Tội phạm mua bán người – kinh nghiệm của Australia
Nạn mua bán người (hay buôn người) là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm thu lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bóc lộc các nạn nhân dưới nhiều hình thức khác nhau như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy và buôn bán nội tạng…
1. Định nghĩa về mua bán người (buôn người)
Theo đoạn a Điều 3 của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị nạn mua bán người đã định nghĩa mua bán người (hay buôn bán người) là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột bao gồm: việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể.
Hoặc theo định nghĩa của Tổ chức chống chế độ nô lệ [1], nạn buôn người liên quan đến việc tuyển dụng, chứa chấp hoặc bóc lột nạn nhân thông qua việc sử dụng bạo lực, lừa dối hoặc ép buộc họ phải làm việc trái ý muốn. Buôn bán người được xem là một quá trình nô lệ hóa nạn nhân. Nạn nhân có thể bị trao đổi, mua bán dưới nhiều hình thức để phục vụ các mục đích khác nhau như mại dâm, cưỡng bức lao động, cưỡng bức phạm tội, nô lệ trong gia đình, cưỡng ép hôn nhân và lấy nội tạng…
Như vậy, có thể hiểu nạn mua bán người (hay buôn người) là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm thu lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bóc lộc các nạn nhân dưới nhiều hình thức khác nhau như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy và buôn bán nội tạng…
2. Một số dấu hiệu đặc trưng của tội phạm mua bán người
2.1. Về chủ thể
Với mục đích tìm kiếm lợi nhuận từ việc cưỡng bức lao động và các hoạt động thương mại tình dục, những đối tượng mua bán người thông thường đều có chung quốc tịch, dân tộc hoặc văn hóa với nạn nhân, từ đó cho phép những “kẻ buôn người” có khả năng hiểu rõ hơn và khai thác các lỗ hổng của nạn nhân. Những đối tượng mua bán người có thể là công dân nước ngoài, nam hoặc nữ, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, người quen hoặc cũng có thể chỉ là người lạ, đơn độc hoặc là phần tử của một tổ chức tội phạm có mạng lưới hoạt động rộng lớn. Các đối tượng này thường dụ dỗ hoặc cưỡng bức nạn nhân lao động và cưỡng bức hoạt động tình dục bằng cách thao túng và khai thác các điểm yếu của họ thông qua việc hứa hẹn một công việc được trả lương cao, một mối quan hệ tình cảm hoặc những cơ hội mới sau đó sử dụng bạo lực hoặc áp bức tâm lý để kiểm soát nạn nhân [2].
2.2. Về nạn nhân
Theo một thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế ước tính có khoảng 40,3 triệu nạn nhân của nạn buôn bán người trên toàn thế giới. Nạn nhân của loại tội phạm này có thể là bất kỳ ai, đàn ông hoặc phụ nữ, người lớn hoặc trẻ em hay công dân của bất kỳ quốc gia nào. Nạn nhân của nạn mua bán người có nền tảng kinh tế xã hội, trình độ học vấn đa dạng. Trong một số trường hợp những thanh thiếu niên bỏ trốn khỏi gia đình, vô gia cư đa phần đều trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn bán người – một nghiên cứu ở Chicago cho thấy khoảng 56% phụ nữ bị buôn bán sang biên giới phục vụ cho ngành “công nghiệp tình dục” được xác định là những người đã bỏ trốn, rời bỏ gia đình. Ngoài ra, những cá nhân đã từng có quá khứ bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục có xu hướng trở thành nạn nhân trong tương lai, bởi những ảnh hưởng tâm lý để lại trong họ sẽ bị những kẻ buôn người lợi dụng [3]. Ví dụ: A thường bị cha dượng của mình quấy rối tình dục. B (đối tượng buôn người) hứa hẹn sẽ giúp A sang xuất khẩu lao động ở một nước khác với mức lương cao đồng thời thoát khỏi cha dượng của mình.
2.3. Về tính xuyên biên giới quốc gia
Trong những năm gần đây với xu hướng toàn cầu hóa, chính sách mở cửa hội nhập, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa các nước trong và ngoài khu vực, các đối tượng buôn người thường lợi dụng tình hình kinh tế, mức độ an sinh xã hội chênh lệch giữa các quốc gia cũng như tình trạng mất cân bằng giới tính từ đó thực hiện các hành vi dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân thiếu hiểu biết (đa phần đến từ những miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh biên giới của các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển) đến các quốc gia phát triển hơn với mục đích lừa mua bán người. Bởi lẽ, nhóm nạn nhân này thường thiếu hiểu biết, trình độ học vấn thấp, đặc biệt luôn có khát khao được “đổi đời” một cách nhanh chóng, nên thường lầm tưởng vào lời hứa hẹn đáp ứng những công việc được trả lương cao hay những mối quan hệ hôn nhân với người ngoại quốc hay một cuộc sống với điều kiện đãi ngộ tốt của các đối tượng lừa buôn người.
3. Một số vướng mắc và giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại Australia
3.1. Về hệ thống pháp lý
Ở Australia, tiến trình cải cách pháp luật liên quan đến tội phạm buôn bán người bắt đầu từ năm 1990 như: nội luật hóa các quy định của Nghị định thư của Liên Hợp Quốc về nạn buôn bán người; sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) bổ sung một số loại tội phạm như tội phạm buôn bán, sử dụng nô lệ (25 năm tù); tội lừa đảo tuyển dụng cho việc phục vụ các hoạt động tình dục (07 năm tù); tội mua bán người (12 năm tù); tội mua bán trẻ em (25 năm tù); tội mua bán người trong nước (12 năm tù)… Tội phạm mua bán người được xác định trong Đạo luật về hoạt động nghe lén và truy cập năm 1979 là tội phạm nghiêm trọng, do đó, các cơ quan thực thi pháp luật được quy định trong Đạo luật này có thẩm quyền nghe lén, theo dõi các cuộc gọi điện thoại và email để điều tra về hành vi phạm tội buôn bán người. Các thông tin này sau đó sẽ được Viện Công tố Australia sử dụng như là những bằng chứng để truy tố các bị can trước Tòa. Đến năm 1999, pháp luật liên quan đến hành vi buôn bán người chính thức được đưa ra lần đầu tiên thông qua các sửa đổi đối với BLHS năm 1995, bổ sung các tội danh nô lệ, nô lệ tình dục và lừa đảo tuyển dụng, tuy nhiên vẫn chưa xác định cụ thể hành vi buôn bán người. Vào tháng 8 năm 2005, sau khi Chính phủ Australia đã phê chuẩn Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, BLHS năm 1995 tiếp tục được sửa đổi nhằm nội luật hóa các quy định của Nghị định thư, trong đó có bổ sung các tội phạm buôn bán người, buôn bán trẻ em. Năm 2013, BLHS đã được sửa đổi bởi Đạo luật sửa đổi pháp luật về tội phạm (cụ thể ở phần Nô lệ, chế độ tương tự nô lệ và buôn bán người) có hiệu lực từ ngày 07/3/2013 nhằm: giới thiệu các tội phạm mới như cưỡng bức hôn nhân, cưỡng bức lao động và buôn bán nội tạng; mở rộng định nghĩa bóc lột bao gồm các hành vi tương tự việc sử dụng nô lệ; sửa đổi các định nghĩa để kịp thời cập nhật các hành vi tinh vi hơn của tội phạm mua bán người như áp bức tâm lý, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng tình thế khó khăn của nạn nhân để thực hiện hành vi mua bán người…[4].
3.2. Về tính xuyên biên giới quốc gia của tội phạm mua bán người
Đây là bản chất quan trọng nhất của loại tội phạm này, cũng chính là một trong những vấn đề gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng nói chung và cơ quan công tố nói riêng trong việc truy tố hành vi mua bán người diễn ra qua nhiều nước trên thế giới. Ví dụ: Tại Australia, trong một vụ án buôn bán người trái phép, hành vi buôn bán người trái phép có thể bị truy tố ở nước này, tuy nhiên, việc tìm kiếm các chứng cứ quan trọng, lời khai của nhân chứng, người liên quan trong vụ án có thể diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới mà đối tượng và nạn nhân đã đi qua như: quốc gia mà nạn nhân mang quốc tịch, quốc gia nơi bị can/bị cáo đã làm việc và sinh sống trước thời điểm bị bắt trong đường dây buôn bán người trái phép xuyên biên giới…
Ngoại trừ một số trường hợp các nước đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự hoặc cùng là thành viên trong các Điều ước, Công ước, tổ chức quốc tế về vấn đề tư pháp hình sự, có thể tương trợ lẫn nhau dưới nhiều hình thức như: dẫn độ; cơ quan công tố nước A trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự đối với các đối tượng trên nước mình dựa trên yêu cầu của cơ quan công tố nước B, sau đó cung cấp các tài liệu có được cho nước yêu cầu để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… Đối với các trường hợp còn lại, đa phần các quốc gia luôn gặp khó khăn trong việc cân nhắc thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự hay việc xung đột về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trên lãnh thổ nước bạn; việc dẫn độ ảnh hưởng đến các vấn đề về nhân quyền đối với tội phạm nhưng đang cư trú trên lãnh thổ nước khác.
Chính phủ Australia nói chung và Viện Công tố nước này nói riêng đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào các diễn đàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; các diễn đàn tương trợ tư pháp về hình sự quốc tế; Tiến trình Bali về việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp, nạn buôn người và tội phạm xuyên quốc gia; xây dựng Chiến lược hành động quốc gia trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và nô lệ giai đoạn 2015 – 2019… Bên cạnh đó, Chính phủ Australia đã ký kết các hiệp định, điều ước với 57 nước trên thế giới về việc tương trợ, phối hợp trong lĩnh vực hình sự, trong đó có Việt Nam và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Viện Công tố Australia luôn xác định việc đào tạo, bồi dưỡng các Công tố viên thụ lý, giải quyết các vụ án buôn bán người đóng vai trò rất quan trọng, do đó, Viện đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm công tác của các Công tố viên trong và ngoài nước đối với việc truy tố các loại tội phạm mua bán người và các sự kiện tương tự từ tháng 6/2007 đến nay.
3.3. Về nhân chứng của tội phạm buôn bán người
Nạn nhân của loại tội phạm này thông thường lại chính là những nhân chứng quan trọng nhất trong vụ án, tuy nhiên, ở nhiều nước trong đó có cả Australia, nạn nhân của tội phạm buôn bán người có thể bị trục xuất hoặc bị bắt giữ nếu trong quá trình điều tra, họ bị phát hiện có liên quan đến một số hoạt động bất hợp pháp khác như sử dụng visa giả, nhập cư bất hợp pháp; bên cạnh đó, nạn nhân còn sợ bị trả thù hay cảm thấy xấu hổ, tủi nhục hoặc mất niềm tin vào các cơ quan tiến hành tố tụng… Chính điều này đã khiến cho hầu hết các nạn nhân của tội phạm mua bán người không muốn và luôn tìm cách lảng tránh tham gia các hoạt động tố tụng hình sự, trong đó có hoạt động truy tố.
Theo đó, tại Australia, nạn nhân của tội phạm phải được bảo vệ và tôn trọng trong suốt quá trình tố tụng và cuộc sống của họ sau này, bao gồm: bảo vệ quyền riêng tư của các nhân chứng, nạn nhân (không đăng tải các vấn đề liên quan đến vụ án với tên, tuổi cụ thể của họ; thực hiện việc xét xử kín); không buộc họ phải thực hiện việc đối chất với các người phạm tội để tránh gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần (thay vào đó phải sử dụng các hệ thống đối chất trực tuyến); tránh lặp lại các câu hỏi không cần thiết về nội dung vụ án, hành vi của bị cáo đối với nạn nhân khiến nạn nhân phải nhớ lại những ký ức khủng khiếp đối với họ. Qua đó, nạn nhân (hoặc nhân chứng của vụ án buôn bán người) sẽ không cảm thấy xấu hổ, tủi nhục khi đối diện với các cơ quan tố tụng hoặc khi tham gia vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án nói chung và hoạt động truy tố nói riêng.
3.4. Về việc thu thập bằng chứng
Tại Australia, khi các Công tố viên phải đối diện với các trường hợp bằng chứng, lời khai không chính xác từ bị can, bị hại, nhân chứng; các bằng chứng đã bị sửa đổi bởi bên thứ ba (không xác định được), họ sẽ chủ động yêu cầu hoặc trực tiếp thu thập các chứng cứ từ các nguồn khác và đánh giá tính hợp pháp của chúng, gồm: lấy lời khai “khách hàng” của việc mua bán người, mua dâm về những lần nạn nhân đã cầu xin về việc giúp đỡ họ thoát khỏi tình trạng nô lệ; thu thập các thông tin trên các phương tiện thông tin điện tử của nạn nhân, bị can, nhân chứng nhằm xác minh tính chân thực của các lời khai hay mối quan hệ giữa các đối tượng; các thông tin chuyển tiền mua bán; các hình ảnh, video lưu tại các nhà thổ,…
4. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Sau khi phân tích, đánh giá về những kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người ở Australia, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý đối với loại tội phạm này, cụ thể như sau:
– Ngày 27/6/2013, Quốc hội Australia thông qua Đạo luật về nhân chứng dễ bị xâm hại trong các vụ án hình sự đã cung cấp cho những nhân chứng (bao gồm cả nhân chứng và nạn nhân của tội phạm mua bán người) một số phương án nhằm bảo vệ họ trước nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản. Theo đó, nhân chứng của tội phạm mua bán người có thể đưa ra bằng chứng thông qua hệ thống truyền hình nội bộ, các liên kết video hoặc ghi hình, có quyền yêu cầu người khác hỗ trợ, bảo vệ trong suốt quá trình họ đưa ra lời khai. Đây là một quy định có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc bảo vệ nhân chứng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người của các cơ quan thực thi pháp luật tại Australia. Ở Việt Nam, từ Điều 29 đến Điều 31 Mục 2 Chương 4 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chỉ quy định việc bảo vệ nạn nhân cuả tội phạm mua bán người, cụ thể: Điều 29 quy định về việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân; Điều 30 quy định về việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân; Điều 31 quy định về việc bảo vệ bí mật thông tin nạn nhân. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định bảo vệ nhân chứng trong các vụ án mua bán người bằng các điều luật cụ thể, từ đó không những nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, đồng thời, nêu cao tinh thần tự giác của mỗi công dân trong việc chung sức bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
– Theo một số báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, mua bán người với mục đích mại dâm và hôn nhân là những hình thức phổ biến nhất của loại tội phạm này. Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người được quy định tại Điều 150 BLHS 2015 và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (có hiệu lực từ ngày 15/3/2019) hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS như sau: “Mua bán người là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: a) Chuyển giao người để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; c) Chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; d) Tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; đ) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao người theo hướng dẫn tại điểm a và điểm c khoản này”. Có thể thấy, những quy định trên đã bỏ sót hành vi mua bán người vì mục đích cưỡng bức hôn nhân – một trong số những hình thức mua bán người phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (cần tránh nhầm lẫn giữa hành vi mua bán người để bóc lột tình dục hay mua bán người thông qua môi giới hôn nhân). Do đó, tác giả đề xuất cần bổ sung hành vi “chuyển giao hoặc tiếp nhận người vì mục đích cưỡng bức hôn nhân” tại các quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hành vi nêu trên, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.
– Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, đặc biệt là hướng dẫn các chương, mục quan trọng như: các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ; hỗ trợ nạn nhân… Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm liên quan cần phối hợp, triển khai các hội thảo nghiên cứu chuyên sâu, lấy ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực mua bán người nhằm sớm xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống mua người năm 2011.
– Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định cụ thể việc loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người, cụ thể: nạn nhân của tội phạm mua bán người có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán dâm hoặc truy cứu TNHS đối với các hành vi xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh… Chính điều này đã tạo tâm lý lo lắng, sợ hãi cho những nạn nhân của tội phạm mua bán người không muốn và luôn tìm cách lảng tránh tham gia các hoạt động tố tụng hình sự để tránh bị xử lý, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân và công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, tại Điều 6 Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và Thái Lan về hợp tác nhằm loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán quy định như sau:
“Điều 6. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán được coi là nạn nhân chứ không phải là người phạm tội hoặc vi phạm luật nhập cư.
1. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán không bị truy tố về việc nhập cư bất hợp pháp;
2. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán không bị giam giữ tại trung tâm giam giữ nhập cư trong thời gian chờ đợi được hồi hương mà sẽ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Công an (Việt Nam) hoặc Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người (Thái Lan), các nạn nhân được bố trí chỗ ở và được bảo vệ theo chính sách của mỗi nước;
3. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán;
4. Các nạn nhân được đối xử nhân đạo trong suốt quá trình bảo vệ, hồi hương và tố tụng”.
Tác giả cho rằng, đây là một trong những quy định có giá trị pháp lý và thực tiễn cao. Tuy vậy, nạn nhân của tội mua bán người đa phần là những người có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật kém. Do đó, việc quy định miễn trừ TNHS (hoặc kể cả trách nhiệm hành chính) tại các Hiệp định song phương giữa các quốc gia đã phần nào gây khó khăn cho nạn nhân, hạn chế họ trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần sớm bổ sung, cụ thể hóa nội dung này tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam hiện nay (bao gồm cả lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và hình sự). Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần quan tâm hơn nữa; đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp; thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền; cập nhật các quy định mới của pháp luật; các chính sách nhân đạo của Nhà nước về việc miễn trừ trách nhiệm hành chính, TNHS, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân của tội mua bán người để họ yên tâm tham gia các hoạt động tố tụng hình sự và trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này tại Việt Nam.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới, có khoảng 800.000 – 1.000.000 người bị mua bán, như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán trong một ngày. Lợi nhuận có được từ mua bán người khoảng 150 tỷ USD mỗi năm . Tại Việt Nam, theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, cả nước xảy ra 868 vụ mua bán người với 1.140 đối tượng lừa bán 2.355 nạn nhân. Có thể thấy, tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu. Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại Australia – một trong những quốc gia đã xây dựng được hệ thống pháp lý vững chắc, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng ngừa và trấn áp loại tội phạm này, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và nâng cao công tác phòng ngừa, xử lý đối với loại tội phạm mua bán người trong thời gian tới./.
1.https://www.antislavery.org/slavery-today/human-trafficking/, truy cập ngày 13/02/20
2.https://humantraffickinghotline.org/what-human-trafficking/human-trafficking/traffickers, truy cập ngày 13/02/2019.
3.https://humantraffickinghotline.org/what-human-trafficking/human-trafficking/victims, truy cập ngày 14/02/2019.
4.https://www.cdpp.gov.au/crimes-we-prosecute/human-trafficking-and-slavery, truy cập ngày 14/02/2019.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận