Tòa án nhân dân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945- 13/9/2022), Tạp chí TAND trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS Nguyễn Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư BCS Đảng- Chánh án TANDTC đánh giá những kết quả công tác nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian vừa qua và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hệ thống Tòa án nhân dân cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tòa án nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết. Để tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án đổi mới, sáng tạo, tích cực đẩy mạnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Các Tòa án đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XIII phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII được tiến hành nghiêm túc, sâu rộng, thường xuyên, đồng bộ, sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, năm 2022 các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

I. KHÁI QUÁT NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

1. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được bảo đảm, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã thụ lý 514.233 vụ việc, đã giải quyết được 365.499 vụ việc (đạt tỷ lệ 71,07%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các Tòa án đã tăng cường đổi mới thủ tục xét hỏi; nâng cao chất lượng và kỹ năng điều khiển tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan để khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm tăng cường tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nâng cao kỹ năng và trình độ nghiệp vụ trong xét xử… Các vụ án hình sự được giải quyết xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đã tạo được sự đồng thuận xã hội, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật. Các Tòa án đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật.

2. Xét xử nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ

Các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 2.815 vụ với 6.636 bị cáo; đã xét xử 2.055 vụ với 4.280 bị cáo phạm các tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm bảo đảm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 592 vụ, 1.390 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 1.700 tỷ và các tài sản khác. Kết quả xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ; các bị cáo bị xét xử đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục, khẩu phục, ăn năn, hối lỗi; đồng thời, đã kịp thời bảo đảm  tính nghiêm minh của pháp luật, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ đó, vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Tòa án là nơi thực hiện lẽ phải, sự công bằng và là cơ quan bảo vệ công lý.

3. Tăng cường, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại

Xác định nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các Tòa án đã chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị; tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại đối với 515 học viên là các Hòa giải viên tại 03 miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; góp phần tăng cường sự đồng thuận trong xã hội; giảm tải số lượng các vụ việc phải đưa ra xét xử, khắc phục tình trạng quá tải án, tạo điều kiện để Tòa án tập trung các nguồn lực nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử.

4. Chất lượng, hiệu quả xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật được nâng cao

Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực không ngừng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các dự án luật, pháp lệnh được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị đều có tính khả thi cao, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 23/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tháo gỡ vướng mắc thực tiễn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Công tác phát triển án lệ được chú trọng. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 09 án lệ (trong đó, có 04 án lệ được thông qua theo thủ tục rút gọn). Trong 10 tháng đầu năm 2022, có 53 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

5. Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hệ thống Tòa án nhân dân đã có những kết quả tích cực trong xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp cả về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức Thẩm phán không ngừng được nâng cao. Về trình độ chuyên môn, Tòa án nhân dân có 04 Phó giáo sư; 54 tiến sĩ, 2.494 thạc sĩ, 10.567 cử nhân và 266 trình độ khác. Về trình độ lý luận chính trị, có 2.168 người có trình độ cao cấp, 161 người có trình độ cử nhân, 4.272 người có trình độ trung cấp chính trị.

Đội ngũ Thẩm phán được đào tạo, tập huấn thường xuyên, định kỳ hằng tháng tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến, nội dung tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới, các vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng đã góp phần lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực sự có đủ đức, đủ tài, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền tư pháp nước nhà[1]. Công tác bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện đúng quy định, trong năm qua đã bổ nhiệm được 1.048 Thẩm phán, miễn nhiệm Thẩm phán đối với 05 trường hợp. Công chức trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán bảo đảm về chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất đạo đức, chính trị; công chức được bổ nhiệm đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ Thẩm tra viên và Thư ký Toà án là nguồn cơ bản của đội ngũ Thẩm phán, được đào tạo chính quy, được bồi dưỡng về nghiệp vụ xét xử, được bồi dưỡng các ngạch chức danh tư pháp[2], cũng như được rèn luyện tại Toà án nhân dân các cấp; đặc biệt là đội ngũ Thẩm tra viên của Toà án nhân dân tối cao, đa số là những người có kinh nghiệm lâu năm hoặc được tuyển lựa từ những Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp dưới, được đào tạo chính quy về chuyên môn, nghiệp vụ để giúp việc cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp được trưởng thành từ những Thẩm phán giỏi, có kinh nghiệm trong thực tiễn công tác chuyên môn, nghiệp vụ và có năng lực trong công tác lãnh đạo, quản lý, có bản lĩnh chính trị và khả năng quy tụ, đoàn kết.

6. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng trong Tòa án nhân dân tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên[3]. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các hoạt động, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tố giác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Các Tòa án đã công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm Thẩm phán, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các Tòa án nhân dân; công tác tuyển dụng cán bộ, công chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công khai và thực hiện đúng trình tự, thủ tục đối với công tác khen thưởng, kỷ luật, nâng lương định kỳ, nâng lương trước thời hạn; công khai các khoản thu, chi tài chính của đơn vị…

7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển không ngừng của công nghệ số đã và đang làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động của Tòa án để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; trang điện tử án lệ; phần mềm công bố bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; phần mềm đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử; hệ thống giám sát Thẩm phán... đã hỗ trợ Tòa án các cấp nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tính minh bạch của hoạt động tư pháp, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và thuận lợi cho công chúng.

Tòa án nhân dân tối cao đang đẩy mạnh xây dựng Tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án, với những định hướng cụ thể như: (1) Hướng tới thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; (2) Cung cấp các dịch vụ tư pháp công, nhằm phục vụ người dân tốt hơn; (3) Hỗ trợ Thẩm phán nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động; (4) Triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến; (5) Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; (6) Kết nối với các nền tảng số khác của quốc gia và các bộ, ngành, khác như Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nhân dân thường xuyên để tra cứu các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự phục vụ cho công tác chuyên môn; tích cực tham gia huấn luyện và làm giàu tri thức để giúp phần mềm ngày càng thông minh hơn; phối hợp với tập đoàn Viettel triển khai tập huấn và cung cấp tài khoản cho hơn 10.000 Thẩm phán, Thư ký, công chức Tòa án. Tính đến nay, tổng số lượt truy cập vào phần mềm là hơn 250.000 lượt; đã xây dựng chỉ dẫn áp dụng pháp luật đối với từng điều luật của hệ thống pháp luật; đã biên tập và đưa vào phần mềm hơn 1.300 câu hỏi về các tình huống pháp lý, 52 án lệ, 325 quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao,… và nội dung trả lời để phục vụ công tác xét xử cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án. Phầm mềm “Trợ lý ảo” đã nhận được phản hồi, đánh giá tích cực từ các Tòa án do thân thiện, dễ sử dụng, với đa dạng các hình thức tra cứu.

Các Tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới các thủ tục hành chính tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại Tòa án, tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp.

Công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử, thể hiện tính minh bạch của phán quyết, là một giải pháp đột phá trong minh bạch hoạt động xét xử của Tòa án, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử nhằm thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp. Đến nay, các Tòa án đã công bố được hơn 920.000 bản án, quyết định với 136 triệu lượt truy cập.

8. Tăng cường nghiên cứu, đề xuất định hướng cải cách tư pháp

Cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả, nghiêm túc những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để phục vụ cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Trong đó, chuyên đề đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân như xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp; hoàn thiện, đổi mới nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án…

Tòa án nhân dân tối cao cũng là đơn vị đầu tiên đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 08-KH/BCSĐ ngày 08/10/2021 để thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm việc nhân dân tham gia giám sát và thực hiện quyền làm chủ đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Kết quả nghiên cứu của Đề án được tích hợp vào kết quả nghiên cứu Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, đồng thời đánh giá kết quả nghiên cứu là cơ sở hết sức quan trọng cho việc đề xuất xây dựng dự án Luật Hội thẩm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đang chỉ đạo hoàn thiện Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Theo đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, nhằm bảo đảm tính pháp quyền, đồng bộ, thống nhất, tiến bộ, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp. Tòa án nhân dân tối cao cũng tích cực phối hợp với Bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu Đề án “Nghiên cứu, đề xuất định hướng mở rộng nguồn để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” do Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Kết quả nghiên cứu của Đề án này cũng là nguồn để Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tham khảo trong đề xuất chính sách về xây dựng và phát triển các chức danh tư pháp tại Tòa án nhân dân

9. Tổ chức tốt các phiên tòa xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội

Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết này góp phần thực hiện yêu cầu “Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” mà Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra. Đồng thời, thực hiện đúng định hướng phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “…đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia…”

Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân các cấp. Tính đến nay có tổng cộng 188 Tòa án (02 Tòa án nhân dân cấp cao; 44 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 142 Tòa án nhân dân cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 1.027 vụ án (hình sự 835 vụ, dân sự 46 vụ, hành chính 59 vụ, các loại án khác 87 vụ).

10. Tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống Tòa án

Các phiên tòa xét xử được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp với định hướng tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và thực hiện nguyên tắc tranh tụng. Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quyền năng pháp lý; những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của mình theo quy định của pháp luật. Những quy định mới của pháp luật về tranh tụng đã được các Thẩm phán nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn, xác định được tranh tụng là con đường đi đến công lý. Các hoạt động tố tụng tại phiên tòa được tiến hành bài bản hơn, phân định rạch ròi giữa Thẩm phán nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp với những chủ thể khác tại phiên tòa, bảo đảm tính trang nghiêm, thượng tôn pháp luật.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành quy định tranh tụng tại phiên tòa không bị hạn chế về thời gian, các ý kiến tranh tụng đều được ghi nhận, kết quả tranh tụng là cơ sở để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết. Qua tranh tụng và xét xử, Tòa án đã đưa ra nhiều kiến nghị không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước; từ đó góp phần thiết thực vào công tác quản lý, điều hành đất nước của các bộ, ngành liên quan.

II. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC TRONG THỜI GIAN TỚI

Những thành tựu của hệ thống Tòa án đạt được trong thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các Tòa án trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là cơ sở quan trọng để các xây dựng Tòa án nhân dân liêm chính, chuyên nghiệp, uy tín, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Để tiếp tục khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân và góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:

1. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội. Bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Chú trọng tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chính quy, chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy. Coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án là giải pháp then chốt, đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.

3. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý. Đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức xã hội.

4. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.

5. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắt đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời khen thưởng các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và nhân rộng điển hình tiên tiến để cán bộ, công chức noi theo.

6. Xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. Đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa. Đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống Tòa án nhân dân. Thực hiện tốt các phiên tòa xét xử trực tuyến. Xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử, phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành.

Tòa án nhân dân các cấp với truyền thống lịch sử vẻ vang, quý báu, bằng sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực không ngừng, cùng với sự động viên, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành cũng như các cấp chính quyền ở địa phương, hệ thống Tòa án nhân dân quyết tâm tiếp tục vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với bốn Thẩm phán TANDTC sau khi được bổ nhiệm, tháng 9/2021.

 

 

[1] Đã tổ chức 02 kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán đối với 719 người.

[2] Đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên cho 95 trường hợp, đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên chính cho 144 trường hợp, đào tạo nghiệp vụ Thư ký viên cho 322 trường hợp, đào tạo nghiệp vụ Thư ký viên chính cho 91 trường hợp

[3] Kế hoạch số 14-KH/BCS ngày 28/02/2022 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện công tác Phòng, chống tham nhũng của Tòa án nhân dân tối cao trong năm 2022

PGS. TS. NGUYỄN HÒA BÌNH -Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao