Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự - Bất cập và kiến nghị
Điều 332 BLHS năm 2015 quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhằm mục đích đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý để răn đe loại tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
1. Quy định của BLHS năm 2015
Khoản 1 Điều 332 BLHS năm 2015 đã khái niệm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Khách thể của tội phạm này là hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.
Hành vi khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự được thể hiện dưới 3 dạng sau:
Không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đây là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật như đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự có thẩm quyền để đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký…
Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Đây là hành vi của người đăng ký nghĩa vụ quân sự, đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.
Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Đây là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được chương trình huấn luyện.
Cơ sở pháp lý để xác định hành vi vi phạm thuộc tội này là quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Những hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm khi đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích về hành vi này mà còn vi phạm. Hành vi “trốn tránh” nếu thực hiện trước khi địa phương giao quân cho đơn vị quân đội tiếp nhận thì mới cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi này xảy ra sau đó thì xem xét xử lý về tội đào ngũ (Điều 402 BLHS năm 2015).
Căn cứ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, chủ thể của hành vi không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân Việt Nam, nam từ đủ 17 tuổi. Chủ thể của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì đến hết 27 tuổi.
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015, người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Nếu không có mục đích này thì không cấu thành tội phạm.
2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
2.1. Một số bất cập
Qua thực tiễn xét xử, tác giả nhận thấy quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015 và pháp luật có liên quan còn tồn tại một số bất cập như sau:
Một là, quy định của Điều 332 BLHS năm 2015 không đồng nhất với quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Cụ thể, Điều 332 BLHS năm 2015 quy định về các hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự bao gồm 3 hành vi: Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Trong khi đó khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.
Từ việc đối chiều hai quy định trên, tác giả nhận thấy BLHS năm 2015 đã không quy định hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung “diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Do đó khi cá nhân vi phạm các hành vi trên sẽ không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai là, quy định về xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở cấu thành tội phạm được quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (gọi tắt là Nghị định số 120/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Nghị định số 34/2022/NĐ-CP).
Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm trên vẫn liên quan đến các văn bản như: Luật Quốc phòng năm 2005; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1990, 1994 và 2005; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân năm 2008; Luật Dân quân tự vệ năm 2009; Pháp lệnh Về lực lượng dự bị động viên năm 1996;... Hiện nay các văn bản trên đều đã hết hiệu lực và được thay thế bằng các luật mới.
2.2. Kiến nghị hoàn thiện
Từ những bất cập như trên, để hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tác giả kiến nghị:
Một là, đề nghị sửa đổi quy định của Điều 332 BLHS năm 2015 theo hướng: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn hiện nay./.
Thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ. Ảnh: Phạm Hùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận