TP Hồ Chí Minh ưu tiên cho chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo kịp thời rút kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào ngày 26 và 27 /6 năm 2021. Sáng ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh  và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và phát biểu của các Phó Thủ tướng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận từng nội dung cụ thể.

Thủ tướng đánh giá: Tình hình dịch bệnh COVID-19, nhất là tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

TP Hồ Chí Minh và 7 địa phương chủ động, linh hoạt điều chỉnh cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong phòng, chống dịch, bảo đảm huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là tại cơ sở. Cần kịp thời rút kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là bài học kinh nghiệm thực tiễn để làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch để trên cơ sở đó giữ vững và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ba phương châm

Thứ nhất, nhất quán, kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”. Lãnh đạo thành phố cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để quyết định mức độ ưu tiên trong tổ chức, thực hiện mục tiêu kép. Trong điều kiện hiện nay, phải tập trung ưu tiên cho chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, với các quyết định mạnh hơn khi áp dụng Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo cụ thể.

Khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, chặt chẽ hơn kể cả toàn Thành phố; kể cả các giải pháp mạnh như: tiếp tục giãn cách xã hội, phong tỏa rộng, cách ly chặt chẽ, thần tốc xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng F0 để cách ly điều trị, nhất là những nơi đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như chợ đầu mối, khu công nghiệp và khu tập trung đông người.

Thứ hai, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các biện pháp truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung; hết sức linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19 để sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Thứ ba, các địa phương chủ động bổ sung lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch. Bộ Y tế hỗ trợ, bổ sung lực lượng tư vấn, hướng dẫn xét nghiệm, điều trị và nhân lực, vật lực trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an huy động nhân lực trong lực lượng công an, quân đội (nhất là Quân khu 7, cảnh sát cơ động, các trường đại học, cao đẳng trong quân đội, công an) và một số địa phương đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh... hỗ trợ cả nhân lực, vật lực cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba không

Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền đi đối với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân ở từng cấp, từng ngành để chống dịch có hiệu quả hơn. Thực hiện “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, để không bị động khi dịch bệnh tăng lên, diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong một tỉnh và ở nhiều tỉnh trong vùng; với phương châm tháo gỡ vướng mắc và điều kiện bảo đảm chống dịch là “3 không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm...; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”.

Căn cứ tình hình thực tế để xác định việc giãn cách, phong tỏa, cách ly cho phù hợp, hiệu quả. Giãn cách trên diện rộng, phong tỏa ở diện hẹp, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ, nghiêm túc. Khi đã phong tỏa, kể cả diện rộng, thì phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện và kịp thời đưa F0 ra khỏi khu vực phong tỏa, không để lây chéo.

Thực hiện nghiêm yêu cầu “5K + vaccine” và kết hợp ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình và tổ chức hướng dẫn thí điểm thực hiện tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm kịp thời nhưng tuyệt đối an toàn, hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tích cực trao đổi thống nhất các biện pháp quản lý người, phương tiện đi, đến từ vùng có dịch, bảo đảm nguyên tắc yêu cầu phòng, chống dịch cao nhất nhưng không để ách tắc các hoạt động vận tải, giao thương và tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ khu vực này sang khu vực khác.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật trong phòng, chống dịch; xử lý kỷ luật nghiêm minh những tổ chức, đơn vị, cá nhân sai phạm và để xảy ra sai phạm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành quy định, pháp luật; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đồng thời biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt, có thành tích trong phòng, chống dịch hiệu quả.

Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ cảm thông và ủng hộ của Nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước.

Trong trường hợp TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng phải tiến hành phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng thì các Bộ: Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải và các bộ ngành có liên quan phải có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như: phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cũng ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân..., để không làm xáo trộn lớn đến đến cuộc sống của người dân.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính  Ảnh: Nhật Bắc

KIM DUNG