TP.Hồ Chí Minh cương quyết xử lý tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê
Thời gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và đòi nợ thuê trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân, đồng thời còn làm mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Sau một thời gian im ắng, gần đây, dịch vụ cho vay nặng lãi quay trở lại một cách rầm rộ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, bắt đầu từ các quận trung tâm, sau đó lan ra các khu vực ngoại thành. Đi trên đường, đâu đâu cũng bắt gặp những tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, cầm đồ với thủ tục nhanh gọn. Không chỉ dán trên tường nhà, cột điện, các đối tượng nói trên còn cho nhân viên đi phát tờ rơi tại các điểm dừng đỗ, khu vực có đèn xanh, đèn đỏ…
Các đối tượng cho vay nặng lãi thường đưa ra điều kiện vay dễ dãi để hút người cần vay như: Không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu là có tiền ngay trong vài phút với lãi suất ưu đãi… Tuy nhiên, sau khi đã vay được tiền, người vay bị sa vào cái bẫy khó lòng thoát ra được, thậm chí có người còn mất trắng tài sản, nhà cửa, bởi “lãi mẹ đẻ lãi con” có thể lên đến trên 280%/năm.
Với người cần vay số tiền lớn, các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay nặng lãi bằng các hợp đồng mua bán xe hoặc nhà trả góp, nhưng chỉ cần thế chấp hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân mà không cần làm hợp đồng vay. Khi giao dịch, người vay tiền buộc phải kí giấy bán ô tô, xe mô tô cho đối tượng, sau đó kí hợp đồng thuê lại chính chiếc xe của mình rồi trả tiền thuê hàng tháng với giá cao. Bằng chiêu trò này, khi công an vào cuộc điều tra sẽ không tìm thấy bằng chứng thể hiện việc vay nợ.
Về phía người vay nợ, do tâm lý sợ bị trả thù nên mặc dù tiền trả lãi cao gấp nhiều lần vốn vay ban đầu, đời sống bị đảo lộn, kinh tế rơi vào cảnh khánh kiệt, tính mạng của chính mình và những người thân trong gia đình bị uy hiếp, nhưng khi được mời lên lấy lời khai thì hầu như không ai dám khai thật. Họ thường nói rằng chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong giao dịch mua bán hàng hóa, thiếu tiền thuê phương tiện… giấu giếm chuyện vay và cho vay nặng lãi.
Để thực hiện cho vay với lãi suất “cắt cổ”, các đối tượng cầm đầu hoạt động này thường sử dụng một nhóm “giang hồ” với đủ các thành phần bất hảo làm các công việc như phát tờ rơi, dán quảng cáo, làm quen với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn ở các khu dân cư, môi giới những người này vay mượn tiền. Cũng những thành phần trên sẽ thực hiện việc đi thu tiền, nếu ai không trả nợ đúng hẹn, không đúng lãi suất… chúng sẽ đe dọa dùng bạo lực. Không những thế, những kẻ đòi nợ thuê sẵn sàng đổ sơn, mắm tôm, chất thải,… vào nhà con nợ nếu chậm hoặc không có khả năng thanh toán.
Mới gần đây, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu là giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh đã bị một nhóm “giang hồ” tới quậy phá, tạt sơn, mắm tôm và ném đá uy hiếp tính mạng gia đình chị. Thậm chí chúng còn mang khóa tới khóa cửa nhà cô giáo lại, khiến cả gia đình hoảng sợ phải chuyển đi nơi khác ở nhờ. Nguyên do là bởi cô giáo Hiếu có chị dâu bỏ nhà đi từ đầu tháng 7/2018. Từ đó, gia đình của nữ giáo viên bị “giang hồ” kéo tới nói chuyện, yêu cầu gia đình phải trả nợ. Gia đình cũng không hay biết khoản nợ từ đâu ra. Tìm hiểu thì được biết rằng chị dâu của cô giáo Hiếu có vay mượn của nhiều người nhưng chưa trả. Trước sự việc trên, chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống sơn sửa nhà, lắp camera bảo vệ cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, đồng thời lực lượng công an cũng cắt cử người tuần tra canh gác giữ trật tự an ninh khu vực này.
Hay như vào ngày 8/11 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, Quận 3, khi thấy một nhóm “giang hồ” kéo đến nhà lớn tiếng chửi bới, rồi hành hung đòi mẹ mình phải trả ngay số tiền nợ cả vốn lẫn lãi đã quá hạn, anh Võ Thanh Quân đã ra để giải cứu mẹ. Một đối tượng trong nhóm “giang hồ” đã rút hung khí đâm vào bụng anh Quân khiến anh này gục ngã ngay tại chỗ. Gây án xong, đám “giang hồ” đã chạy khỏi hiện trường. Anh Quân, do vết thương quá nặng, đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận 3 đã vào cuộc điều tra. Đến chiều 9/11, công an đã bắt được hung thủ.
Có thể thấy, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, vài năm trở lại đây, có rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh cùng cực do vay nặng lãi và bị “giang hồ” đòi nợ khiến họ phải sống trong cảnh chui lủi, thậm chí mất trắng nhà cửa… Sự lộng hành của những kẻ đòi nợ hoạt động theo sự thuê mướn, chỉ đạo của các đối tượng cho vay nặng lãi không chỉ dừng lại ở các vụ bắt cóc, đánh đập, mà chúng còn thường xuyên gọi điện thoại, hoặc đến tận nhà “con nợ” hăm dọa, thậm chí đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như đã nói ở trên.
Trước thực trạng bức xúc trên, các cấp ngành chức năng và nhất là Công an TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đấu tranh với các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân cảnh giác không tham gia vào vay nợ, cạm bẫy của “tín dụng đen”. Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các quận, huyện triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, triệt phá, đưa các đối tượng cho vay nặng lãi cùng đám tay chân là những đối tượng “giang hồ” ra xử lý trước pháp luật và bước đầu đã xóa sổ được một số băng nhóm.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.Hồ Chí Minh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nổi cộm nhất là các vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi. Để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này, Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, qua đó lập danh sách gần 600 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen để củng cố chứng cứ xử lý.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc Công an vào cuộc thì người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tự tìm hiểu để nhận biết được đâu là cho vay nặng lãi nhằm tránh rơi vào cái bẫy của các đối tượng. Người dân cũng cần phải trình báo với cơ quan công an ngay khi có hiện tượng đe dọa đòi nợ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Công an TP.Hồ Chí Minh cũng tăng cường công tác kiểm tra hành chính đối với các công ty đòi nợ, công ty tài chính, các dịch vụ cầm đồ núp bóng để răn đe, đồng thời cảnh báo người dân phải tỉnh táo trước bẫy tín dụng đen bởi vay rồi rất khó thoát ra, không nên nghe lời các đối tượng cho vay nặng lãi và không thế chấp tài sản. Dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên để hoạt động không chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà còn phải có giấy chứng nhận điều kiện về an ninh trật tự do lực lượng Công an cấp theo Nghị định 96/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, quy định cụ thể chỉ được “Tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ đòi nợ phải là người không có tiền án về các tội giết người, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và các tội xâm phạm sở hữu”. Tuy nhiên trên thực tế, các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có rất nhiều nhân viên các đối tượng “giang hồ cộm cán”.
Được biết, hiện nay TP.Hồ Chí Minh có khoảng hơn 60 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, chỉ có trên bốn chục công ty hoàn tất thủ tục và được Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động. Các công ty này vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỷ đồng, thấp nhất là 2 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã vừa có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Nếu không thể cấm, Thành phố đề nghị ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động, tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.
Theo dangcongsan.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn” không?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận