Tội phạm và tệ nạn ma tuý đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước

Tối 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy do Bộ Công an - cơ quan thường trực về phòng chống ma túy tổ chức.

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 11/6 (1948- 2023) và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy -tháng 6/2023.

Chương trình đã tôn vinh 143 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống ma túy, đại diện cho hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân thuộc các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trên toàn quốc đã nỗ lực không ngừng, cùng chung tay đóng góp công sức cho công tác phòng, chống ma túy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 đơn vị: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an TP Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn của nhân loại và hiện nay đang diễn biến rất phức tạp tại nước ta. Phòng, chống ma túy là cuộc chiến đầy cam go, gian khổ, thậm chí là hy sinh, nhưng hết sức quan trọng và vẻ vang để giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, hậu quả của tệ nạn ma túy làm tổn hại sức khỏe và cuộc sống bình yên của nhân dân; gây ra những nỗi đau, sự mất mát với nhiều gia đình và cộng đồng; làm phát sinh các loại tội phạm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội; đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của quốc gia, dân tộc.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các điển hình tiên tiến

Theo thống kê, trên thế giới hiện có hơn 275 triệu người sử dụng ma túy bất hợp pháp. Nước ta hiện có khoảng 196.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; đa số không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh tội phạm và phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, đặc biệt là khoa học và công nghệ, tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn; gắn kết ngày càng chặt chẽ với các loại tội phạm khác. Tội phạm ma túy là những đối tượng phức tạp, nguy hiểm, ngày càng có xu hướng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau. Tình hình ma túy học đường diễn biến phức tạp; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng cao ở lứa tuổi trẻ. Tội phạm và tệ nạn ma tuý đã gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, sự đồng lòng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và đặc biệt là nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của lực lượng công an nhân dân với vai trò nòng cốt của mình, công tác phòng, chống ma túy đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, nhận thức và hành động về công tác phòng, chống ma túy tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật được bổ sung, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống ma túy.  Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai được triển khai thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Sự phối hợp, hợp tác với các tổ chức quốc tế, cơ quan thực thi pháp luật của các nước ngày càng chặt chẽ hơn, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy được đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học…

Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; giải quyết và chuyển hóa cơ bản nhiều "điểm nóng" ma túy; từng bước ngăn chặn "nguồn cung" ma túy.

Thủ tướng nhấn mạnh: Ma túy đã gây tiếc nuối, nhấn chìm tương lai của biết bao người; làm rơi nước mắt của biết bao người cha, người mẹ, người thân; gieo rắc nỗi đau, thậm chí làm tan vỡ biết bao gia đình hạnh phúc; là nguồn cơn của biết bao hậu quả cho toàn xã hội.

Ma túy là vấn đề toàn cầu nên thế giới phải cùng chung tay để có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu. Ma túy là vấn đề toàn dân, là vấn đề của toàn xã hội, là hiểm họa của quốc gia, dân tộc, nên chúng ta phải đoàn kết, cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn vô cùng nguy hiểm này. Phải coi tội phạm ma túy là kẻ thù của sự phát triển; là kẻ thù chung của tất cả chúng ta.

Để công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được tăng cường và nâng cao hiệu quả, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy; sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, lực lượng công an nhân dân là nòng cốt.

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống ma túy. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống ma túy; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác này.

Cùng với đó, đa dạng hóa nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy; trọng tâm là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm. Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; trong đó, thiết kế, triển khai các chương trình giáo dục ngoại khóa, kỹ năng, nhất là trong các dịp nghỉ hè để các cháu tham gia các hoạt động tích cực, góp phần tránh xa tệ nạn ma túy.

Tăng cường đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp; các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia, nhất là trên các tuyến biên giới đất liền, trên biển, cửa khẩu, hàng không, bưu điện...  trên cơ sở "phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, từ cơ sở".

Đồng thời, nắm chắc địa bàn, tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp. Tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai; chú trọng nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở.

Theo Thủ tướng, "gia đình là hạt nhân của xã hội"; có nhiều nạn nhân của tệ nạn ma túy xuất phát từ những hoàn cảnh thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình, bị kẻ xấu lôi kéo; vì vậy các gia đình hãy quan tâm để con em mình tránh xa ma túy.

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác phòng, chống ma túy của Việt Nam. "Chúng ta cùng tin tưởng chắc chắn rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cùng với sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, hiểm họa ma tuý nhất định sẽ bị loại trừ, một cộng đồng sạch ma túy sẽ là tương lai gần của chúng ta", Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Nhật Bắc

BẢO THƯ