Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và những bất cập, giải pháp
Hiện nay tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực, trôi nổi trên thị trường, trở thành một vấn nạn không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù.
1. Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” tại Điều 192, trong đó:
1.1 Về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là chủ thể thường, bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự; pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
1.2 Về mặt khách thể:
Khách thể xâm hại của tội phạm này là hoạt động quản lý thị trường của Nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa được phép sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng trên thị trường, đồng thời là quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh hàng hóa và người tiêu dùng.
1.3 Về mặt chủ quan:
Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Chủ thể thực hiện tội phạm nhận thức rõ mặt hàng mà mình sản xuất, buôn bán là hàng giả nhưng vẫn cố tình và mong muốn thực hiện tội phạm vì mục đích trục lợi.
1.4 Về mặt khách quan:
Điều luật quy định hành vi khách quan của tội phạm này gồm 02 loại hành vi là sản xuất hàng giả và buôn bán hàng giả.
Hành vi sản xuất hàng giả là hành vi tạo ra các loại sản phẩm, hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu, hàng hóa của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
Buôn bán hàng giả là hành vi mua đi bán lại loại hàng hóa biết rõ là giả nhằm thu lời bất chính. Hành vi này bao gồm việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả bao gồm (1) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (2) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (3) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016; (4) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; (5) Hàng hoá có nhãn hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hoá hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; (6) Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả đều bị truy tố về tội danh này. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có các tội danh riêng quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195). Do đó, khoản 1 Điều 192 quy định loại từ đối với các hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều luật trên.
Việc thực hiện một hoặc cả hai hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả chỉ cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; (2) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Để xử lý tội phạm này thì cần xác định giá trị tương đương của hàng giả so với giá trị của hàng thật trên thị trường. Trường hợp khó xác định hàng thật thì so sánh với hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng để xác định giá trị.
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị người sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra.
2. Thực tế áp dụng và những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”:
2.1 Thực tế áp dụng:
Tính từ ngày 01/01/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) đến hết năm 2022, tổng số các vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” các Tòa án nhân dân đã thụ lý là 255 vụ án/642 bị cáo (cụ thể năm cụ thể năm 2018 là 45 vụ án/72 bị cáo; năm 2019 là 46 vụ án/89 bị cáo; năm 2020 là 38 vụ án/127 bị cáo và năm 2021 là 52 vụ án/186 bị cáo; năm 2022 là 74 vụ án/168 bị cáo). Các Tòa án nhân dân đã xét xử 197 vụ án trên tổng số 495 bị cáo đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự (cụ thể năm 2018 là 36 vụ án/61 bị cáo; năm 2019 là 42 vụ án/80 bị cáo; năm 2020 là 28 vụ án/64 bị cáo và năm 2021 là 37 vụ án/153 bị cáo; năm 2022 là 54 vụ án/137 bị cáo).
2.2: Khó khăn, vướng mắc:
2.2.1: Khó khăn trong việc định tội danh:
Thứ nhất là về xác định tội danh:
Đối với tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Mục đích của người sản xuất, buôn bán hàng giả là nhằm mục đích thu lợi bất chính. Động cơ, mục đích phạm tội này tương đồng với động cơ, mục đích phạm tội đối với nhiều loại tội phạm khác, đặc biệt là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người thực hiện hành vi phạm tội cũng đưa ra các thông tin giả mạo (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin là thật để chiếm đoạt tài sản của những người này. Tuy nhiên, khi xét xử cần lưu ý đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội sử dụng hàng giả như một thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản, và về mặt chủ quan thì người bị hại trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được xác định trước, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là dùng hàng giả để lừa đảo những cá nhân xác định nhằm chiếm đoạt tài sản, còn người sản xuất hàng giả không hướng đến một đối tượng cụ thể, mà hướng đến việc tiêu thụ hàng hóa chung nhằm mục đích thu lợi.
Việc xác định “Tội buôn bán hàng giả” và “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, xuất xứ hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chính là đối tượng của các dạng hành vi trái phép trên. Sản phẩm bị coi là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi một chủ thể không phải chủ sở hữu, không phải là người có quyền sử dụng hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa … đang trong thời hạn bảo hộ mà thực hiện những hành vi xâm phạm như trên để sản xuất ra các sản phẩm, lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán hàng hóa xâm phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có một bộ phận bị trùng nhau. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng chỉ dẫn thương mại như: nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý…
Thứ hai là, Bộ luật Hình sự năm 2015 lại không quy định cụ thể đối với đối tượng là “vật liệu xây dựng” là một trong những tình tiết định khung tăng nặng là không hợp lý. Bởi lẽ, tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm; không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống cây trồng … nhưng vật liệu xây dựng giả khi đưa vào xây dựng các công trình đường sá, cầu cống, nhà cao tầng, đập thủy điện sẽ tiềm tàng nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng của con người, tài sản của người dân cũng như ngân sách nhà nước và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ ba là, việc xác định thời điểm hoàn thành tội phạm trong một số trường hợp cụ thể còn khó khăn. Đối với tội sản xuất hàng giả thì tội phạm hoàn thành ở thời điểm bị cáo thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất hàng giả hay chỉ cần một trong số các giai đoạn đó.
Thứ tư là, khó khăn trong việc xử lý pháp nhân phạm tội: cũng giống như thể nhân, pháp nhân thương mại tham gia vào quan hệ pháp luật là chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác nên pháp nhân thương mại phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân - người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, khi pháp nhân ra đời nhưng chưa có người đại diện, người đại diện chỉ được xác định sau khi pháp nhân tiến hành các thủ tục cần thiết mà pháp nhân này lại thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả được quy định là tội phạm thì việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong trường hợp này gặp khó khăn.
Ngoài ra, nhiều thuật ngữ, khái niệm trong tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” còn chung chung, chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn như: “hàng giả tương đương với số lượng hàng thật”; “hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng”…
3. Giải pháp
- Bổ sung hướng dẫn về khái niệm “hàng giả”. Có thể xây dựng khái niệm hàng giả như sau: “Hàng giả là tất cả các loại hàng hóa được sản xuất trái pháp luật dựa trên các hàng hóa đã có trên thị trường, có những đặc điểm, tính chất, kiểu dáng và các thông tin dấu hiệu của hàng thật nhưng không đủ tiêu chuẩn chất lượng quy định, gây nhầm lẫn với hàng hóa đang được bảo hộ nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính”.
- Đề nghị thay đổi quy định giá trị hàng giả thấp hơn 30 triệu đồng theo hướng hạ thấp phù hợp với thực tế. Bởi theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, thì chỉ những hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng phải gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án thì mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiện, thực tiễn thì có nhiều trường hợp việc sản xuất, vận chuyển tiêu thụ hàng giả ở mức nhỏ lẻ, dưới 30 triệu đồng nên khó để xử lý hình sự các hành vi này;
- Hướng dẫn cụ thể trong quá trình tổ chức giám định về xác suất, tỉ lệ % hay phương thức giám định của cả lô hàng để phục vụ giải quyết vụ án kịp thời có tác dụng phòng ngừa và răn đe tội phạm.
- Hướng dẫn cụ thể về phạm tội chưa đạt, thời điểm hoàn thành tội phạm đối với tội “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, cũng như các tội “ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực thẩm”; “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 BLHS năm 2015.
- Hướng dẫn cụ thể đối với các thuật ngữ: “hàng giả tương đương với số lượng hàng thật”; “hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng”, “quy mô thương mại”…
- Hướng dẫn xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả; hành vi sản xuất hàng giả để buôn bán, tàng trữ hàng giả để buôn bán. Hướng dẫn xử lý hành vi sản xuất hàng giả nhưng không buôn bán mà để sử dụng, đang sử dụng, đã sử dụng.
- Hướng dẫn về thời điểm tính giá trị của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng được quy định trong các cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng là được tính từ thời điểm sản xuất, buôn bán được giám định, định giá hay là thời điểm cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành giám định, định giá vì vấn đề này liên quan đến loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý tương ứng, khung tăng nặng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm pháp lý…
Bài liên quan
-
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp hoàn thiện
-
Gần 100 Khu công nghiệp cùng bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
-
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm xem xét sửa đổi
-
OCB triển khai giải pháp thấu chi dành cho doanh nghiệp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận