Toà án nhân dân tối cao lấy ý kiến đối với các Dự thảo Án lệ

Ngày 18/8, TANDTC tổ chức phiên họp lấy ý kiến đối với 8 dự thảo án lệ. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình dự chủ trì.

Cùng dự có Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng; các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC, lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC.

Trước đó ngày 02/6/2023, TANDTC đã tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn án lệ lấy ý kiến đối với 14 dự thảo án lệ. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo án lệ, xin rút 05 dự thảo án lệ (số 01, 05, 06, 09, 14). Tại phiên họp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lựa chọn, thông qua 08 dự thảo án lệ (số 02, 03, 04, 08, 10, 11, 12, 13) và cân nhắc 01 dự thảo án lệ (số 07).

 

Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình dự chủ trì phiên họp

 

Sau khi thảo luận, cho ý kiến đối với từng Dự thảo Án lệ, Hội đồng đã thống nhất lựa chọn các Dự thảo:

Dự thảo án lệ số 02 về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” trong tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/HS-GĐT ngày 04/10/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hình sự “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Văn N và đồng phạm)

Tình huống án lệ: Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.

Dự thảo án lệ số 03 về truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Mua bán người” (Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018 của TAND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Dương Thị T, Trần Ích C)

Tình huống án lệ: Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người”.

Dự thảo án lệ số 04 về việc định tội “Mua bán người” (Bản án hình sự phúc thẩm số 86/2022/HS-PT ngày 17/02/2022 của TANDCC tại Hà Nội về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C)

Tình huống án lệ: Bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài, sau đó bị cáo giao bị hại cho người khác để nhận tiền.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán người” mà không phải tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Tình huống án lệ này thể hiện thủ đoạn phạm tội khác trong tội “Mua bán người”, chưa được hướng dẫn cụ thể đối với thủ đoạn phạm tội này. Tình huống và giải pháp pháp lý nêu trên góp phần làm rõ quy định tại Điều 150 BLHS, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS; góp phần đấu tranh, xử lý các đối tượng có thủ đoạn phạm tội này.

 

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo án lệ số 08 về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/DS-GĐT ngày 18/3/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp thừa kế, đòi công sức đóng góp nuôi dưỡng, trông nom, bảo quản nhà, đất và đòi nhà, đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Túy H với bị đơn là bà Lý Lan H1; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người)

Tình huống án lệ: Người để lại di sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật. Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được Tòa án giải quyết sau thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 để giải quyết.

Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật.

Dự thảo án lệ số 12 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại đối với thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”; người yêu cầu là bà Đỗ Thị Mai T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH R)

Tình huống án lệ: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại.

Dự thảo án lệ số 13 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách (Quyết định giám đốc thẩm số 06/2022/LĐ-GĐT ngày 26/9/2022 của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án lao động “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Vương Quốc A với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn K Việt Nam)

Tình huống án lệ: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trong thời hạn hợp đồng, người lao động trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhưng việc ứng cử và trúng cử là không hợp lệ. Hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Toà án phải xác định người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đúng.

Dự thảo án lệ số 07 về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung (Quyết định giám đốc thẩm số 40/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của TANDCC tại Hà Nội về vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Đ với bị đơn là anh Phạm Ngọc H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người)

Tình huống án lệ: Trong vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho người còn lại.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị cho người còn lại.

Ảnh: Phiên họp lấy ý kiến đối với 08 dự thảo án lệ

VŨ PHONG