Tòa án nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống cách mạng, vững bước đi lên

Cách đây 75 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập Tòa án quân sự ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án và từ đó đến nay, ngày 13/9 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân.

Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Trong đó, các Tòa án quân sự được thành lập có thẩm quyền: “xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”[1]. Sau khi thành lập, các Tòa án quân sự đã tổ chức xét xử nghiêm minh, trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng, Việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng non trẻ.

Để tiếp tục kiện toàn hệ thống Tòa án phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán. Theo đó, đã thành lập hệ thống Tòa án thường (sau này được đổi tên thành Tòa án nhân dân), bao gồm: các Tòa án sơ cấp (ở huyện), các Tòa án đệ nhị cấp (ở tỉnh) và ba Tòa Thượng thẩm (ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ).

Trong thời gian từ năm 1946 đến năm 1954, hệ thống Tòa án gồm các Tòa án binh và các Tòa án nhân dân đặc biệt đã trở thành công cụ chuyên chính của Nhà nước trong việc trấn áp bọn gián điệp, phản cách mạng, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội; xử lý các tội phạm xâm phạm tài sản của Nhà nước, công dân, biển thủ của công, buôn lậu… làm ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của quân đội, cũng như chính quyền cách mạng, góp phần giữ vững chính quyền nhân dân, phục vụ có hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững đời sống yên lành ở hậu phương và tạo lập niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Tòa án năm 1960 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Tòa án nhân dân. Theo đó, hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp địa phương và các Tòa án quân sự. Chế độ hai cấp xét xử được các Tòa án nhân dân thực hiện. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự về đường lối xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc công tác xét xử của các Tòa án. Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử để đảm bảo có sự tham gia của nhân dân.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975), Nhà nước ta đã khẩn trương thành lập các Tòa án ở các tỉnh phía Nam (từ Quảng Trị trở vào). Hàng ngàn cán bộ, Thẩm phán và cán bộ lãnh đạo của các Tòa án địa phương ở miền Bắc đã được điều động vào công tác ở các tỉnh phía Nam, cùng với lực lượng cán bộ tại chỗ làm nòng cốt nên chỉ trong thời gian ngắn, các Tòa án nhân dân thuộc các địa phương phía Nam đã được thành lập và sớm đi vào hoạt động, phục vụ kịp thời cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các tỉnh miền Nam mới được giải phóng. Đứng trước yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội nghị toàn quốc đầu tiên của các Tòa án nhân dân vào tháng 4 năm 1977 đã xác định nội dung nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới và đề ra các biện pháp cụ thể để Tòa án nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Từ sau năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; các Tòa án nhân dân cũng có những đổi mới quan trọng để đáp ứng với tình hình thực tế và yêu cầu của cải cách tư pháp. Năm 1994, Trọng tài kinh tế Nhà nước sáp nhập vào hệ thống Tòa án nhân dân; đồng thời, Tòa án nhân dân được giao thêm thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế và yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Tiếp theo đó, Tòa án nhân dân tiếp tục được giao thêm thẩm quyền giải quyết, xét xử các tranh chấp lao động và các khiếu kiện hành chính. Cùng với việc giải quyết tốt các vụ án hình sự, dân sự, các Tòa án đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mới được giao, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2002 đến năm 2013, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Với việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, hoạt động của hệ thống Tòa án trong giai đoạn này tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận rõ Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm; vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao. Hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác… Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình cải cách tư pháp của đất nước, đánh dấu bước phát triển mới của các Tòa án nhân dân, khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ qua từng năm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán được giữ ở mức thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra; việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được các Tòa án triển khai sâu rộng, thực chất. Các Tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm hình sự; đặc biệt, đã xét xử thành công các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn; góp phần ổn định chính trị – xã hội, phát triển đất nước; được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các Tòa án đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội; bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Thông qua hoạt động xét xử, các Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong nhân dân.

Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã được tích cực thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao và có chuyển biến tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật nước nhà. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ, giải đáp các vướng mắc đã được quan tâm đẩy mạnh với nhiều đột phá mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử, nâng cao hiệu quả công tác xét xử.

Mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tiếp tục được kiện toàn và có nhiều đổi mới theo hướng tiệm cận dần với mô hình tổ chức, hoạt động của một nền tư pháp hiện đại. Thẩm quyền xét xử, giải quyết các vụ việc của Tòa án nhân dân không ngừng được mở rộng. Cải cách thủ tục tố tụng tư pháp được triển khai, bước đầu thu được kết quả khả quan, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của xã hội. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới được Quốc hội thông qua đã đưa công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân lên một giai đoạn phát triển mới.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang, 75 năm qua đội ngũ cán bộ giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Hầu hết các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển; trình độ đội ngũ cán bộ Tòa án đã được chuẩn hóa một bước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án không ngừng được nâng cao. Tuyệt đại đa số cán bộ, công chức Tòa án có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với nhân dân. Các Tòa án đã thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu tổ chức được kiện toàn; công tác thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm được tiến hành nghiêm minh. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tư pháp từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Đội ngũ Hội thẩm cũng không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng, đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các Tòa án.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Tòa án nhân dân trên các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức ngày càng được tăng cường, thu được kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hệ thống Tòa án lớn mạnh về mọi mặt.

Các Tòa án đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa các mặt hoạt động của Tòa án, bước đầu đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động được nâng cao, đặt nền móng cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.

Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động của Tòa án tiếp tục được tăng cường và có những cải thiện đáng kể. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở cho các Tòa án trong toàn hệ thống.

Công tác hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng, góp phần thúc đẩy hội nhập sâu rộng và nâng cao uy tín, vị thế của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; thắt chặt tình hữu nghị với Tòa án các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2020 là lần thứ hai Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8.

Các hoạt động xã hội được duy trì và đẩy mạnh tại các Tòa án. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, đồng bào bị thiên tai bão lụt, cán bộ, chiến sỹ ở biên giới, hải đảo… được duy trì thường xuyên; các Tòa án cũng đã tích cực hưởng ứng, tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Tòa án nhân dân tối cao cũng như chính quyền địa phương phát động.

Ngày nay, hệ thống Tòa án nhân dân đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Với vị trí là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Tòa án trước mắt cũng như lâu dài là rất nặng nề. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức.

Tình hình đó đòi hỏi hệ thống Tòa án nhân dân, hơn bao giờ hết, phải phát huy hơn nữa truyền thống quý báu, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng Tòa án nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự phấn đấu kiên cường, sáng tạo, với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dù phải đối mặt những khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân./.

[1] Điều II Sắc lệnh số 33C

 PGS.TS. NGUYỄN HÒA BÌNH, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC