Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai công tác 2021

Ngày 13/01, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM; Đồng chí Trần Đức Dương - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cùng các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị TANDTC, Chánh án, Phó Chánh án TAND các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cùng lãnh đạo, Thẩm phán, công chức của đơn vị TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Ủy viên BCS Đảng, Phó Chánh án TANDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo năm 2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý để giải quyết, xét xử theo trình tự phúc thẩm 1.251 vụ án các loại, đã giải quyết và xét xử được 1.093 vụ, đạt tỷ lệ 87%. So với năm 2019, số lượng án thụ lý tăng 221 vụ (tỷ lệ 21%), số lượng án giải quyết, xét xử tăng 128 vụ (tỷ lệ 13%).Cũng trong năm 2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tiếp nhận 2.506 đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân cấp huyện và tỉnh trong khu vực.

  Năm 20202, Tòa án nhân cấp cao tại Đà Nẵng  được tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua Chính phủ”, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” cho 03 tập thể gồm: Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động. Có 08 đơn vị được Chánh án TAND tối cao tặng thưởng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, gồm: Tòa Hình sự, Tòa Hành Chính, Văn phòng, Phòng Giám đốc, kiểm tra 1; Phòng Giám đốc, kiểm tra 2; Phòng hành chính tư pháp; Phòng Tổ chức - cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; Phòng Kế toán - Quản trị.

Đồng chí Nguyễn Anh Tiến, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội nghị.

   Ngoài ra, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã quyết định tặng thưởng các tập thể và cá nhân khác đã lập thành tích xuất sắc trong công tác và tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tòa án và khen thưởng giai đoạn 2015-2020.

  Tại Hội nghị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2021: Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán, đặc biệt là việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Đảm bảo 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định; Chỉ tiêu giải quyết, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự đạt từ 90% trở lên, các vụ án dân sự từ 85% trở lên, các vụ án hành chính từ 65% trở lên; Phấn đấu công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt chỉ tiêu 60% trở lên, hạn chế đến mức thấp nhất việc đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị hoặc kháng nghị nhưng sau đó lại phải rút kháng nghị; Bảo đảm 100% bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phải đính chính, giải thích bản án. Bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng lựa chọn các vụ án đã thụ lý để phân công cho mỗi Thẩm phán làm chủ toạ ít nhất 01 phiên toà rút kinh nghiệm. Coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi Thẩm phán. Tùy tình hình thực tiễn, Lãnh đạo xem xét giao bổ sung chỉ tiêu này cho Thẩm phán. Thực hiện nghiêm các chủ trương lớn của hệ thống Tòa án nhân dân trong công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin và chuyển giao hồ sơ khi có công văn yêu cầu. Đảm bảo 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đủ điều kiện công khai đều được đăng tải đúng hạn trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. 

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện tốt việc đổi mới tổ chức các phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo tính uy nghiêm, thể hiện văn hoá pháp đình, sự tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và tôn trọng nội quy, trật tự phiên toà. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn. Kiên quyết khởi tố để yêu cầu điều tra nếu phát hiện tội phạm hoặc người phạm tội mới. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với công chức, người lao động trong đơn vị, Tiếp tục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Thực hiện nghiêm bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng để cán bộ, công chức và người lao động học tập, noi theo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tiến ghi nhận và biểu dương những thành tích của tập thể công chức TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã đạt được trong năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2021. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng xét xử, thông qua nghiên cứu Chỉ thị 01 của TANDTC; thực hiện 14 giải pháp hiệu quả. Xác định công tác đối thoại, hòa giải là nhiệm vụ hết sức cần thiết, cần được triển khai nghiêm túc trước, trong phiên tòa để rút ngắn thời gian đồng thời gian nâng chất lượng giải quyết vụ án. Tranh tụng tại tòa cần được thực hiện một cách triệt để, từ kết quả của tranh tụng để đi đến phán quyết. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của ủy ban Thẩm phán; tăng cường trao đổi, đối thoại giữa TAND cấp cao với lãnh đạo các Tòa án tỉnh, việc trao đổi thông tin đa chiều sẽ có nhiều thông tin hơn trước khi ra một phán quyết cuối cùng đúng đắn. Đồng chí Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến mong muốn tập thể TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, đồng thời đề nghị đơn vị khắc phục những hạn chế trong năm qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.

Ảnh: Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trao Cờ Chính Phủ cho tập thể lãnh đạo TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

LƯƠNG NGHIỆP - BẮC TRẦN