Tòa án tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 20/6, TANDTC tổ chức họp báo để thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án trong 6 tháng đầu năm 2018. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang chủ trì họp báo. Cùng dự có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC.

Báo cáo của TANDTC cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, các Tòa án cả nước đã giải quyết được 193.133 vụ việc trong tổng số 304.348 vụ việc đã thụ lý ( 63,5%), chưa phát hiện vụ nào kết án oan người không phạm tội, các vụ án cơ bản xét xử đúng người đúng tội; các vụ án dân sự, hành chính cơ bản khắc phục tình trạng quá thời hạn giải quyết, chất lượng xét xử được đảm bảo.

TANDTC đã chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội.

Tiếp tục triển khai thi hành các Bộ luật, luật và các luật tổ tụng đã được Quốc hội thông qua, TANDTC đã ban hành ba Nghị quyết HĐTP hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; hiện đang nghiên cứu xây dựng 7 Nghị quyết và 1 Thông tư của Chánh án TANDTC và 7 Thông tư liên tịch.

Cùng với công tác cán bộ, công tác đào tạo… nhìn chung Tòa án tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.

Sau khi nghe thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của các Tòa án 6 tháng đầu năm 2018 trên đây, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trực tiếp trả lời các câu hỏi được báo chí đặt ra, sau khi bày tỏ lời chúc mừng tốt đẹp nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 đến các phóng viên, nhà báo và mong rằng báo chí tiếp tục đồng hành cùng Tòa án trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hoạt động của Tòa án ngày càng hiệu quả hơn.

Tăng cường hòa giải

PV: Xin Chánh án cho biết về đề án tăng cường hòa giải, đối thoại đang triển khai thí điểm tại Hải Phòng và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai toàn quốc?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Công tác giải quyết các vụ án của Tòa án hiện nay gặp rất nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn là số lượng các vụ án ngày càng tăng. Năm 2012, Tòa án giải quyết khoảng 240.000 vụ án các loại thì đến 2017 con số này lên đến 490.000 vụ, trung bình mỗi năm tăng 8-10%. Trong khi đó, tổng biên chế ngành Tòa án được Quốc hội duyệt là 15.000 người thì không thay đổi, nên áp lực công việc rất lớn. Vì vậy, phải giảm tải bằng cách tăng cường hòa giải,để giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử. Chúng tôi thấy các nước như Nga, Nhật, Ấn Độ, Mỹ đã làm rất có hiệu quả. Ở Nga có 7700 Thẩm phán chuyên trách hòa giải, ở Ấn Độ, mỗi vụ hòa giải thành họ chi 150 USD để khuyến khích.

Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 3/10/2017 của TANDTC về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác hòa giải tại TAND, đặt ra các yêu cầu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này. Bắt đầu từ tháng 3/2018 chúng tôi đã tiến hành thí điểm tại Hải Phòng,  kết quả rất khả quan, Tòa án thành phố và các Tòa án quận huyện của Hải Phòng đã giải quyết hơn 900 vụ/ 1300 vụ, giảm đáng kể các vụ án phải đưa ra xét xử.

Đến tháng 9/2018 chúng tôi sẽ tổng kết để báo cáo Ban chỉ đạo CCTPTW, báo cáo Quốc hội về đề án hòa giải để có nguồn lực thực hiện đề án này. Để triển khai tòan quốc thì sẽ phải có dự thảo Luật Hòa giải để năm 2019 trình Quốc hội thảo luận; hoàn tất Giáo trình về hòa giải để giảng dạy tập huấn. Chúng tôi cũng mời các cố vấn, chuyên gia nước ngoài như ông Gordon J.Low, Thẩm phán Tòa án cấp cao Hoa Kỳ và Thẩm phán Kamada, chuyên gia pháp lý Nhật Bản đến tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng hòa giải cho Thẩm phán.

PV: Mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được triển khai thí điểm tại Tòa án Tp Hồ Chí Minh, xin Chánh án cho biết kết quả thí điểm và dự kiến triển khai rộng rãi như thế nào?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Như các bạn đã biết là Tòa án có nhiều thay đổi về bố trí phòng xét xử, trong phòng xử án hình sự thì công tố ngồi ngang với luật sư, thay vành móng ngựa bằng bục khai báo; có ngăn cách giữa những người tham gia tố tụng và người dự khán; có khu vực riêng cho báo chí.

Tòa gia đình và người chưa thành niên theo mô hình tòa án thân thiện. Trong đó, bố trí phòng xét xử cùng một mặt bằng, Thẩm phán ngồi chung bàn tròn với các đương sự, để để dễ dàng đối thoại.

Những thay đổi như vậy cần phải có mặt bằng, phòng ốc và trang thiết bị bàn ghế, âm thanh… Sau khi triển khai thí điểm tại Tp Hồ Chí Minh thì sắp tới đây chúng tôi sẽ thí điểm tại Đồng Tháp.

Mô hình tòa thân thiện được sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và được nhân dân, giới luật sư cũng như quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi  có hơn 1000 phòng xét xử  phải thay thế ( chỉ có 400 phòng đáp ứng được yêu cầu), do đó cũng phải có thời gian, có lộ trình chặt chẽ mới hoàn thành mục tiêu đặt ra.

PV: Hiện nay nhiều Tòa án còn thiếu trụ sở, phải đi thuê, xin Chánh án cho biết khi nào có thể chấm dứt tình trạng này?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Có 35 Tòa án phải thuê trụ sở, theo Nghị quyết của Quốc hội thì trong hai năm 2018-2019 phải giải quyết xong, bảo đảm Tòa án phải là nơi trang nghiêm, thể hiện quyền uy của pháp luật. Chúng tôi đã hoàn tất việc xây dựng 18 trụ sở, còn lại 17 trụ sở cũng đã được khởi công, Chính phủ cũng có chỉ đạo để bảo đảm nguồn vốn cho Tòa án hoàn thành mục tiêu này vào năm 2019. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất, khó khăn của Tòa án không chỉ ở những đơn vị thiếu trụ sở, mà nhiều trụ sở đã xuống cấp, chật hẹp do xây dựng từ lâu, không phù hợp với những đòi hỏi của luật mới cũng như quy định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về đổi mới phòng xét xử. Chính phủ đã đồng ý chủ trương Tòa án xây dựng các phòng xét xử thân thiện để giải quyết các vụ án hôn nhân, gia đình.

Hai vụ án dư luận quan tâm

PV: Dư luận rất quan tâm đến một số vụ án oan như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang, vụ ba mẹ con bà Đặng Thị Nga ở chân đèo Pha Đin, xin Chánh án cho biết công tác bồi thường đối với họ như thế nào?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Chúng ta có thể khẳng định những vụ án oan này là điều rất đáng tiếc, xảy ra ở giai đoạn trình độ cán bộ tiến hành tố tụng hạn chế, hệ thống pháp luật cũng chưa đầy đủ. Hai vụ án này được minh oan bắt đầu bằng nỗ lực của Tòa án. Khi nhận được đơn, chúng tôi đã phối hợp liên ngành, xem xét nghiêm túc, khẩn trương và xác định là án oan để nhanh chóng công khai xin lỗi người bị oan. Hiện nay, những người bị oan đang thông qua luật sư cung cấp chứng từ, tài liệu cho Tòa án làm căn cứ thương lượng bồi thường. Tòa án đã hướng dẫn lộ trình, vận dụng pháp luật tốt nhất cho họ.

PV: Vụ án xét xử sự cố y khoa tại Hòa Bình vừa qua, có cơ quan gửi kiến nghị đến Tòa án, có đại biểu Quốc hội phát biểu về trường hợp bác sĩ  Hoàng Công Lương, Chánh án có cho rằng những ý kiến đó là can thiệp vào công tác xét xử của Tòa án hay không? Quan điểm của Chánh án về vụ án này như thế nào?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Phiên tòa xét xử vừa qua đã diễn ra công khai, minh bạch, đúng yêu cầu cải cách tư pháp, Tòa đã mời tất cả các bên liên quan đến phiên tòa, đáng tiếc là có  đối tượng chưa có mặt. Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung là quyết định rất đúng đắn, trong đó Hội đồng đã đưa ra những kiến nghị yêu cầu làm rõ hành vi liên quan của một số cá nhân và yêu cầu khởi tố bị can để giải quyết vụ án nghiêm minh.

Đối với bác sĩ Lương, tòa đã yêu cầu làm rõ các chứng cứ buộc tội và chứng cữ gỡ tội, xem xét một cách toàn diện. Vụ án đang trong quá trình xét xử, tôi không thể nói bác sĩ Lương oan hay không oan, nhưng tôi thấy Hội đồng xét xử đặt ra câu hỏi rất hay đối với bác sĩ Lương rằng: “ Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mà xảy ra chết người hàng loạt như vậy thì lương tâm của anh thấy như thế nào, anh có thấy mình có trách nhiệm gì không?”.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội hay những người khác là quyền của đại biểu, là ý kiến cá nhân. Ý kiến của Chánh án và những người có trách nhiệm trong quá trình tố tụng mà nói có tội hay không có tội thì mới tác động gián tiếp đến tính độc lập của Hội đồng xét xử

PV: Vụ  án Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em được dư luận rất quan tâm, xin Chánh án cho biết trách nhiệm của Thẩm phán xét xử phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo và giải pháp nào nâng cao chất lượng xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đang rất phức tạp hiện nay?

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Chúng tôi rất hoan nghênh TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh sau khi bản án phúc thẩm của Tòa án Bà Rịa – Vũng Tàu gây bức xúc trong dự luận, đã cử đoàn công tác xuống lấy hồ sơ vụ án lên nghiên cứu và nhanh chóng có quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Điều đáng nói là qua kiểm tra có thể khẳng định không có tiêu cực trong việc cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy hưởng án treo, đây hoàn toàn là do nhận thức của Thẩm phán. Về trách nhiệm của Thẩm phán thì đây là sai sót gây dư luận không tốt, phải xử lý một cách nghiêm túc.

Về nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì trong 5 năm ( 2013-2018) có 8110 vụ, đã xét xử 7600 vụ, chiếm 92%. Số các vụ án phải sửa, trả, điều tra bổ sung khoảng 500 vụ tương  đương hơn 6%, đây là tỷ lệ cao và yêu cầu phải hạ thấp hơn.

Có thể nói về pháp luật thì không có vướng mắc gì, trước đây nhóm tội này có 4 tội danh  (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;  Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi – PV) thì BLHS 2015 bổ sung Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Như vậy là khá đầy đủ.

Khó khăn chính trong việc xử lý các vụ án này là án truy xét, nạn nhân nhỏ tuổi, hành vi phạm tội diễn ra khi chỉ có người phạm tội và nạn nhân, nhiều trường hợp gia đình nạn nhân muốn giữ kín mà thiếu hợp tác với cơ quan chức năng… còn không có tiêu cực về phía cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi tin rằng về lương tâm, những người điều tra, truy tố, xét xử cũng coi các nạn nhân như con cháu mình, mà bảo vệ các cháu.

Về phía Tòa án để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì chúng tôi nâng cao năng lực Thẩm phán bằng đào tạo, tập huấn, hướng dẫn áp dụng pháp luật… Tòa án cũng xây dựng tòa chuyên trách Hôn nhân gia đình- người chưa thành niên vì loại án này chiếm tỷ trọng lớn, năm 2017 có 490.000 vụ án thì 230.000 là án hôn nhân – gia đình.

Tòa án cũng phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng quy trình điều tra truy tố, xét xử riêng đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em. Theo đó, sẽ không đưa các cháu ra phiên tòa, mà để các cháu ngồi trong phòng riêng, có người giám hộ ngồi cùng, trả lời qua micro, tạo cho các cháu sự  thân thiện và những vụ án này sẽ xử kín.

 

THÁI VŨ