Tội rửa tiền và hướng dẫn áp dụng của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội rửa tiền, đây là loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, nên Nghị quyết có ý nghĩa rất thiết thực đối với người tiến hành tố tụng và mọi công dân.
1. Bộ luật Hình sự quy định tội rửa tiền
Tội “Rửa tiền” được quy định lần đầu tiên trong BLHS của nước ta vào ngày 19/6/2009 (ngày Quốc hội thông qua BLHS sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1999) cụ thể là:
Điều 251 BLHS 1999 quy định tội :Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có” đã được sửa đổi thành điều luật quy định tội “Rửa tiền”.
Việc sửa đổi Điều 251 BLHS năm 1999 là để phù hợp với tình hình chung của thế giới về đấu tranh chống hành vi rửa tiền đối với người phạm tội. Vào thời điểm năm 2009 có Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Tội “Rửa tiền” có hiệu lực thi hành ở nước ta từ ngày 01/ 01/ 2010 và tiếp tục được quy định trong BLHS năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015).
Điều 324 BLHS năm 2015 quy định tội “Rửa tiền”với 4 nhóm hành vi sau đây:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Hướng dẫn thực hiện
Để thực hiện đúng và thống nhất quy định về tội rửa tiền, ngày 24 /5/ 2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền. Nghị quyết có 06 Điều, nhưng cần nắm vững hướng dẫn tại các Điều 2, 3, 4 và Điều 5, cụ thể là:
Điều 2: Giải thích một số thuật ngữ quy định trong Điều 324 về tội rửa tiền để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại phiên tòa có sự nhận thức thống nhất, đúng với ý chí của nhà làm luật.
Ví dụ 1: Thuật ngữ tiền quy định trong Điều 324 BLHS năm 2015 về tội rửa tiền thì được giải thích “Tiền bao gồm: Việt Nam đồng, ngoại tệ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản”.
Ví dụ 2: Thuật ngữ tài sản quy định trong Điều 324 năm 2015 về tội rửa tiền thì được giải thích: “Tài sản bao gồm: Vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của BLDS có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình hoặc vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.”…
Điều 3: Hướng dẫn về tội phạm nguồn và được giải thích tội phạm nguồn là: “Tội phạm được quy định trong BLHS và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền”.Tại Điều 3 có nêu cụ thể 35 tội phạm nguồn và hướng dẫn cụ thể là: “Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của BLHS Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm”.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc trúy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn.
Điều 4: Hướng dẫn về một số tình tiết định tội. Cụ thể là hướng dẫn thực hiện các tình tiết định tội quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Đ iều 324 BLHS năm 2015 như sau:
Về hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS được hướng dẫn: “Thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:
“a….
b…..
…….”
Về hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS được hướng dẫn là: Thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”.
“a…..
b…..
c….
d….”
Về hành vi “sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào tiến hành các hoạt động kinh doanh” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của BLHS được hướng dẫn là: “Hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.
Về hành vi “Sử dụng tiền, tiền tài do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của BLHS được hướng dẫn là: “Hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác”.
Về hành vi “Cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của BLHS được hướng dẫn là: “Hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản”. Ví dụ cung cấp tài liệu thông tin giả, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…
Điều 5: Hướng dẫn về một số tình tiết định khung hình phạt, cụ thể là:
Tình tiết “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 324 của BLHS, được hướng dẫn là “Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản1Điều 324 của BLHS và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết này”.
Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của BLHS, được hướng dẫn là “Trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 2 lần trở lên, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của BLHS, được hướng dẫn là “Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiêm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập”.
Tình tiết “Dùng thủ đoạn tinh vi, sảo quyệt” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của BLHS được hướng dẫn là “Trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”.
Tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia” quy định điểm c khoản 3 Điều 324 của BLHS, được hướng dẫn là: “Trường hợp hành vi phạm tội làm ảnh hưởng đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia” ví dụ làm mất lòng tin của công chúng, làm mất khả năng thanh toán, mất cân bằng hệ thống tài chính tiền tệ.
3. Một số vấn đề lưu ý
Căn cứ nội dung quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 về tội rửa tiền và Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về áp dụng Điều 324 BLHS năm 2015 về tội rửa tiền, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được sự lưu ý của người tiến hành tố tụng và của mọi công dân đối với tội phạm rửa tiền.
Trước hết, chủ thể của tội phạm rửa tiền, là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại. Nếu là cá nhân thì có thể là công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Nếu là pháp nhân thương mại thì đó là pháp nhân thương mại Việt Nam.
Người phạm tội rửa tiền có thể đồng thời là người phạm tội nguồn, vì người thực hiện hành vi phạm tội nguồn sau khi chiếm đoạt được tiền, tài sản do phạm tội nguồn mà có, người phạm tội nguồn lại thực hiện hành vi rửa tiền thuộc một trong bốn nhóm hành vi phạm tội quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 để làm cho tiền, tài sản do phạm tội mà có trở thành tiền, tài sản hợp pháp.
Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong BLHS năm 2015, hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vấn đề này được hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tại điểm 1 Điều 3 của Nghị quyết số 03/2019/ NQ-HĐTP ngày 2 4-5-2019 với nội dung là “Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong BLHS và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền … Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện…” Hướng dẫn này có liên quan đến pháp nhân thương mại Việt Nam và đúng với quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015. Điều 76 BLHS năm 2015 quy định “phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” trong điều luật này có quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 324 (quy định tội rửa tiền).
4. Đề nghị
Tại điểm 3 Điều 2 của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5-2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn như sau: “Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây:
a) Bản án, quyết định của Tòa án…”
Hướng dẫn này có thể dẫn đến áp dụng không thống nhất. Vì bản án quyết định của Tòa án có 02 loại là bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và loại bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.
Để áp dụng thống nhất, chúng tôi đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC bổ sung cụm từ “có hiệu lực pháp luật” nối tiếp sau hướng dẫn tại tiết a điểm 3 Điều 2 của Nghị quyết. sau khi bổ sung, nội dung hướng dẫn tại tiết a điểm 3 Điều 2 của Nghị quyết sẽ là: “a) Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận