Tòa án nhân dân tối cao tiếp và trao đổi với đoàn Bộ Tư pháp Nhật bản về Bộ Luật Lao động

Chiều 23/4/2025, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Giám đốc Kiểm tra III chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế đã có có buổi tiếp và trao đổi với Đoàn công tác của Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản để trao đổi về pháp luật Lao động.

Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Đỗ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III; cùng dự có đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn,Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III; đồng chí Ngô Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế.

Về phía đoàn Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản có ông Takada Shinji, Luật sư, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương; ông Yoshinaga Keiji, Trưởng phòng Pháp chế Công ty hóa chất Sumitomo, Ủy viên Ban Nghiên cứu pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III đã bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn chuyên gia Ban Nghiên cứu pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao tại buổi làm việc

Hai bên tập trung thảo luận về các quy định của Bộ Luật Lao động 2019 còn quy định chưa cụ thể về vấn đề cho phép giám sát máy tính cá nhân, thư điện tử cá nhân của người lao động.

Hai bên cũng trao đổi về các điều kiện buộc người lao động phải thực hiện nghĩa vụ bảo mật, nghĩa vụ không được phép làm việc cho các doanh nghiệp đối thủ trong quá trình làm việc hoặc sau khi nghỉ việc.

Các trường hợp người sử dụng lao động có thể cho sa thải, thôi việc người lao động; và mức đề nghị bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động.

Hiện nay Ban Nghiên cứu pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương đang tiến hành nghiên cứu về pháp luật lao động

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam cũng đã giải đáp thắc mắc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật hiện hành, thông qua hòa giải viên lao động, hoặc khởi kiện ra Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án, tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; là thủ tục được coi là có tính chất pháp lý cuối cùng, mang tính bắt buộc thi hành, được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự như các vụ việc dân sự khác.

Về phương thức lựa chọn hội thẩm nhân dân trong các vụ việc lao động, khi lựa chọn Hội thẩm nhân dân, Chánh án sẽ lựa chọn Hội thẩm nhân dân có chuyên môn trong lĩnh vực lao động. Thời gian xét xử các vụ việc lao động tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự...

Buổi làm việc đã diễn ra thành công tốt đẹp và góp phần tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tư pháp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản

Thay mặt các thành viên trong Đoàn, ông Takada Shinji bày tỏ cảm ơn các đồng chí thuộc các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao đã dành thời gian đón tiếp và tạo điều kiện cho Đoàn làm việc, nghiên cứu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Qua buổi làm việc, Đoàn đã thu được nhiều kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, mục đích đề ra. Từ đó góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

TRIỆU HỒ