có hai vế: Vế thứ nhất là người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; vế thứ hai là nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Vế thứ nhất áp dụng cho tất cả các giai đoạn tố tụng, bao gồm cả trước phiên tòa và tại phiên tòa. Xét về tính cân xứng giữa hai vế thì tương tự vế thứ hai cũng phải được áp dụng trong giai đoạn trước phiên tòa hay tại phiên tòa. Trường hợp, nhà làm luật muốn quy định căn cứ nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt chỉ là căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì đã có chủ đích và phải tách riêng hai vế hoặc quy định rõ ràng căn cứ này chỉ được áp dụng tại phiên tòa để tranh gây nhầm lẫn khi thi hành luật.
Thứ ba, kết cấu của điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS là thuộc giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Nhìn vào cơ cấu này thì Phần thứ hai – Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm bao gồm các chương: Khởi kiện và thụ lý vụ án; Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử; Phiên tòa sơ thẩm. Không phải ngẫu nhiên quy định về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án được đặt ở chương Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Điều này cho thấy Tòa án hoàn toàn có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm nếu có một trong các căn cứ quy định, trong đó có căn cứ nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
Thứ tư, xét địa vị tố tụng của nguyên đơn trong tố tụng dân sự. Nguyên đơn là một trong các đương sự của vụ án dân sự. Khoản 16 Điều 70 BLTTDS quy định: Đương sự “phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc”. Như vậy, khi nguyên đơn được Tòa án triệu tập, nguyên đơn có nghĩa vụ phải có mặt theo sự triệu tập của Tòa, nếu vắng mặt phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi.
Hơn nữa, so với các đương sự khác, nguyên đơn là chủ thể chủ động yêu cầu Tòa án giải quyết quyền lợi cho mình. Xuất phát từ vị thế đó, so với các đương sự khác, nguyên đơn càng cần phải chấp hành các yêu cầu của Tòa án nhằm giải quyết vụ án một cách thuận lợi, nhanh chóng. Nếu không có mặt theo sự triệu tập của Tòa án, nguyên đơn được coi là từ bỏ yêu cầu khởi kiện của chính mình. Pháp luật tố tụng dân sự cũng đã hết sức tạo điều kiện cho nguyên đơn ở việc quy định chỉ khi nào nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án mới đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Nguyên lý này cũng nên được áp dụng đối với các đương sự khác khi có yêu cầu (bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập…). Trường hợp những chủ thể này đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm) mà vẫn vắng mặt không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì coi như từ bỏ yêu cầu của mình. Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đó. Điều này sẽ tăng cường tính chủ động của các đương sự khi tham gia tố tụng. Tránh trường hợp đương sự lợi dụng những lỗ hổng của quy định pháp luật để kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Thứ năm, sự thay đổi về câu từ giữa đề nghị “xét xử” vắng mặt và đề nghị “giải quyết” vắng mặt là không đáng kể và quy định xét xử phải hiểu rằng đã bao hàm cả quá trình giải quyết vụ án và khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì đã đủ điều kiện Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án chứ không nhất thiết phải phân biệt ở giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án. Ngoài ra, Tòa án chỉ ra quyết định đình chỉ khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là đúng bởi lẽ nguyên đơn là người khởi kiện và có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của BLTTDS nhưng Tòa triệu tập hợp lệ mà vẫn cố tình không đến thì được xem như từ bỏ yêu cầu khỏi kiện của mình. Trong khi để đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án đã phải thực hiện rất nhiều thủ tục tố tụng, nếu làm theo quan điểm thứ nhất thì vụ án sẽ bị kéo dài trong khi không có sự hợp tác của chính người khởi kiện.[6]
Thứ sáu, nếu không cho phép đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trước phiên tòa sơ thẩm thì sẽ thiếu vắng “chế tài” đối với trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần hai trước phiên tòa sơ thẩm mà vẫn vắng mặt và điều này là vô lý.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thực hiện rất nhiều các hoạt động tố tụng nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm[7]. Một trong những hoạt động rất quan trọng của Thẩm phán đó là tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên họp này, các đương sự và Tòa án sẽ công bố công khai hầu hết các tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết vụ án, đồng thời Thẩm phán sẽ chủ trì cho các bên thực hiện hòa giải với nhau. Xuất phát từ tầm quan trọng của phiên họp này, pháp luật đòi hỏi tất cả các đương sự phải có mặt[8]. Vắng mặt một trong các đương sự có thể dẫn đến trường hợp “không tiến hành hòa giải được”[9].
Nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt tại phiên hòa giải thì đây được coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được. Vậy trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt tại phiên hòa giải thì giải quyết ra sao?
Có quan điểm cho rằng, trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt tại phiên hòa giải thì đây là trường hợp không tiến hành hòa giải được[10]. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 207 BLTTDS đã quy định rõ ràng chỉ có bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai đến phiên hòa giải mà vẫn cố tính vắng mặt mới là căn cứ không tiến hành hòa giải được. Do đó không thể áp dụng căn cứ này đối với nguyên đơn.
Khó có thể nói nguyên nhân mà BLTTDS không quy định nguyên đơn đã được Tòa án triệu hợp lệ lần thứ hai đến phiên hòa giải mà vẫn cố tính vắng mặt là căn cứ để Tòa án không tiến hành hòa giải được (như đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là do pháp luật “bỏ quên” nguyên đơn và cần phải áp dụng tương tự như quy định của pháp luật tố tụng hành chính[11]. Bởi vì, đương sự trong vụ án dân sự chỉ bao gồm ba chủ thể: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đã có quy định về “chế tài” khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập hợp lệ lần thứ hai đến phiên hòa giải mà vẫn cố tình vắng mặt thì không thể không quy định đối với nguyên đơn. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, so với các đương sự khác, nguyên đơn là chủ thể chủ động yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án mới có cơ sở để thụ lý và giải quyết vụ án.
Ngoài ra, quy định giữa Luật Hành chính năm 2015 và BLTTDS là hai phạm trù khác nhau, đương sự tham gia vào hai (02) quan hệ pháp luật này cũng khác nhau, bản chất tranh chấp khác nhau… Vì vậy, không thể lấy tố tụng hành chính áp dụng cho lĩnh vực tố tụng dân sự trong khi đã có quy định tại BLTTDS là không phù hợp[12].
Tóm lại, có cơ sở để cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 207 BLTTDS đã hoàn toàn loại trừ chủ thể nguyên đơn vì tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS đã quy định trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.
4.Kết bài
Do thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn có quan điểm khác nhau, tác giả kiến nghị cần có hướng dẫn thống nhất trong việc Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với căn cứ “nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có đơn đề nghị xét xử xét xử vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” theo hướng Tòa án có thể ban hành tại thời điểm trước phiên tòa sơ thẩm (giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm) và tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Tòa án nhân dân tối cao cần đồng thời có hướng dẫn về các trường hợp Tòa án được phép thực hiện việc triệu tập đương sự. Cần thiết phải có quy định mẫu văn bản “Giấy triệu tập” cho đương sự và ghi rõ nội dung của các mục – đặc biệt nội dung về lý do triệu tập phải được giải thích chi tiết[13]. Có như vậy mới đảm bảo việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này hợp lý và thuyết phục, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp hài hòa của tất cả các đương sự tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự./.
Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ xét xử dân sự - Ảnh: Hoài Hận
[1] Xem thêm Chu Xuân Minh (chủ biên) (2019), Hội thẩm và xét xử, NXB Tư pháp, tr. 129.
Đồng quan điểm này có thể kể một số bài viết:
[2] Tương tự như quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 BLTTDS là quy định khái quát về quyền, nghĩa vụ của đương sự. Nhưng không phải bất cứ đương sự nào trong bất cứ giai đoạn nào, tất cả các đương sự đều có quyền, nghĩa vụ như vậy. Mà tùy thuộc vào từng loại đương sự, tùy thuộc vào các giai đoạn tố tụng khác nhau mà đương sự có các quyền, nghĩa vụ nhất định.
[3]Xem nguồn:
[4] Đây chính là quan điểm của người viết và của một số tác giả của bài viết khác, xem thêm:
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-don-da-duoc-trieu-tap-hop-le-lan-thu-hai-ma-van-vang-mat-khong-thuoc-truong-hop-nhung-vu-an-dan-su-khong-hoa-giai-duoc.
[5] Khoản 3 Điều 46 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng”.
Điểm c khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 quy định: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt”.
Khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 quy định: “1- Trước khi quyết định mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện được uỷ quyền của họ phải có mặt khi Toà án hoà giải. Nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu nguyên đơn có văn bản yêu cầu không tiến hành hoà giải hoặc đương sự không phải là nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án lập biên bản về việc hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử”.
Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2004 quy định: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt”.
Điểm e khoản 1 Điều 192 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng”.
[6] Tham khảo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-don-da-duoc-trieu-tap-hop-le-lan-thu-hai-ma-van-vang-mat-khong-thuoc-truong-hop-nhung-vu-an-dan-su-khong-hoa-giai-duoc.
[7] Khoản 2 Điều 203 BLTTDS quy định:
“2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này”.
[8] Trừ trường hợp: “Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự” (khoản 3 Điều 209 BLTTDS).
[9] Điều 207 BLTTDS quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được bao gồm:
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”.
[10] Xem nguồn: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/nguyen-don-vang-mat-tai-hai-phien-hop-hoa-giai-thi-giai-quyet-the-nao.
[11] Tham khảo thêm tại https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/nguyen-don-da-duoc-trieu-tap-hop-le-lan-thu-hai-ma-van-vang-mat.
[12] Tham khảo https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-don-da-duoc-trieu-tap-hop-le-lan-thu-hai-ma-van-vang-mat-khong-thuoc-truong-hop-nhung-vu-an-dan-su-khong-hoa-giai-duoc.
[13] Xem thêm https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/xac-dinh-the-nao-la-toa-an-“trieu-tap-hop-le”-duong-su.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận