Tòa án thụ lý tăng 63.949 vụ so với cùng kỳ năm trước

Tại phiên họp 13 của Ủy ban Tư pháp, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đã trình bày báo cáo công tác Tòa án nhân dân 10 tháng qua. Kết quả công tác trong 10 tháng qua cho thấy, về cơ bản, công tác của các Tòa án đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

1. Công tác giải quyết, xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Từ ngày 01/10/2018 đến ngày 31/7/2019, các Tòa án đã giải quyết được 410.572 vụ việc trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,1%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 63.949 vụ; đã giải quyết tăng 56.427 vụ.

Qua công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc cho thấy, việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên chất lượng xét xử được đảm bảo; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong thời gian qua đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tòan cảnh phiên họp

Trong 10 tháng qua, các Tòa án nhân dân đã hòa giải thành 164.767 vụ (tăng 16.914 vụ so với cùng kỳ năm 2018), chiếm 54,1% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết. Với những kết quả tích cực thu được từ việc thí điểm hòa giải, Tòa án nhân dân tối cao đang hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã giải quyết được 7.875 đơn/vụ trong tổng số 16.367 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 48,1%, tăng 2.608 đơn so với cùng kỳ năm 2018. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.Thi hành án hình sự; miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách

Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 65.603 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 99,4%; ra quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với 70.196 phạm nhân do cải tạo tốt; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với 2.973 phạm nhân. Việc ra các quyết định thi hành án hình sự đảm bảo kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Các Tòa án nhân dân đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với 3.523 trường hợp với tổng số tiền được miễn, giảm trên 14 tỷ đồng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Các Tòa án đã thụ lý 07 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án, đã giải quyết dứt điểm được 03 trường hợp, cụ thể là bà Đinh Thị Khương ở Thái Nguyên rút đơn yêu cầu bồi thường; tiến hành chi trả 419.558.497 đồng tiền bồi thường cho ông Huỳnh Văn Lụa ở Sóc Trăng và ông Đặng Ngọc Thanh ở Long An. Các trường hợp còn lại đang được tiếp tục giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng thụ lý 18 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan Nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết được 11 vụ và tuyên các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền hơn 03 tỷ đồng.

3.Đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội

Kết quả công tác trong 10 tháng qua cho thấy, về cơ bản, công tác của các Tòa án đã đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, cụ thể là: Việc tranh tụng tại phiên toà được các Toà án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 8.099 “Phiên tòa rút kinh nghiệm”.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,1%, thấp hơn 0,4% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội đề ra; việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định với 99,83% các trường hợp cho hưởng án treo không bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa án.

Các đại biểu QH tham dự phiên họp

Việc khắc phục tình trạng lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63 của Quốc hội được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, các Tòa án đã tăng cường, chủ động kiểm tra, rà soát để có biện pháp khắc phục và rút kinh nghiệm về những sai sót trong lĩnh vực này. Thông qua kết quả kiểm tra cho thấy, trong 26.406 trường hợp Tòa án các cấp áp dụng Điều 51 và 54 của Bộ luật Hình sự chỉ có 98 trường hợp bị hủy án (chiếm 0,37%); 252 trường hợp bị sửa án (chiếm 0,95%).

Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật, chỉ còn 80 vụ án dân sự và hành chính để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (54,1%). Đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc xem xét các trường hợp có đơn kêu oan theo đúng yêu cầu Nghị quyết 69 và Nghị quyết 96 của Quốc hội. Tỷ lệ ra quyết định thi hành án hình sự đạt 99,4%; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù về cơ bản đều đảm bảo có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các kết quả đạt được trên các mặt công tác, hoạt động của các Tòa án thời gian qua cũng còn một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng; cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án nhân dân các cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án nhân dân; vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật…

Các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do số lượng các loại vụ việc mà các Toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng mạnh, với tính chất ngày càng phức tạp; trong khi đó, những điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Tòa án chưa được bổ sung kịp thời; một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp… Vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Toà án chưa có nhiều kinh nghiệm nên hiệu quả công tác chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc còn thiếu thốn.

4.Ba kiến nghị căn bản

Để giúp cho các Tòa án hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, Tòa án nhân dân tối cao có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép Tòa án nhân dân tối cao thực hiện thí điểm sáp nhập một số Tòa án nhân dân cấp huyện tại một số tỉnh có đủ điều kiện theo Đề án được phê duyệt nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của việc tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, bảo đảm việc tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội quan tâm và có cơ chế hỗ trợ để Đề án “Cải tạo mở rộng trụ sở và trang bị nội thất phòng xét xử của các Tòa án theo yêu cầu mới của pháp luật tố tụng” và Đề án “Trang bị tài sản, phương tiện làm việc cho các Tòa án giai đoạn IV” sớm được phê duyệt để các Tòa án nhân dân có đủ nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội quan tâm, chỉ đạo các cơ quan có liên quan xây dựng định mức phân bổ dự toán thường xuyên giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng nâng định mức chi thường xuyên áp dụng cho hệ thống Tòa án nhân dân giai đoạn 2021 – 2025.

VŨ HÙNG