TỘI BUÔN LẬU VÀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ THEO QUY ĐỊNH CỦA BLHS NĂM 2015

Tội buôn lậu và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là hai tội phạm xảy ra phổ biến ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, an ninh trật tự ở nước ta, song các quy định của BLHS năm 1999 vẫn còn tồn tại nhiều bất cập hạn chế, BLHS năm 2015 ( hợp nhất BLHS 2015 và Luật số 12/2017/QH14  sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, vì vậy, việc nghiên cứu các tội phạm này trong thực tiễn hiện nay là rất quan trọng.

1. Tội buôn lậu.

Về cơ bản quy định của Luật sửa đổi bố sung BLHS năm 2015 và BLHS năm 2015 về tội buôn lậu không thay đổi, so sánh với quy định của BLHS năm 1999 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất: Tại khoản 1 bổ sung thêm hành vi buôn bán “Từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại”, đồng thời mức phạt tiền quy định từ 50 triệu đồng đến 300.000.000 đồng (BLHS năm 1999 từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng). Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”, như vậy, việc bổ sung quy định hành vi buôn bán trái pháp luật từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trong Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 là hợp lý tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Tại mục b quy định hành vi “b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.”, đồng thời bỏ quy định tại mục c Điều 153 BLHS năm 1999 “c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232,  233, 236 và 238 của Bộ luật này”

Thứ hai: Tại khoản 2 bổ sung thêm hình phạt tiền với mức phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng.

Tại mục d quy định cụ thể số tiền thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Đồng thời bổ sung thêm tình tiết “đ, Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia”, bỏ các tình tiết đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn; g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác;l)  Gây hậu quả nghiêm trọng.”

Thứ ba: Tại khoản 3 bổ sung thêm hình phạt tiền với mức tiền phạt là 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng.

Tại mục b quy định cụ thể  số tiền thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, đồng thời bỏ các tình tiết “b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Thứ tư: Tại khoản 4 bỏ hình phạt chung thân hoặc tử hình quy định trong khoản 4 Điều BLHS năm 1999.

Tại mục b quy định cụ thể số tiền thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng trở lên, đồng thời bỏ tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ năm: Tại khoản 6 Điều 188 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 so với BLHS năm 2015 có một số sửa đổi, bổ sung như sau:

– Tại muc a bổ sung thêm quy định đối với “Hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”.

  • Tại mục b bỏ các tình tiết “e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức”.
  •  
  • 2. Tội sản xuất, mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

So với BLHS năm 2015 thì BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 có một số sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất: Tại mục e khoản 1 bỏ quy định phạm tội “Từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại”. Bỏ các tình tiết “g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn”.

Thứ hai: Tại mục a khoản 3 bổ sung thêm quy định “hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật” bỏ tình tiết “a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên”,

Thứ ba: Tại khoản 4 bỏ tình tiết “đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.

Thứ tư: Tại khoản 6 mục b bỏ các tình tiết phạm tội bao gồm “d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%; m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, trong BLHS năm 2015.

Trong thực tiễn việc phân biệt giữa hai tội danh này vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau đặc biệt sau vụ án Vn Pharma, trong vụ án này, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Hàng hải Quốc tế H&C) đặt mua 200.000 hộp thuốc chữa bệnh ung thư H-Capita 500mg Caplet với giá 27 USD/hộp nhưng thống nhất nâng khống lên 75 USD/hộp. Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã bàn bạc từ việc xây dựng hồ sơ đến việc nhập và tiêu thụ lô thuốc. Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu, Cường đã cung cấp một loạt giấy tờ chứng nhận giả xuất xứ lô hàng. Sau đó, Hùng chỉ đạo cho cấp dưới làm giả một loạt giấy tờ của phía Việt Nam.

Như vậy, Hùng và Cường biết rõ, làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu giả để nộp cho Cục Quản lý dược để được cấp phép nhập khẩu.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ làm thủ tục nhập khẩu đợt đầu 9.300 hộp thuốc, trị giá 251.000 USD, tương đương 5,3 tỷ đồng.

Trong vụ án nêu trên vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng thuốc H-Capita 500mg không phải là thuốc giả và xung quanh việc định tội danh với các bị cáo vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, điều này xuất phát từ bất cập, hạn chế của BLHS năm 1999.

 Qua thực tiễn cũng như nghiên cứu nội dung vụ án trên có thể nhận thấy:

Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là hành vi làm ra, mua bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh  không phải là thật.

Khái niệm “Hàng giả” được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

h) Tem, nhãn, bao bì giả.

Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi làm ra (tạo ra) các loại hàng giả. Người phạm tội có thể làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp các bộ phận của hàng hóa. Người phạm tội có thể tham gia vào cả quá trình làm hàng giả từ đầu đến cuối hoặc chỉ có thể tham gia vào một công đoạn làm ra hàng giả.

Hành vi buôn bán hàng giả là hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để mua đi, bán lại những hàng hóa đã thành phẩm hoặc những bộ phận, chi tiết mà biết là giả để thu lợi bất chính.

Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine – là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Quá trình điều tra cho thấy số thuốc được dán tem từ Ấn Độ về Singapore, sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên xác minh mã vạch, mã số in trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào. Các giấy chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả.

Cũng chính kết luận của Bộ Y tế cho rằng đây là thuốc kém chất lượng mà không kết luận đây là thuốc giả. Tuy nhiên tiếp cận dưới góc độ pháp lý có thể hiểu các đối tượng nhập khẩu thuốc biết được các loại thuốc H-Capina 500mg đều là thuốc giả và thực chất theo như kết luận của Bộ y tế thì các loại thuốc này kém chất lượng không có công dụng chữa bệnh là phù hợp với quy định về hàng giả tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

 

Ths. TRẦN VĂN HÙNG