Một số bất cập trong xét xử tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm và đề xuất, kiến nghị
Sở dĩ tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” được đặt trong chương các tội phạm về môi trường, là vì tất cả các loài động vật, thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Danh mục Nhóm IB, Phụ lục I Công ước CITES đều bị cấm mua bán, vận chuyển, khai thác, sử dụng. Bài viết nêu các quy định của pháp luật, thực trạng xét xử qua đó nêu một số kiến nghị nhằm thống nhất trong xử lý loại tội phạm nay.
1. Các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm
Việt Nam tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) từ năm 1994 và thuộc 10 nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm thuộc các Phụ lục của Công ước Cites.
Để quản lý, bảo vệ, khai thác có kiểm soát nguồn tài nguyên này, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và tích cực thỏa thuận, tham gia điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó, quan trọng nhất phải kể đến Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để quản lý động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm theo chuỗi từ bảo tồn; khai thác, nuôi trồng, chế biến; kinh doanh, xuất khẩu nhập khẩu bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; tạo sự minh bạch trong quản lý; chế tài xử lý vi phạm được tăng mạnh để bảo đảm tính răn đe; trong đó, một số hành vi vi phạm về chế độ quản lý động, thực vật này đã bị đưa vào xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”; Điều 63 quy định “1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; 2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; 3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây viết tắt là BLHS 2015) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, quy định Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm có nhiều điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là BLHS 1999), cơ bản như: mở rộng đối tượng các loài động vật được bảo vệ, mở rộng hành vi khách quan; quy định mức định lượng các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, sản phẩm, bộ phận cơ thể của động vật nguy cấp, quý, hiếm; nâng mức hình phạt; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Để hướng dẫn chi tiết Điều 244 BLHS 2015, ngày 05/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP.
Tội phạm này được đặt trong chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX của BLHS). Sở dĩ như vậy vì tất cả các loài động vật, thực vật rừng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Danh mục Nhóm IB, Phụ lục I Công ước CITES đều bị cấm buôn bán. Tội phạm này xâm phạm tới các quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm đến các quy định của nhà nước trong việc bảo vệ cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của loài động vật này. Đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm này là động vật nguy cấp, quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn rất ít trong tự nhiên và có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo quy định tại Điều 244 BLHS 2015, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP cũng như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp theo danh mục nhóm IB và nhóm IIB chỉ liệt kê các loài động vật, chưa nêu khái niệm thế nào là “Nguy cấp, quý, hiếm”. Theo quy định tại Luật đa dạng sinh học thì: Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa – lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.
Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 BLHS 2015 là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Như vậy, đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm này thuộc 03 loại danh mục sau:
(1) Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ (thay thế Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013);
(2) Danh mục nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB;
(3) Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cá thể là cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, hướng dẫn bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật là những bộ phận thực hiện chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…).
Việc hướng dẫn bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật, có ý kiến cho rằng cần hướng dẫn thêm bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống gồm cả những bộ phận cơ thể của động vật khi tách ra khỏi cơ thể của động vật thì động vật đó không chết ngay nhưng làm mất khả năng sinh tồn của động vật dẫn đến động vật đó sẽ chết để bảo đảm công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm được hiệu quả. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng, theo quy định tại Điều 244 BLHS thì chính sách xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật giống như đối với cá thể động vật. Như vậy, bộ phận không thể tách rời sự sống phải là những bộ phận mà khi bị lấy đi sẽ làm cá thể động vật đó chết thì mới tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đối với những bộ phận khi tách rời khỏi cá thể động vật mà động vật đó không chết ngay thì xử lý hình sự như đối với sản phẩm của động vật.
Theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm gồm: Các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật đã qua chế biến.
Hành vi khách quan của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bao gồm:
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I của Công ước CITES gồm các nhóm hành vi sau: Hành vi săn bắt trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi săn bắt động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc săn bắt trong khu vực cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoặc săn bắt trong thời gian bị cấm, ví dụ như săn bắt vào mùa sinh sản, mùa di cư; Hoặc sử dụng công cụ săn bắt bị cấm như sử dụng vũ khí quân dụng, mũi tên tẩm thuốc độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy sập lớn hoặc các công cụ , phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng. Hành vi giết trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm, trừ trường hợp động vật nguy cấp, quý, hiếm đó đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người. Hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào và không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép… mà không nhằm mục đích buôn bán; việc vận chuyển có thể nhằm mục đích thu lợi nhuận hoặc không thu lợi nhuận. Hành vi nuôi trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi cho ăn, chăm sóc động vật nguy cấp, quý, hiếm mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Nuôi gấu tại trang trại không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; nuôi Rái cá tại gia đình để làm cảnh. Hành vi nhốt trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi giữ động vật trong chuồng, cũi hoặc nơi được chắn kín, hạn chế tự do đi lại, không đảm bảo điều kiện sống bình thường, tự nhiên và an toàn đối với động vật. Hành vi buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển nhượng mang tính thương mại động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm gồm các nhóm hành vi sau: Hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi lưu giữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, ví dụ như hành vi tàng trữ cá thể Hổ, cá thể rắn Hổ chúa đã cấp đông hoặc đầu Bò tót, tim Hổ, túi mật của Gấu; trứng Vích… Hành vi vận chuyển trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển dịch trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của 16 động vật nguy cấp, quý, hiếm từ nơi này đến nơi khác mà không với mục đích buôn bán hay sử dụng. Hành vi buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi chuyển nhượng mang tính thương mại cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, ví dụ như đầu Bò tót, tim Hổ, túi mật của Gấu … hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật mà không được pháp luật cho phép. Sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm thường được tồn tại dưới hai dạng: Sản phẩm được hình thành một cách tự nhiên, ví dụ như trứng, sữa, tinh dịch; dạng thứ hai là sản phẩm được tạo thành có nguồn gốc nguyên liệu từ động vật nguy cấp, quý, hiếm nhưng đã qua quá trình tác động của con người, ví dụ như gia công đồ thủ công mỹ nghệ từ ngà voi, răng hổ; cao xương động vật, rượu ngâm động vật…
Điều 244 BLHS 2015 đã quy định rõ số lượng, trọng lượng của loài, lớp động vật nguy cấp, quý, hiếm để làm căn cứ xử lý hình sự và phân hóa mức độ phạm tội. Số lượng tối thiểu để xử lý hình sự là:
(a) Đối với động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép không phân biệt số lượng đều phải bị xử lý hình sự;
(b) Đối với ngà voi có khối lượng từ 02 kg;
(c) Đối với sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam;
(d) Đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB và Phụ lục I Công ước CITES thì số lượng từ 03 cá thể là lớp thú, từ 07 cá thể là lớp chim, bò sát và 10 cá thể là động vật lớp khác.
Theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướn dẫn “Động vật lớp khác” là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước CITES.
Đối với trường hợp dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS thì xử lý về hình sự trong hai trường hợp sau:
(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 244 BLHS mà còn vi phạm.
Theo khoản 9 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS 2015.
(b) Đã bị kết án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
3. Xử lý hình sự trong một số trường hợp cụ thể và bất cập
Đối với hành vi chiếm đoạt động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, bộ phận cơ thể, sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm: Hành vi chiếm đoạt này không phải là hành vi khách quan của Điều 244 BLHS 2015 mà là hành vi khách quan của tội phạm chiếm đoạt. Do đó, đường lối xử lý hình sự đối với hành vi chiếm đoạt nêu trên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu hoặc tội phạm về tham nhũng quy định tại Chương XXIII.
Ví dụ: Phạm Minh H cán bộ Cục Hải quan tỉnh H được phân công làm nhiệm vụ thủ kho quản lý kho tang vật. Do cần tiền chi tiêu nên H đã bàn với Trần Trọng C (là bạn ngoài xã hội) làm giả ngà voi và sừng tê giác giống với mẫu vật ở trong kho của Cục Hải quan tỉnh H để H đánh tráo niêm phong, lấy mẫu vật thật ra bán. C đồng ý và giới thiệu bán cho Hoàng Văn D số ngà voi và sừng tê giác thật là tang vật của vụ án.
Đối với hành vi nêu trên của Phạm Minh H và Trần Trọng C có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất, Phạm Minh H, Trần Trọng C phạm tội Tham ô tài sản; Quan điểm thứ hai, Phạm Minh H, Trần Trọng C phạm tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản theo Điều 310 BLHS năm 1999 (Điều 385 BLHS năm 2015); Phạm Minh H và Trần Trọng C phạm tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật, thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Điều 190 BLHS năm 1999 (Điều 244 BLHS năm 2015).
Trong trường hợp này, Phạm Minh H là cán bộ Cục Hải quan tỉnh H, được phân công nhiệm vụ là Thủ kho Kho vật chứng của Cục Hải quan tỉnh H. H là người có trách nhiệm quản lý, bảo quản số vật chứng trong kho. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, H đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để cấu kết với Trần Trọng C (là đối tượng ngoài xã hội) làm giả ngà voi, sừng tê giác giống với mẫu vật ở trong kho rồi đánh tráo niêm phong, lấy mẫu vật là ngà voi và sừng tê giác thật do mình có trách nhiệm quản lý đem bán cho Hoàng Văn D. Hành vi của H có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản. Trần Trọng C là người không có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý vật chứng, nhưng đã cấu kết với H để làm giả ngà voi, tê giác nhằm giúp H đánh tráo lấy ngà voi, sừng tê giác thật; C còn giới thiệu để H đem bán số ngà voi, sừng tê giác chiếm đoạt được cho Hoàng Văn D nên đồng phạm với H về tội Tham ô tài sản. Động cơ, mục đích của H là nhằm chiếm đoạt tài sản (bằng việc bán vật chứng để lấy tiền), chứ không nhằm mục đích làm mất giá trị chứng minh của vật chứng để làm cho việc giải quyết vụ án bị sai lệch hoặc mua bán động vật hoang dã để kiếm lời và không rõ số vật chứng này là vật chứng của vụ án cụ thể nào. Do đó, hành vi của H không thỏa mãn cấu thành tội Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản quy định tại Điều 310 BLHS năm 1999 hoặc tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ quy định tại Điều 190 BLHS năm 1999.
Trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 244 BLHS 2015 thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau, theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP là: Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES mà mỗi loài chưa đủ số lượng theo từng quy định tại Điều 244 BLHS thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Đối với hướng dẫn này, có ý kiến cho rằng, trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự như vậy mới đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay BLHS 2015 cũng như văn bản hướng dẫn về việc quy đổi này là chưa có nên không có cơ sở cho việc quy đổi.
“Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm” được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 244 BLHS 2015 theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn “Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài. Do đó, việc quy định tình tiết định khung này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và thống nhất pháp luật, nên thực tiễn xử lý rất khó khăn, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhất là của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Về vấn đề xử lý vật chứng: Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP thì“Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:
a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên thì các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) còn nhiều nơi áp dụng không thống nhất trong việc xử lý vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Có Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tiêu hủy, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho cơ quan kiểm lâm, có Cơ quan tiến hành tố tụng giao cho Bảo tàng; đối với ngà voi, sừng tê giác, có Tòa án tuyên tịch thu tiêu hủy, có Tòa án tuyên tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 304/2018/HSST ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, xử lý vật chứng gồm 08 cá thể động vật (đã chết, bị lột vảy, bỏ phủ tạng, đông lạnh) là loài Tê tê Java và 04 chi động vật (02 chi trước và 02 chi sau) là chi loài Gấu ngựa, giao cho Bảo tàng thiên nhiên.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HS-ST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, xử lý vật chứng gồm 05 cá thể hổ, 01 bộ phận sinh dục của hổ đực, 50kg vảy tê tê, mật chó, mật bò, răng chó và 01 cá thể khỉ đã chết, cơ quan điều tra đã tiêu hủy.
- Việc định giá đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm:
Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, quy định việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong những căn cứ sau: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
Tuy nhiên, có bất cập là mỗi địa phương hoặc khu vực giá khác nhau nên việc áp dụng giá không thống nhất, không chính xác dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng. Cùng về một hành vi, việc áp dụng giá không thống nhất dẫn đến cùng một loài, một cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ở địa phương khác thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Một số kiến nghị, đề xuất:
– Hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài. Do đó, việc quy định tình tiết định khung này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và thống nhất pháp luật, nên thực tiễn xử lý rất khó khăn, cần có sự hướng dẫn của của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất trong xử lý.
– Cần có quy định theo hướng đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự như vậy mới đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm.
– Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống và vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
– Cần có hướng dẫn thống nhất về việc định giá đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận