Tọa đàm về cách viết bản án và phát triển án lệ

Ngày 08/01-09/01/2019 tại Hà Nội TANDTC Việt Nam đã phối hợp với cơ quan tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA Tọa đàm về cách viết bản án và phát triển án lệ.

Tham dự và chủ trì Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán TANDTC, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC. Về phía Hàn Quốc có Thẩm phán Lee Ki Ri; Giáo sư Lee Do Shik (Thẩm phán); Ủy viên nghiên cứu Lee Sun Mi (Thẩm phán) và các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, Thẩm phán Nguyễn Văn Tiến đã nêu ra những vấn đề quan trọng trong việc phát triển án lệ và cách viết bản án, để thấy rằng trong những năm qua lãnh đạo TANDTC, các Thẩm phán TANDTC đã mời các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, các hội thảo để lựa chọn ra các bản án. Ông Nguyễn Văn Tiến cũng mong  rằng qua buổi Tọa đàm hôm nay các đại biểu và các chuyên gia Hàn Quốc sẽ có những tham luận, ý kiến, trình bày bài viết của mình tốt để buổi Tọa đàm được thành công. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 Ông Ngô Văn Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học

Ngày 28-10-2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Nghị quyết đã làm rõ được khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, đồng thời đưa ra một quy trình ban hành án lệ hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thông qua án lệ. Trên cơ sở Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 26 án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án.

Ngày 30-5-2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA về việc tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử.

Ngay sau khi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và Chỉ thị số 04/2016/CT-CA được ban hành, các Tòa án đã tổ chức quán triệt nội dung các văn bản nêu trên đến toàn thể các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm của Tòa án mình để nghiên cứu, áp dụng trong xét xử; thực hiện đúng nguyên tắc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Ngày 19-10-2016, Trang tin điện tử về án lệ của TANDTC đã được khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Trang tin điện tử về án lệ đã kịp thời đăng tải các tin tức, sự kiện liên quan đến án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, các dự thảo án lệ được công bố; các án lệ đã được công bố và tạo điều kiện cho mọi chủ thể nghiên cứu, bình luận, góp ý kiến đối với các án lệ, dự thảo án lệ được công bố. Tính đến ngày 02-12-2019, đã có hơn 700.000 lượt truy cập vào Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao…

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Thẩm phán Lee Sun Mi trình bày cách áp dụng án lệ khi viết bản án cho rằng, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng được coi là một loại văn bản quy phạm pháp luật (khoản 7, Điều 4), đồng thời Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ “ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”( Điều 21).

Dựa vào các quy định nêu trên, có thể thấy rằng, ở Việt Nam án lệ do TANDTC lựa chọn và công bố cũng được coi là một nguồn luật và cũng có hiệu lực ràng buộc… Bên cạnh đó thì ở Hàn Quốc lại có quan điểm tồn tại hai quan điểm trái ngược về việc án lệ có là một nguồn luật hay không. Một số cho rằng án lệ là một nguồn luật, số khác lại phủ nhận điều này. Tuy nhiên, trong số các học giả cho rằng án lệ không phải là một nguồn luật vẫn có những học giả công nhận tính chất nguồn luật của án lệ ở phạm vi nhất định bởi vì họ cho rằng án lệ lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian dài sẽ trở thành tập quán.

Mặc dù có những quan điểm trái chiều về tính chất nguồn luật của án lệ, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng án lệ có hiệu lực ràng buộc trên thực tế trong đời sống pháp lý. Trên thực tế ở các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa, là các nước không coi án lệ là môt nguồn luật, án lệ của Tòa án cấp trên, đặc biệt  là của Tòa án tối cao vẫn luôn được giới luật gia khá tôn trọng.

Hiệu lực ràng buộc của án lệ của Tòa án tối cao có thể được xem xét trên 2 khía cạnh, đó là hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án cấp dưới và hiệu lực ràng buộc với chính Tòa án tối cao. Hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án cấp dưới là hiệu lực ràng buộc thông thường khi Thẩm phán Tòa án cấp dưới phải tuân theo án lệ trong cả các vụ án khác về sau mà không phải trong chính vụ án đó. Còn hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án tối cao là hiệu lực ràng buộc của tiền lệ (bản án trước)(Giải thích của dịch giả: Tòa án tối cao phải duy trì nhận định của vụ án trước đó trong vụ án khác tương tự về sau). Trong bài phát biểu này, tôi sẽ lấy đối tượng thảo luận là hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án cấp dưới…

Tại Tọa đạm còn có thảo luận và trình bày của các đại biểu tham dự như: Ông Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Tòa án về việc đào tạo và viết bản án; TS. Đặng Thị Thơm,Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra án dân sự và kinh doanh thương mại, TANDCC tại Hà Nội…

Ông Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán TANDTC phát biểu kết thúc tọa đàm, qua thời  gian Tọa đàm đây là vấn đề rất bổ ích để giúp các Thẩm phán Việt Nam có thêm kinh nghiệm học hỏi, trao đổi và so sánh để đào tạo và viết bản án tốt hơn trong thời gian tới, ông cảm ơn các chuyên gia Hàn Quốc đã giúp TANDTC Việt Nam trong việc phát triển  án lệ và cách viết bản án.

HÙNG DINH